Cha mẹ hãy là người bạn thân thiết của con

GD&TĐ - Khi đến tuổi dậy thì, trẻ không những trải qua những biến đổi trong cơ thể mà còn có những thay đổi về tâm tính, khiến cha mẹ đôi khi khó chịu, thậm chí bực mình với con. 

Cha mẹ hãy là người bạn thân thiết của con

Theo các chuyên gia tâm lý, để giúp con vượt qua giai đoạn "khủng hoảng tuổi dậy thì", cha mẹ phải là người bạn thân thiết của con; cùng con vượt qua sự phát triển về tâm lý và thể chất.

Cùng con vượt qua "khủng hoảng tuổi dậy thì"

Thạc sĩ tâm lý Lê Phương Thanh – Chuyên viên tâm lý Sức khỏe gia đình, Đài 1800 cho biết: Hàng ngày trực tổng đài để giải đáp, tư vấn tâm lý cho khách hàng của mình, tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi, chia sẻ của các em học sinh cấp 2, 3 về vấn đề phát triển tâm sinh lý cũng như sự phát triển của cơ thể.

Có em hỏi rất ngô nghê: "Cháu thấy cơ thể có những thay đổi rất lạ, đột nhiên giọng nói của cháu khác đi, những vùng kín trong cơ thể cháu lại mọc "râu", cháu sợ hay là cháu bị bệnh, cháu không dám nói với bố mẹ cháu vì cháu ngại lắm cô à...

Có em lại hỏi: cách tránh thai như thế nào khi đã có quan hệ với bạn trai? Có em khi biết mình đã có thai thì hoang mang lại hỏi: Em nên phá thai ở đâu an toàn và kín đáo? Rất ít các em hỏi đáp thắc mắc về những vấn đề về tâm sinh lý tuổi mới lớn như: làm sao để biết cách vượt qua những biến đổi của cơ thể mình... Đây là một thực tế đáng báo động.

Một điều nữa mà tôi muốn nói rằng, nhiều cha mẹ mải bận làm ăn không quan tâm sát sao đến con cái, khi xảy ra chuyện rồi mới gọi đến chúng tôi nhờ giải đáp. Có bà mẹ vừa khóc vừa hỏi chúng tôi hướng dẫn, giải thích cho con thế nào khi con còn quá nhỏ: 13 tuổi đã biết yêu và để lại hậu quả. Họ thắc mắc không hiểu sao con tôi lại yêu đương sớm… Và không hiểu sao nó làm chuyện ấy lúc nào mà để lại hậu quả... Nhưng câu hỏi tưởng như có lí nhưng rất vô lí vì sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ.

Không biết, có phải họ không hiểu hay do mải làm ăn mà quản lý con lỏng lẻo nên đã không biết rằng, chỉ cần một vài thao tác đơn giản lên mạng thì các em có thể xem bất cứ thứ gì mà các em tò mò muốn biết qua các trang Web trên mạng Internet... Và việc yêu đương sớm cũng là đương nhiên. Đáng tiếc rằng các em lại không biết cách phòng tránh đã để xảy ra hậu quả.

Vậy nên, cùng con vượt qua “khủng hoảng tuổi dậy thì” và có những định hướng đúng đắn trong tình bạn, tình yêu cho con là điều phụ huynh nên làm. Đừng để sự việc xảy ra rồi mới tìm cách giải quyết thì quá muộn.

Cha mẹ có thể tranh thủ những lúc ngồi uống nước, ăn hoa quả với còn rồi cùng trao đổi về những câu chuyện tuổi teen, về tuổi dậy thì của mình trước đây để con có kỹ năng đối phó và đón nhận, không nên phó mặc cho nhà trường. Không nên ném một đống sách vở về tuổi dậy thì bắt con tìm hiểu một mình, vì có nhứng điều trẻ đọc mà chẳng hiểu gì. Để con cái mình trong quá trình dậy thì phải tự bơi một mình là không nên mà hãy đồng hành cùng con.

Muốn vậy, cha mẹ hãy dành thời gian gần gũi, lắng nghe con, không nên áp đặt chính kiến của mình, không tỏ ra dò xét, tra hỏi. Hãy bày tỏ thái độ tôn trọng và quan tâm đến những thắc mắc của con, giúp con vượt qua những khó khăn của tuổi dậy thì để học tập tốt hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội để giúp trẻ phát triển tâm lý lành mạnh.

Nên vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng

Theo chuyên viên tư vấn tâm lý, Đỗ Thị Quý – Trung tâm Tư vấn Chăm sóc sức khỏe Phụ nữ - Bệnh viện Đức Giang: Các bậc cha mẹ nên quan tâm và làm bạn cùng con trong suốt giai đoạn dạy thì, bởi giai đoạn này trẻ rất cần sự quan tâm, chia sẻ và hướng dẫn của cha mẹ.

Theo tôi được biết, các bậc cha mẹ thường có thái độ lẩn tránh những câu hỏi liên quan đến vần đề giới tính vì sợ sẽ "vẽ đường cho hươu chạy". Trong khi ở lứa tuổi dậy thì, trẻ có biết bao nhiêu câu hỏi cần được giải đáp.

Đối với trẻ em, cái gì cha mẹ càng giấu diếm, càng cấm thì trẻ càng quan tâm, khám phá. Chính vì cha mẹ lẩn tránh trả lời nên trẻ càng tò mò bằng cách hỏi bạn bè, tìm kiếm trên mạng Internet và vô tình chúng sẽ truy cập vào những trang web xấu. Như thế sẽ rất nguy hiểm cho các con vì ở lứa tuổi này trẻ rất dễ bị sa ngã khi tiếp xúc với những đều nhạy cảm trên mạng.

Ở lứa tuổi từ 9 đến 15 tuổi là lứa tuổi bắt đầu xuất hiện những thay đổi về tâm sinh lý, khiến các em hay tò mò để ý. Nếu không được dạy bảo kịp thời thì các em dễ bị sa ngã, bị lợi dụng vào các hành vi quấy rối tình dục mà hậu quả thì cha mẹ không thể lường hết được.

Nhiều người cho rằng, giáo dục giới tính cho vị thành niên là vẽ đường cho hươu chạy. Nhưng tôi nghĩ, thà vẽ đúng đường cho nó chạy đúng hướng còn hơn để nó chạy tán loạn.

Giáo dục giới tính cho trẻ là nhu cầu cần thiết

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ đến tuổi dậy thì không những gặp phải sự thay đổi về thể chất trong cơ thể mà còn thay đổi cả về tâm sinh lý, nhận thức, vì vậy giáo dục giới tính cho trẻ là hết sức cần thiết. Song giáo dục giới tính vẫn là một lĩnh vực hết sức khó khăn, tế nhị đòi hỏi người lớn phải nắm bắt được tâm lý các em và trình bày thật vui tươi, dí dỏm, trả lời rõ ràng mọi vấn đề.

Không nên ngại ngùng hoặc gạt phắt đi những câu hỏi, những thắc mắc mà các em đang muốn được giải thích. Hãy coi trẻ như những người bạn để cùng trò chuyện, trao đổi. Có như thế trẻ mới sẵn lòng cởi mở và chia sẻ những gì các em còn khúc mắc.

Tại các trường phổ thông hiện nay việc giáo dục giới tính cho học sinh đã có nhiều hình thức giáo dục lồng ghép cho các em như: mời chuyên gia đến nói chuyện theo các chủ để; cho các em xem các đoạn phim về giáo dục giới tính; lồng ghép vào một số môn học: Sinh học, Giáo dục công dân... Qua các buổi như thế các em sẽ học được nhiều điều bổ ích về tâm sinh lý lứa tuổi, về cách ứng xử và phòng chống về tình dục an toàn... ;các em nữ biết cách hành động khi bị quấy rối tình dục...

Cùng với việc giáo dục trong nhà trường, giáo dục ngoài nhà trường cũng hết sức quan trọng. Việc tự học, tự tìm hiểu qua sách báo, trường học cũng đã giúp trẻ biết và phòng tránh những thay đổi của cơ thể; Các tổ chức hội phụ nữ, đoàn thanh niên cơ sở cũng nên có những chuyên đề về giáo dục giới tính cho các em. Đồng thời, cha mẹ các em cũng luôn phải gần gũi, cởi mở hơn, quan tâm hơn để cùng các em vượt qua "khủng hoảng tuổi dậy thì". Bởi vì hơn ai hết, gia đình là môi trường giáo dục quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Gia đình đóng một vai trò rất quan trọng, giúp các em định hướng tốt hơn cuộc sống của mình. Các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm sát sao đến con nhiều hơn, nếu cứ để các em “tự học, tự bơi” đôi khi mang lại mùa quả đắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ