17 em bị thương và 1 em học sinh lớp 6 đã tử vong vì tai nạn này. Trước mắt, TPHCM tập trung công tác thăm hỏi, động viên các em bị thương và chuẩn bị hậu sự cho học sinh tử vong.
Tai nạn do cây xanh đổ là ngoài mong muốn của mọi người. Cây xanh ngã, đổ do gió, bão là tai nạn do thiên tai gây ra. Nhưng cũng có cây bị nghiêng hay mối mọt mà không được phát hiện kịp thời dẫn đến ngã, đổ, gãy lại liên quan đến trách nhiệm trong quản lý. Nguyên nhân cây phượng vĩ bỗng dưng bật gốc ngã đổ ở Trường THCS Bạch Đằng, Quận 3 (TPHCM) gây thương vong cho học sinh đang được cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân gì, sự cố đau lòng này vẫn là lời cảnh báo cần thiết đến công tác bảo đảm an toàn học đường trên cả nước, nhất là thời điểm bước vào mùa mưa bão.
Không phải ngẫu nhiên mà Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam TCVN 8270:2009 có quy định liên quan đến cây xanh trường học. Phát triển cây xanh để trường học xanh, sạch, đẹp là cần thiết nhưng phải bảo đảm an toàn. Để phòng ngừa cây xanh ngã, đổ trong mùa mưa, gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng học sinh, giáo viên, nhân viên, việc thường xuyên kiểm tra, thực hiện tỉa cành, mé nhánh chống lại cây bị nghiêng, hoặc đốn hạ cây có nguy cơ ngã, đổ rất cần thiết. Thời gian vừa qua, Sở GD&ĐT nhiều địa phương đã quan tâm đến việc bảo đảm mức độ an toàn của cây xanh trong học đường. Như ở Đà Nẵng, cứ trước mùa mưa bão, Sở GD&ĐT TP quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, trường học chú trọng việc cắt tỉa cành, nhánh cây xanh, cắt bỏ những cây, nhánh mục hư hỏng, tránh tình trạng cây gãy đổ có thể gây tai nạn cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Các trường học tại đây luôn chủ động dành kinh phí cho công tác này.
Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn một số nơi, một số trường học chưa thực sự quan tâm đến vấn đề phòng chống tai nạn thương tích (TNTT) do cây xanh gây ra. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả vấn đề kinh phí, chuyên môn, có đơn vị cứ để cây tự sinh, tự diệt một cách… tự nhiên; có đơn vị muốn cắt tỉa gọn gàng nhưng không có kinh phí thì vận dụng lao động công ích, tình nguyện của học sinh, giáo viên, nhân viên. Mới đây, dư luận nói chung và ngành giáo dục nói riêng đã bàng hoàng với thông tin đau lòng về một nam học sinh 15 tuổi, ở Trường THCS Quyết Thắng (TP Hải Dương) khi đang chặt tỉa cành cây phi lao trong khuôn viên nhà trường bất ngờ bị điện giật ngã xuống đất, sau đó không qua khỏi.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu có hơn 900 nghìn trẻ em và trẻ vị thành niên tử vong do TNTT, trong đó có 90% bị TNTT bất ngờ không chủ ý. Các TNTT này xảy ra ngay ở trường học hoặc trên đường đến trường. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có hơn 370 nghìn trẻ em là học sinh bị TNTT, trong đó có không ít TNTT xảy ra trong học đường.
Nguyên nhân dẫn đến TNTT trong học đường do học sinh thiếu kỹ năng bảo vệ, thầy cô giáo bất cẩn, đáng chú ý là có không ít TNTT do môi trường học tập không bảo đảm an toàn. Các TNTT nghiêm trọng có thể phòng tránh được nếu thầy cô giáo, nhà trường, cha mẹ và học sinh có ý thức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Trường hợp phòng chống TNTT liên quan đến cây xanh trong học đường cũng vậy. Sự quan tâm của nhà trường là yêu cầu hàng đầu. Song song đó, cần có cuộc tổng kiểm tra, đánh giá, khuyến cáo cần thiết của đơn vị có chuyên môn về cây xanh học đường, giúp các đơn vị giáo dục làm tốt hơn công tác xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn.