Gìn giữ câu ca di sản
Hát Xoan vốn là “đặc sản” văn hóa cổ truyền ở vùng quê Phú Thọ, làn điệu gắn liền với truyền thuyết Hùng Vương và sự phát triển văn hóa vùng đất Tổ. Từ khi hát Xoan Phú Thọ được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, mục tiêu đến năm 2015 phải đưa hát Xoan thoát khỏi nguy cơ thất truyền và đón nhận danh hiệu mới hát Xoan - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhân dân Phú Thọ nói chung và thế hệ trẻ học đường vùng đất Tổ nói riêng đã không ngừng gìn giữ, bảo vệ và phát triển câu hát Xoan.
Những năm gần đây, câu hát Xoan không chỉ được lưu truyền và diễn xướng trong không gian những làng Xoan truyền thống của thành phố Việt Trì nữa mà nó có sức lan tỏa đến những vùng quê khác của tỉnh. Cũng từ đây, tuổi trẻ học đường ở các trường học đã đón nhận câu hát Xoan để nâng cao ý thức gìn giữ câu ca di sản.
Phong trào đưa hát Xoan vào trường học được các nhà trường tổ chức sôi nổi và hiệu quả. Bắt đầu từ các trường học các cấp trên địa bàn thành phố Việt Trì, đến nay, hát Xoan đã hiện diện ở những vùng quê khác như Hạ Hòa, Thanh Sơn, Tam Nông, Đoan Hùng, Thanh Thủy... Không chỉ có HS cấp THPT mới hát mà cả HS nhỏ tuổi ở bậc tiểu học và THCS cũng tập và biểu diễn hát Xoan.
Ban đầu, việc đưa hát Xoan vào trường học ở các huyện gặp nhiều khó khăn như nhiều em HS còn lạ lẫm với những làn điệu hát Xoan cổ với cách biểu diễn mới lạ. Hơn nữa, nhiều em có tâm lí e ngại mặc những bộ trang phục cổ truyền và biểu diễn những động tác múa. Nhưng sau đó, nhờ công tác tuyên truyền của các nhà trường, đặc biệt là sự giúp đỡ, tâm huyết của các nghệ nhân dân gian, lòng đam mê của nhiều em HS, câu hát Xoan đã đến với HS ở các miền quê một cách tự nhiên và thân thuộc.
Các nhà trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đưa vào và tổ chức các hoạt động hát Xoan gắn với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, công tác giáo dục truyền thống, giáo dục di sản... Vì vậy, hát Xoan được đưa vào kế hoạch giáo dục, kế hoạch tổ chức các hoạt động ngoại khóa ở các nhà trường.
Điều đặc biệt, trong những năm học gần đây, hát Xoan là làn điệu đã tạo được sức lan tỏa trong giới trẻ, các em HS đã trở nên yêu thích, đam mê hát Xoan. Dù không sinh ra, không ở gần những làng Xoan cổ nhưng trải qua một thời gian lắng nghe và cảm nhận, các em HS ở các miền quê đã thực sự đã cảm thấy niềm tự hào về câu ca di sản quê mình.
Tại Trường THCS Văn Lang (Hạ Hòa - Phú Thọ), nhà trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo hình thức tích hợp hát Xoan Phú Thọ. Tại buổi ngoại khóa, các em HS dù nhỏ tuổi nhưng đã rất tự tin và hào hứng khi biểu diễn hát Xoan. Các buổi ngoại khóa của nhà trường đã giúp các em HS biết được nguồn gốc của hát Xoan và những làn điệu hát Xoan cổ.
Vang vọng nơi sân trường
Vào dịp tổ chức các ngày lễ lớn trong năm học như khai giảng năm học mới, 20/11, 26/3, 19/5... các nhà trường đều chuẩn bị và đưa vào các tiết mục hát Xoan. Nhờ đó mà chương trình văn nghệ chào mừng buổi lễ mang một sắc màu vừa mới mẻ, vừa đậm chất truyền thống. Người biểu diễn không ai khác chính là các em HS.
Trong trang phục áo nâu, khăn mỏ quạ, với những nhạc cụ đơn giản, các em đã biểu diễn tự tin và đầy ấn tượng những làn điệu hát Xoan cổ như Đón đào, mó cá, đố hoa... Hát Xoan còn được các nhà trường đưa vào các hội thi văn nghệ, lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa và sinh hoạt tập thể. Thông qua đó, mỗi em HS có ý thức gìn giữ câu hát di sản của quê hương.
Ở Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ), hát Xoan luôn là một tiết mục được đông đảo thầy cô giáo và HS đón xem. Vào các ngày lễ lớn, các hoạt động ngoại khóa, hát Xoan được HS các lớp biểu diễn và là tiết mục không thể thiếu. HS nhà trường còn đưa hát Xoan vào các hội thi văn nghệ lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, các chương trình văn nghệ của huyện.
Trong thời gian vừa qua, để tập hợp những người yêu thích hát Xoan, các huyện còn thành lập câu lạc bộ hát Xoan. Trong đó, lực lượng chính là các thầy cô giáo và HS các nhà trường. Để câu lạc bộ được hoạt động hiệu quả, giáo viên tham gia câu lạc bộ đã được tập huấn tại tỉnh về hát Xoan và tổ chức tập luyện, biểu diễn hát Xoan tại đơn vị.
Hát Xoan đã khơi dậy niềm đam mê cho nhiều em HS ở các nhà trường. Nhiều em tuy ở xa các làng Xoan nhưng lại biểu diễn rất thành công về những làn điệu Xoan. Em Hà Trung Hiếu từng là HS Trường THPT Hạ Hòa, nay là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương vốn là một HS đam mê và biểu diễn thành công hát Xoan.
Năng khiếu hát Xoan của Hiếu bộc lộ ngay từ khi em học lớp 10, với sự dày công tập luyện, tìm hiểu, Hiếu cùng các bạn trong đội hát Xoan của nhà trường đã tham gia biểu diễn hát Xoan tại các hoạt động ngoại khóa, các ngày lễ lớn của nhà trường, của huyện và lễ hội đền Mẫu Âu Cơ. Nhờ hát Xoan, Hà Trung Hiếu đã có động lực để thi vào Trường Sư phạm Nghệ thuật.
Câu hát Xoan xưa vốn chỉ vang vọng nơi những sân đình cổ kính, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi. Còn ngày nay, hát Xoan đã và đang vang vọng nơi trường làng, nơi có những mầm non đang học tập và rèn luyện. Sức lan tỏa của câu ca di sản nơi đất Tổ đã nhân lên niềm tự hào và ý thức gìn giữ, phát huy lời ăn tiếng nói của cha ông trong hôm nay và mai sau.