Những năm gần đây, tôi có thói quen thỉnh thoảng lên mạng kiểm tra xem có bài hát nào của mình còn được công chúng quan tâm không. Và rất cảm động vì một trong những bài hát được mọi người yêu quý lại là bài hát tôi viết cho thiếu nhi vùng dân tộc thiểu số đến nay vừa tròn 40 tuổi – bài hát Cô giáo em là hoa Ê-pang.
Bài hát này được các thế hệ thiếu niên (và cả các cô giáo mầm non, tiểu học) trong nước hát nhiều, nhất là những ngày tựu trường hay Ngày Nhà giáo Việt Nam. Họ hát có khi còn sai lời, sai nhạc nhưng trong trẻo và thật hồn nhiên. Nhiều cháu (và cũng có nhiều cô) đã gọi điện hỏi tôi, vì sao mà chú viết bài này và…Chú ơi, hoa Ê-pang là hoa gì. Có phải nó là hoa Ban ở Tây Bắc không? Vậy đó, những câu hỏi tưởng giản đơn nhưng thật khó trả lời thấu đáo trong một đôi câu…
Tôi nhớ. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp Trường Lý luận – Nghiệp II – một phân hiệu của trường Đại học Văn hóa Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi về lại quê nhà công tác. Ninh Hòa quê tôi là một huyện lớn của tỉnh Khánh Hòa, tọa lạc cách thành phố Nha Trang hơn 30km về phía bắc; và phía tây của huyện là xã Ninh Tây – một xã của đồng bào dân tộc Ê-đê M’Thua giáp ranh với huyện M’Đrăk, tỉnh ĐăkLăk.
Mùa hè năm ấy, cùng với một số anh em làm phong trào văn nghệ ở địa phương, chúng tôi tổ chức chuyến du khảo về vùng đất cực tây của huyện với mục đích tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc anh em đang cư trú trong huyện. Đêm ấy, xã bố trí anh em chúng tôi nghỉ tại căn nhà dài của trưởng Buôn M’Đung. Nhà dài của ông dựng vách bằng những thanh nứa được đập dập ra rồi dùng những sợi mây để bện lại nên vừa kín mà lại rất thoáng.
Đấy là một đêm trăng rất sáng rọi chiếu từ mảnh rừng xa, còn tôi là gã thanh niên lần đầu tiên đến với buôn làng nên không sao ngủ được. Tôi nghĩ miên man nhiều thứ rồi da diết nhớ về người bạn gái chung trường vừa mới chia tay, cô ấy về nơi đất Mũi Cà Mau và cảm thấy thật là đơn lẻ: “Nửa đêm nghe tiếng chày giã bắp/ Trăng chiếu rừng xa ngỡ sáng rồi/ Có tiếng ai cười xuyên vách nứa/ Nhịp chày đôi gõ trái tim đơn.”
Ngày hôm sau, chúng tôi đi thăm Buôn Tương – một buôn của người Ê-đê nằm dưới chân đèo Phượng Hoàng, chính là điểm cực tây của huyện. Buôn Tương hồi ấy có chừng 50 ngôi nhà và đều là những căn nhà dài truyền thống, trong buôn không trồng cây nên khá trống trải và dường như nóng hơn dưới cái nắng mùa hè. Những chàng trai Buôn Tương vóc dáng cao to, nhiều cô gái Buôn Tương tràn trề sức xuân với nụ cười tỏ nắng.
Buổi chiều chúng tôi về lại M’Đung nghỉ ngơi. Đêm xuống. Chủ buôn mời chúng tôi bữa tiệc rượu cần. Ché rượu cần được đặt cạnh bếp, bên ché rượu là một ghè nước suối, trên mặt nước là một nhánh lá xanh rời rợi điểm vài bông hoa màu trắng mỏng manh cơ hồ như cánh bướm, ngan ngát rừng. Cô gái ngồi cạnh tôi nói làm vậy cho nước suối thơm hơn. Hỏi hoa tên gì, cô gái cười khẽ bảo: Ê-pang. Rồi nhắc lại lần nữa, ý chừng sợ khách sẽ quên: Hoa Ê-pang!
Vào tiệc, ông Chủ buôn trịnh trọng trao chiếc cần trúc được cắm sâu vào ché rượu cho vợ mình; bà cầm chiếc cần hút ngụm rượu đầu tiên rồi trao cần mời khách. Chiếc cần cứ thế xoay vòng, xoay vòng … Chúng tôi đã uống và đã say, nhưng không biết đã say vì rượu hay vì nụ cười của các cô gái Ê- đê trong bữa tiệc: “Một ché rượu nồng pha nước suối/ Đãi khách chuyền tay mỗi chiếc cần/ Chưa uống tưởng rằng men rượu nhạt/ Vừa quen đã thấy chuếnh men rôi…/ A-đay ơi! Có phải rượu cần buôn ta đó? Cũng giống bụng người dân Ê-đê (?!)”.
Sau này, tôi đã nhiều lần qua lại nơi đây và cũng đã đi đến nhiều làng buôn Tây Nguyên và những vùng đất khác, nhưng vẫn không sao quên được đêm rượu cần ở xã Ninh Tây. Thế mới biết người xưa nói thật chí lý: “Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” (Nguyễn Bính)
Năm sau, tại Đại hội Thi đua của tỉnh Phú Khánh (Phú Yên + Khánh Hòa) một cô giáo trẻ ở Ninh Tây tên Nguyễn Thị Cúc được vinh danh Chiến sĩ Thi đua cấp tỉnh lại thổi bùng trong tôi nỗi nhớ về cái đêm rượu cần ở Buôn M’Đung năm ngoái: hình ảnh những chàng trai cô gái Ê-đê hồn hậu, những ánh mắt to tròn đen láy của em bé ngây thơ nhìn khách đến thăm buôn và rồi đọng là một cách mơ hồ hình ảnh cô giáo miền xuôi mảnh khảnh với mái tóc buông dài cùng đàn em nhỏ. Thế là, giai điệu đầu tiên đã được hình thành. Tôi thấy một em bé Ê-đê đang nhảy chân sáo đến trường và ngân nga khúc nhạc: “La la la… la la… la…/ Sương long lanh, rẫy nương xanh, con suối uốn quanh lưng đồi thanh thanh/ Hoa Ê-pang nở trấng lưng nương, cái nắng xôn xao theo em tới trường…”
Ừ! Đến trường vui lắm. Ở đó có bạn bè và nhất là có cô giáo dạy em học chữ, dạy em hát ca: “Xa xa kia là làng buôn ta, có cô giáo trẻ có lời em ca/ Khi lên nương, khi qua suối em ngắt cánh hoa tặng cô giáo mình/ Ê hê…ê hê… ê hê…” Nhưng cánh hoa mà em sẽ ngắt để tặng cô là hoa gì nhỉ? Bên rừng, ven suối có nhiều thứ hoa lắm mà. Hỏi thôi rồi bỗng nhớ. Chẳng phải trong cái đêm rượu cần ở Buôn M’Đung mình đã nghe cô gái ngồi cạnh bảo cánh hoa trắng trên nhành lá rừng thả trên mặt vò nước suối để lấy hương là hoa Ê-pang đó sao? Thế thì hãy để em bé ngắt cánh hoa Ê-pang tặng cho cô giáo vậy. Và đoạn B của bài hát đã được hình thành: “Này cánh hoa em tặng cô giáo, là cánh hoa của làng buôn/ Hoa Ê-pang của núi rừng ta, xinh như cô giáo trên buôn làng xa/ Hoa Ê-pang của núi rừng ta, xinh như cô giáo trên buôn làng xa/ Ê hê…ê hê… ê hê…”
Thế đấy, bài hát Cô giáo em là hoa Ê-pang đã ra đời như vậy. Bài hát sau đó được truyền miệng rồi lan dần khắp nước trước khi nó được công bố chính thức bằng văn bản; còn cô giáo Cúc thì vẫn gắn bó với buôn làng, rồi trở thành Hiệu trưởng, thành Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây cho đến ngày nghỉ hưu. Có điều cũng xin nói thực, tuy cùng ở chung một địa phương mà cho đến nay chúng tôi vẫn chưa có cơ duyên hội kiến.
…
Vậy đấy. Sự ra đời của bài hát Cô giáo em là hoa Ê-pang – bài hát viết về thiếu nhi đầu tiên của tôi được bắt nguồn từ đêm rượu cần bên cô gái Ê-đê xinh đẹp; đến như cánh hoa Ê-pang rất mơ hồ kia xem ra chẳng dính dáng mấy với cô giáo miền xuôi, mà sao lại kết vào nhau thành một vậy? Xem ra đấy là điều rất khó nói cho rành mạch. Nhưng, trong mối quan hệ “trùng trùng duyên khởi” của cuộc đời thì cần chi phải đi tìm cho đến tận cùng từng sự việc. Thôi thì, mọi thứ hãy tùy duyên./.
Nha Trang, tháng 6 năm 2021