Chúng tôi tham gia dự án này với khát khao thỏa mãn trong quá trình tự đổi mới mình, tìm ngôn ngữ mới cho điêu khắc, truyền hết tình cảm của mình vào tác phẩm và hi vọng tìm được sự đồng cảm của người xem, người sử dụng
Sau triển lãm giai đoạn 2 với chủ đề “Điêu khắc – Kiến trúc – Không gian” diễn ra trong tháng 10 và tháng 11 năm 2014, dự án điêu khắc New Form đã tổ chức một cuộc tọa đàm với những người quan tâm đến hoạt động của nhóm tham gia dự án suốt 2 năm qua.
Nhà điêu khắc Đào Châu Hải – từng là thầy giáo của các điêu khắc gia tham gia nhóm New Form, cũng là người khởi xướng triển lãm “Không gian mới” năm 1999 với mong muốn cách tân ngôn ngữ điêu khắc hiện tại, đã “nổ phát súng” đầu tiên khi đặt ra câu hỏi cũng là đòi hỏi gay gắt với các học trò của mình: Tính định hình trong không gian là nguyên lý của kiến trúc, còn nguyên lý của điêu khắc là thì tính định nghĩa, duy nhất.
Các anh biểu đạt dựa trên nguyên lý gì? Không gian, hình thể, thị giác là cái gì? Tôi thấy các anh còn rất lúng túng khi trình bày những điều này.
Thật là dễ hiểu về sự lúng túng này của các nhà điêu khắc New Form. Và để nói rõ về nguyên lý biểu đạt của mình, thì cũng thật là khó, bởi nguyên lý không phải là cái gì bất biến, như nhà thiết kế Phạm Kiều Phúc nói, nguyên lý kiến trúc cũng đã thay đổi rất nhiều rồi, và chắc là điêu khắc cũng vậy.
Hơn nữa, tìm ra nguyên lý mới cũng là một trong những mục tiêu của dự án New Form mà các nghệ sĩ điêu khắc tham gia dự án đang nỗ lực thể nghiệm, tìm tòi, sáng tạo.
Còn nhà lý luận phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng thì “cảnh báo”: Các anh cứ tự nhận là hậu hiện đại nhưng xã hội Việt Nam chưa như thế, các anh vẫn đang sống trong 3 loại không gian của điêu khắc: không gian cổ, không gian cũ, và không gian tự do đa chức năng.
Thoát ra khỏi sự ràng buộc của các không gian điêu khắc cổ, cũ để vươn ra sáng tạo trong không gian tự do là rất khó, chỉ lơi lỏng một chút là lại trở về không gian cũ. Chưa kể, công nghệ cho điêu khắc còn rất kém, hạn chế khả năng biểu đạt.
Đúng là, nếu không đủ bản lĩnh, những con người mới của New Form sẽ choáng, hoang mang và biết đâu sẽ quay trở lại con đường đi cũ, những lối mòn đã mở sẵn bao đời nay, cho “lành”. Ôi, đáng sợ và đáng buồn biết bao nếu điều đó xảy ra!
Nhưng không, chắc chắn cái sự “nếu” đó không xảy ra, vì bản thân mỗi nhà điêu khắc trẻ của New Form đều đã và đang đặt câu hỏi cho chính mình. Như Phạm Bảo Sơn đã chia sẻ:“Chúng tôi tham gia dự án này với khát khao thỏa mãn trong quá trình tự đổi mới mình, tìm ngôn ngữ mới cho điêu khắc, truyền hết tình cảm của mình vào tác phẩm và hi vọng tìm được sự đồng cảm của người xem, người sử dụng”.
Họ luôn dằn vặt, trăn trở với những câu hỏi của chính mình: “…Làm sao một vật thể có công năng như một đồ dùng hàng ngày lại có thể có giá trị như một tác phẩm nghệ thuật. Ý nghĩa của tác phẩm xuất hiện khi nào: Vào lúc chúng được làm ra?
Trong không gian nơi chúng được trưng bày? Hay khi chúng ta tương tác và trải nghiệm với nó?!”(Trần Trọng Tri); “Làm sao trong nội tại tác phẩm đã bao hàm sự kết nối giữa cái khuôn thước, nhân tạo với cái tự nhiên, tung tẩy; và có cả sự kết nối giữa tác phẩm với không gian” (Nguyễn Ngọc Lâm); “Tác phẩm điêu khắc liệu có thể biến đổi và thích ứng với sự thay đổi của không gian hay rộng hơn là sự chuyển biến của xã hội?” (Phạm Thái Bình); “Bối cảnh không gian đặt tác phẩm điêu khắc có tiếng nói không?”(Thái Nhật Minh); “Sự ứng tác của tác phẩm điêu khắc với không gian là như thế nào?
Giữa các khối và mảng mang thông điệp khác nhau trong tác phẩm có sự kết nối nào không?”(Lê Lạng Lương); “Tác phẩm của mình có kết nối, tiếp cận được với không gian, với công chúng quan tâm, yêu nghệ thuật hay không?”(Khổng Đỗ Tuyền).
Designer Phạm Kiều Phúc, cũng là chủ của không gian Module 7 ở số 83 Xuân Diệu – nơi diễn ra triển lãm “Điêu khắc - Kiến trúc - Không gian” - khẳng định: Với những câu hỏi của họ, tôi cho rằng họ đã làm tốt trách nhiệm của một nghệ sĩ chân chính với bản thân, với nghề và với xã hội.
Nhà báo Đào Mai Trang cũng đã có những lời khích lệ: Dù thế nào, các nghệ sĩ New Form đã thành thật với mình, đã cố gắng chứng tỏ mong muốn thay đổi mình, thỏa mãn mình và tìm được sự đồng cảm của cộng đồng. Đó là điều đáng quý.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn – người điều hành hoạt động của New Form chia sẻ khát vọng của nhóm, đơn giản chỉ là“Nghệ sĩ được thay đổi mình, được nuôi dưỡng nhu cầu sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống”.
Khát vọng thay đổi của New Form chắc chắn sẽ được thực hiện. Các nhà điêu khắc trẻ đang cần một niềm tin, yêu như thế từ cộng đồng.
New Form là một dự án điêu khắc đương đại, nhằm nghiên cứu và thể nghiệm những khả năng sáng tạo mới trong điêu khắc, đồng thời đưa điêu khắc tiếp cận với những không gian sống hiện tại.
New Form tập hợp những nhà điêu khắc đang sống và làm việc tại Hà Nội, hoạt động trong 3 năm (2013-2016), chia thành 3 giai đoạn với định hướng cụ thể cho từng giai đoạn.
Các thành viên của New Form gồm 10 người thành viên: Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn, Designer Phạm Đam Ca và 8 nhà điêu khắc; Phạm Thái Bình, Thái Nhật Minh, Hoàng Mai Thiệp, Khổng Đỗ Tuyền, Nguyễn Ngọc Lâm, Lê Lạng Lương, Phạm Bảo Sơn, Trần Trọng Tri