Cậu bé 12 tuổi gây bất ngờ với MV kêu gọi bảo vệ rừng

GD&TĐ - Ngay khi ra mắt, MV 'Rừng khóc' của cậu bé Cao Phú Quý nhận được sự quan tâm, yêu thích của công chúng.

Phú Quý trong MV 'Rừng khóc'.
Phú Quý trong MV 'Rừng khóc'.

Lần đầu làm MV nhưng Cao Phú Quý vẫn chọn đường khó: Dùng nhạc rock không phải là sở trường để hát ca khúc dành cho người lớn để tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Và, ngay khi ra mắt, MV “Rừng khóc” của cậu bé 12 tuổi này liền nhận được sự quan tâm, yêu thích của công chúng.

Cùng Báo Giáo dục & Thời đại trò chuyện với Phú Quý về MV cũng như niềm đam mê âm nhạc.

Xin hãy cứu lấy rừng!

- Lần đầu làm MV, Phú Quý có cảm xúc như thế nào? Kỷ niệm khó quên là gì?

Phú Quý: Con đã rất hồi hộp. Hồi hộp vì không biết MV “Rừng khóc” của con có được mọi người đón nhận hay ko? Trong hai năm 2020, 2021, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên con không có quá nhiều các hoạt động nghệ thuật.

Phú Quý trong buổi ra mắt MV đầu tay 'Rừng khóc'. Ảnh: NVCC

Phú Quý trong buổi ra mắt MV đầu tay 'Rừng khóc'. Ảnh: NVCC

Cao Phú Quý sinh năm 2012 ở Hà Nội, là học sinh Trường THCS Lý Thái Tổ và Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Một số giải thưởng đạt được: Quán quân giọng hát Liên hoan Nghệ thuật châu Á (2022); Huy chương Vàng giải Piano quốc tế 2022; giọng hát Vàng 2023 - Giai điệu tuổi hồng (Bộ GD&ĐT); Á quân giọng hát Họa My 2023 (Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội)…

“Ca khúc ‘Rừng khóc’ đã có nhiều ca sĩ thể hiện nhưng lần này tôi chọn Phú Quý vì đây là giọng ca có nội lực trong ngôn từ, có sức lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo vệ thiên nhiên, môi trường đến các em thiếu nhi không chỉ trong nước mà cả trên thế giới”, nhạc sĩ Nam Cương chia sẻ.

Sang 2023, con bắt đầu thực hiện MV.

Để có được sản phẩm âm nhạc đầu tay này, con may mắn gặp được những người đỡ đầu tận tình, trong đó phải kể đến NSND Phạm Ngọc Khôi, nhạc sĩ Nam Cương, doanh nhân Trần Minh Hậu, bác Trần Hiền, ê-kíp sản xuất, Đài Truyền hình tỉnh Đắk Lắk… và rất nhiều người bạn lớn khác nữa đã giúp đỡ.

Đến giờ, con vẫn không quên được kỷ niệm ngày quay MV, con được vào sâu trong rừng, thời tiết vô cùng khô và nóng, rất vất vả nhưng vui. Cả ê-kíp nhiệt tình giúp đỡ cho con hoàn thành cảnh quay trong một ngày. Con cảm ơn ê-kíp rất nhiều.

- Vì sao Phú Quý chọn phong cách rock sôi động để thể hiện “Rừng khóc”? Phong cách này là sở trường hay Phú Quý muốn mạo hiểm làm mới mình?

“Rừng khóc” là sáng tác mới của nhạc sĩ Nam Cương được giải Nhì cuộc thi sáng tác ca khúc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Con may mắn được nhạc sĩ hướng dẫn khá kỹ càng nên hát tốt hơn nhiều so với lúc đầu.

Thực ra, rock chưa phải sở trường nên con cần tiếp tục rèn luyện để giọng hát có nội lực hơn nữa, chạm tới trái tim khán giả hơn.

- “Rừng khóc” có ca từ không dành cho ca sĩ nhí và đã được một số ca sĩ thể hiện khá thành công. Vậy khi quyết định chọn ca khúc này để làm MV đầu tay, Phú Quý có gặp khó không và đã vượt qua như thế nào?

Tình cờ trong lần đi hát theo yêu cầu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2023), con được nghe “Rừng khóc”. Từ việc cảm thấy ca khúc này mang tính giáo dục cao, muốn nói với mọi người rằng hãy bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất, con đã yêu thích và muốn sử dụng sức mạnh của bài hát để lan tỏa đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ nên mạo hiểm chọn làm MV.

Lúc đầu, nhạc sĩ Nam Cương khá lo lắng, sợ con hát không ra được cái hồn và chất của bài hát. Vì vậy, con phải nỗ lực hơn rất nhiều. Ở trên xe, lúc đi học, lúc ăn cơm… con đều mở bài hát ra nghe và hát theo để thấm và thật thấm. Sau khi được thầy - nhạc sĩ Nam Cương hướng dẫn con nghĩ là thầy đã khá hài lòng về bản thu của con.

- Theo Phú Quý, so với biểu diễn trên sân khấu, làm MV có gì khác?

Mỗi loại hình đem đến cho con cảm xúc khác nhau. Biểu diễn trên sân khấu con có 5 phút để trình diễn và thể hiện cảm xúc. Nhưng quay MV thì khác, nếu không chuyên nghiệp sẽ rất dễ mất cảm xúc khi mà có nhiều cảnh phải quay đi quay lại.

Cộng thêm là thời tiết, ngoại cảnh tác động, con thấy mệt và vất vả hơn rất nhiều. Sáng con dậy từ 4 giờ để chuẩn bị. Lúc quay đến chiều tối con đã thấm mệt, điệu cười cũng không còn được tự nhiên nữa, con phải cố rất nhiều. Nhưng, từ đây con học được nhiều kinh nghiệm diễn xuất hơn.

- Điều Phú Quý nhận được từ MV “Rừng khóc” và những dự định cho tương lai là gì?

Đó là một thông điệp rất rõ ràng: Rừng đã khóc, đang khóc rồi, xin hãy cứu lấy rừng. Đó là: “Rừng đâu rồi, rừng hoang tàn, loài người ơi, rừng đang buồn, rừng khóc kìa người ơi. (…) Muông thú đang kêu gào.

Rừng cháy hoang tàn rồi. Loài người có thấy có thấy chăng còn đâu những cánh rừng đại ngàn. Loài người có thấy chăng khi đàn thú không còn mái nhà, bơ vơ như chơ vơ như ánh dương tàn. Xin hãy giữ lấy rừng!”.

Con đang có kế hoạch phát triển dự án trồng rừng trong tương lai với một số tỉnh; đồng thời nếu may mắn gặp nhiều ca khúc mới hay, con sẽ tiếp tục ra MV và có thể sẽ hợp tác với nhiều ca sĩ nhạc sĩ mới.

Cháy hết mình cùng âm nhạc

Phú Quý biểu diễn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia kỷ 25 năm thành lập Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Ảnh: NVCC.

Phú Quý biểu diễn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia kỷ 25 năm thành lập Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Ảnh: NVCC.

- Phú Quý đã vượt qua áp lực tâm lý thế nào khi biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp, cũng như tại các cuộc thi trong nước và quốc tế để luôn tỏa sáng?

Trái tim con luôn hồi hộp, lo lắng trước giờ diễn. Có lần hồi hộp quá con còn bị chóng mặt đau đầu. Nhưng bỏ lại sau lưng những cảm xúc đó, khi đứng trên sân khấu con như khoác trên mình một lớp áo “bảo vệ” đặc biệt. Con không cảm thấy lo lắng hay sợ hãi nữa, cháy hết mình trên sân khấu, dồn toàn bộ tâm trí, cảm xúc vào bài hát.

- Để giành giải Giọng hát Vàng “Giai điệu tuổi hồng” năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Phú Quý đã dành công sức tập luyện như thế nào?

Giải thưởng đó con ẵm được khi học lớp 5. Con rất tiếc mình không đủ tuổi để đi tiếp vào vòng Quốc gia. Vì tại vòng thành phố, con là thí sinh duy nhất ở cấp tiểu học. Khi bước vào cuộc thi, con đã lựa chọn ca khúc “Vươn cao Việt Nam” sáng tác của nhạc sĩ Lưu Hà An.

Con may mắn được các thầy cô giáo của quận Nam Từ Liêm, và Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm động viên hỗ trợ rất nhiều. Con nghĩ, đó là giải thưởng không chỉ dành riêng cho con mà còn là dành cho các thầy cô giáo và các anh chị đã phụ họa cho con ca khúc.

Lúc công bố giải thưởng, con có cảm xúc lo lắng. Nghe mãi chưa đến lượt tên của mình, con tưởng mình không có giải. May mắn con được xướng tên cuối cùng vì trao giải Huy chương Vàng.

- Phú Quý có thể chia sẻ về bí quyết làm thế nào vừa học giỏi văn hóa vừa xuất sắc với vai trò MC, ca sĩ?

Con nghĩ bản thân chưa phải là người quá giỏi. Để vừa học tập văn hóa vừa học nhạc ở Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, con luôn cố gắng sắp xếp và ưu tiên những việc quan trọng trước.

Nhiều lúc, con cũng thấy mệt và quá tải nhưng mẹ con đã rất biết cách động viên, sắp xếp lại thời gian biểu liên tục nên con khá cân bằng được việc học tập, hoạt động nghệ thuật. Con cũng may mắn được các thầy cô Trường Lý Thái Tổ hỗ trợ, yêu mến con rất nhiều.

- Khi trở thành người nổi tiếng, Phú Quý có phải chịu áp lực gì không?

Con không thấy áp lực vì con không nghĩ mình là người nổi tiếng. Con vẫn chỉ là một cậu bé 12 tuổi có những ước mơ và hoài bão của mình. Con thật sự cảm thấy may mắn vì được mọi người yêu thương giúp đỡ, tạo điều kiện.

Những lúc con mệt luôn có mẹ và người thân bên cạnh và chưa bao giờ con có ý định dừng bước. Vì con hiểu, không có “chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân sẽ thấm đau vì những mũi gai” giống như lời bài hát “Đường tới ngày vinh quang” con từng hát.

Động lực để con tiếp tục nỗ lực vươn tới chính là ước mơ đạt một giải thưởng piano quốc tế, trở thành ca sĩ khá nổi tiếng trước 15 tuổi và có những dự án vì cộng đồng. Sắp tới, con sẽ cover lại ca khúc “lá thư gửi tuổi 15”, rất mong mọi người ủng hộ.

Phú Quý và mẹ. Ảnh: NVCC

Phú Quý và mẹ. Ảnh: NVCC

“Phú Quý sẽ là người quyết định con đường của mình!”

Chia sẻ về con đường đến với âm nhạc của Phú Quý, chị Nga kể: Ngay từ 3 tuổi, Phú Quý đã có những tố chất khá đặc biệt. Cậu bé có thể hát và thuộc rất nhiều bài hát tiếng Anh; có phong cách tự tin, đáng yêu và khi hát nốt cao không chênh phô, khá tròn. Vậy nên, chị sớm cho con học đàn, tham gia các hoạt động ca hát để làm quen.

Trong đó, học piano là một công việc khá vất vả. Nó đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại không bỏ cuộc, đấu tranh về tâm lý rất lớn. Nhiều lúc Phú Quý ẩu, lười nhưng chị Nga luôn đồng hành cùng con trong từng bước tập luyện. Bù lại, phẩm chất đặc biệt ở Phú Quý là không bao giờ bỏ cuộc.

Cậu bé luôn cố gắng hết mình cho niềm đam mê và luôn có nhiều năng lượng tích cực. Lịch học và làm việc của Phú Quý có lẽ còn kín hơn cả mẹ, nhưng cậu đã xác định được làm nghệ thuật không thể không vất vả, nên năng lượng tỏa ra luôn là cậu bé đáng yêu, vui vẻ và rất cố gắng.

Theo chị Nga, showbiz là điều chị chưa nghĩ đến. Tất cả những việc chị làm chỉ là để Phú Quý có điều kiện tốt nhất tự phát triển khả năng của mình. Cùng với đó, Phú Quý vẫn là một học sinh, nên việc đầu tiên và tiên quyết luôn là ưu tiên việc học, không chạy theo những điều hư ảo để mang về cho mình chất lượng học hành kém cỏi. Đó cũng là một áp lực dành cho Phú Quý và cậu bé cần phải vượt qua.

“May mắn là con ngoan, biết nghe lời mẹ định hướng nên tôi không quá vất vả trong việc trò chuyện, trao đổi với con. Còn sau 18 tuổi, Phú Quý sẽ là người quyết định con đường của mình. Tôi không quá kỳ vọng vào việc con làm nghệ sĩ và nổi tiếng. Tôi luôn chia sẻ với con rằng, bầu trời xanh thẳm rất đẹp nhưng cũng có cả bão táp mưa sa, nên phải kiên định và cố gắng hết mình với những gì đã lựa chọn”, chị Nga bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...