(GD&TĐ)-Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tổ chức đào tạo của các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, hiện vẫn có ý kiến cho rằng chưa có chuyển biến nhiều trong đổi mới PPDH ở ĐH; cán bộ quản lí và đội ngũ giảng viên chưa đầu tư thích đáng cho PPDH...
Phương pháp thuyết trình truyền thống vẫn được các giảng viên ưu ái sử dụng. Ảnh: gdtd.vn |
Yêu cầu bức thiết
Để tìm hiểu thực trạng sử dụng PPDH, Trường CĐ Cộng đồng Hải Phòng đã thực hiện khảo sát trên 40 giảng viên và 156 sinh viên trong trường. Kết quả cho thấy, thuyết trình và sử dụng sách giáo khoa, tài liệu là nhóm phương pháp được sử dụng nhiều nhất. Ít được sử dụng nhất là nhóm phương pháp dạy học trực quan, có giảng chưa bao giờ sử dụng phương pháp này trong bài giảng của mình. Nguyên nhân là do sự hạn chế về các phương tiện dạy học hiện đại như máy chiếu, dụng cụ thí nghiệm, các phần mềm dạy học...
Chính thực trạng sử dụng PPDH như vậy đã tác động trực tiếp đến hứng thú học tập của sinh viên trong trường. Đa số sinh viên được khảo sát (chiếm gần 56%) thấy hứng thú với số ít các môn học trong chương trình. Điều đáng lưu ý là, mức độ hứng thú của sinh viên giảm dần theo năm học. Đây là hệ quả trực tiếp từ việc giảng viên sử dụng các PPDH thiếu yếu tố đổi mới, thiếu sự sáng tạo và tích cực.
Đổi mới PPDH không chỉ là yêu cầu bức thiết đối với Trường CĐ Cộng đồng Hải Phòng. Theo giảng viên Nguyễn Thị Mơ – Trường CĐSP Nam Định, từ thực tế giảng dạy của nhà trường, vướng mắc lớn nhất hiện nay cần tháo gỡ chính là sự chậm đổi mới về PPDH phù hợp với bản chất của đào tạo tín chỉ. Vì vậy, cần đặt trọng tâm việc chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ ở khâu cải tiến các phương thức đào tạo, trong đó phương pháp dạy và học là cốt lõi. Giảng viên Nguyễn Thị Mơ cho hay, hiện tại giảng viên chủ yếu sử dụng thuyết trình, diễn giảng là những phương pháp truyền đạt kiến thức với cách tiếp cận nội dung để làm thế nào người học có được càng nhiều kiến thức càng tốt.
Việc đổi mới chương trình và nội dung dạy học không thể tách rời việc đổi mới PPDH, thay đổi phong cách lên lớp của các thầy giáo, cô giáo – những người đóng vai trò là nhân tố hàng đầu quyết định thành công và chất lượng của sự nghiệp giáo dục – đó là ý kiến của nhiều nhà giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, đổi mới PPDH khó hơn đổi mới nội dung vì nó đòi hỏi phải thay đổi thói quen của hàng triệu giáo viên và hàng chục triệu học sinh. Đổi mới PPDH khó còn vì quan niệm về mặt lí thuyết giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia cấp học và giáo viên đứng lớp hiện còn khác nhau, điều kiện vật chất để thực hiện PPDH mới cũng hạn chế (ví dụ: thiếu đồ dùng, thiết bị dạy học; lớp học chật chội mà HSSV quá đông,...).
Sinh viên Trường ĐH Sao Đỏ trong giờ thực hành |
Cần được tiến hành đồng bộ
Để khắc phục bất cập giữa yêu cầu về PPDH trong đào tạo hệ thống tín chỉ, giảng viên Nguyễn Thị Mơ cho rằng, chính tổ bộ môn phải đóng vai trò then chốt đối với việc đổi mới phương pháp của giảng viên. Cụ thể, việc đổi mới phương pháp phải bắt đầu từ việc chỉ đạo xây dựng đề cương chi tiết học phần với quan điểm đó phải là một bản kế hoạch hành động sư phạm, tức không chỉ chú trọng xác định nội dung mà còn thể hiện rõ cách thức giúp người học có nội dung đó. Đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn hướng vào việc nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các phương pháp, biện pháp, các kỹ thuật dạy học phù hợp với đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Từng bước hình thành cho giảng viên phong cách sư phạm hiện đại với điểm nhấn là sự tin tưởng thực sự vào tiềm năng của sinh viên và tìm mọi cách khơi dậy được tiềm năng đó.
Theo quan điểm của nhiều nhà quản lý giáo dục và giảng viên, trong các nhân tố thúc đẩy việc đổi mới PPDH, nhân tố “giảng viên ý thức được tầm quan trọng của việc đổi mới PPDH” được xếp ở vị trí cao nhất. Bên cạnh đó, việc đổi mới PPDH cần được tiến hành một cách đồng bộ với việc đổi mới chương trình đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo ở ĐH. Sự chỉ đạo của cán bộ quản lí các cấp có vai trò quyết định tới hoạt động đổi mới PPDH của giảng viên.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết đã chỉ đạo các trường ĐH, CĐ tổ chức các hội thảo bàn về giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện đổi mới PPDH để triển khai áp dụng ngay trong các trường ĐH, CĐ theo hướng dạy cách học, cách tự phát hiện và giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và tích cực trong tự học và tự nghiên cứu của sinh viên.
Cho đến nay, tất cả các trường ĐH, CĐ đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt là chú trọng nâng cao kĩ năng sư phạm (PPDH và kiểm tra đánh giá). Đặc biệt là nhiều trường đã mời các chuyên gia sư phạm nước ngoài tập huấn cho giảng viên của trường về PPDH hiện đại hoặc đưa giảng viên ra nước ngoài tập huấn.
Để tăng cường năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên, năm 2008 Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên ĐH, CĐ chưa qua đào tạo sư phạm và giao cho 16 cơ sở đào tạo ĐH (chủ yếu là các trường ĐHSP) tổ chức thực hiện. Đến nay, hầu hết các giảng viên các trường ĐH, CĐ đã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo tất cả các trường tổ chức triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ; giao nhiệm vụ đào tạo theo chương trình tiên tiến cho 23 trường ĐH, CĐ triển khai thực hiện..., tạo cho các trường môi trường thuận lợi để áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới vào giảng dạy.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai đổi mới PPDH trong các trường ĐH, CĐ tiến hành không đồng bộ với việc triển khai đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp kiểm tra, đánh giá ở từng khối ngành, từng trường, từng cán bộ quản lí các cấp, từng giảng viên và từng sinh viên nên ảnh hưởng tới hiệu quả đổi mới PPDH nói riêng và việc nâng cao chất lượng đào tạo nói chung. Vì thế, trong giai đoạn này, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện đổi mới PPDH vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tổ chức đào tạo của các trường ĐH, CĐ và triển khai đồng bộ với các nhiệm vụ đổi mới khác trong hệ thống giáo dục đại học để sinh viên khi tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc và khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường thực tiễn.
Hiếu Nguyễn