Cảnh giác với đi tắt

Cảnh giác với đi tắt

Cả 3 nhập cảnh vào Việt Nam bằng lối đi tắt và đón xe đò lẫn xe ôm từ biên giới về nhà mình vào các ngày 21 và 22/5. Cho đến khi bị phát hiện, 3 người này cũng đã kịp tiếp xúc gần với hàng chục người khác, gồm tài xế xe khách, xe ôm cùng hành khách trên xe và người thân trong gia đình họ. Số người này cũng đã được kiểm tra y tế và đưa vào khu cách ly theo quy định. Tuy nhiên, đáng ngại nhất là trong số 3 người nói trên, có một phụ nữ bị ho, sốt trên 37 độ. Chưa biết những người này có bị nhiễm SARS-CoV-2 hay không nhưng hành vi không khai báo y tế với cơ quan chức năng mà đã tiếp xúc với nhiều người như thế là rất đáng trách vì khả năng lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng là rất dễ xảy ra.

Campuchia là nước đang có dịch SARS-CoV-2, tuy số người mắc không nhiều song họ vẫn chưa khống chế hoàn toàn dịch bệnh được. Bà con người Việt, đặc biệt là người Khmer ở miền Tây Nam bộ vẫn thường qua lại làm ăn, thăm viếng họ hàng bên Campuchia nên việc đi - về của công dân giữa hai nước là rất phổ biến. Để tránh phải cách ly 14 ngày theo quy định, sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như công việc làm ăn, nhiều người đã chọn lối “đi tắt”, nghĩa là không qua các cửa khẩu có trạm kiểm soát biên phòng và hải quan để về nước. 

Do đặc thù biên giới giữa Việt Nam và Campuchia là không có sự cách trở nào về mặt địa lý nên việc né các cửa khẩu để về nước là khá đơn giản. Khi đặt chân vào nước ta thì việc đi xe đò hoặc bằng các phương tiện khác trong những ngày này là khá dễ dàng. Những tài xế xe khách cũng hoàn toàn không hay biết là số người “đi tắt” này trở về từ Campuchia nên cứ thế “vô tư” cho lên xe.

Bạc Liêu là một trong những địa phương có cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân SARS-CoV-2 nhưng cũng là nơi khá chủ quan trong việc chống dịch. Tỉnh này vừa được Ban phòng chống dịch quốc gia nhắc nhở vì ngày 16/5 vừa qua đã để những người bán hàng rong đột nhập vào khu cách ly rồi bán cà phê và thuốc lá cho những bệnh nhân đang điều trị tại đây khiến cho nhiều khu dân cư của tỉnh này đặt trong tình trạng “báo động”, đứng trước khả năng phải cách ly hoàn toàn!

Trải qua 40 ngày không có thêm bệnh nhân nào bị nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng là một thành công lớn. Chúng ta đã thấm thía vì buộc phải giãn cách xã hội khi hàng loạt những bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2 mà không biết nguồn lây từ đâu khiến mọi hoạt động phải dừng lại hàng tháng trời, làm ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và xã hội. Vì vậy, mọi sự chủ quan lúc này là rất đáng phê phán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.