Trong hàng chục thủ đoạn, hành vi lừa đảo mà các đối tượng xấu nhắm tới sinh viên vào dịp cuối năm chính là bẫy việc làm thời vụ. Đây vẫn là “miếng mồi” hấp dẫn chúng đưa ra nhằm lợi dụng sự nhẹ dạ của sinh viên để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Chiêu thức cũ nhưng vẫn… dính lừa
Chỉ còn chưa đầy tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2023. Đây cũng là thời điểm các đầu việc làm theo mùa vụ gia tăng mạnh mẽ và có nhu cầu tuyển dụng rất cao. Nắm bắt được nhu cầu sinh viên tranh thủ kiếm tiền bằng việc làm thêm trước Tết nhằm trang trải các khoản sinh hoạt phí và học tập, “bẫy việc làm” được không ít đối tượng lừa đảo giăng ra.
Thấy dòng thông tin tuyển dụng đăng trên Facebook về việc hệ thống siêu thị CoopMark tuyển sinh viên làm việc thời vụ dịp cận Tết với mức lương cao, Trần Thị Thái Ly, sinh viên năm 1 của Trường ĐH Công nghệ TPHCM đã lập tức liên lạc để xin việc. Tuy vậy, Thái Ly không thể ngờ cuộc điện thoại xin việc của mình đã khiến em mất 1,2 triệu đồng.
Thái Ly cho biết, em tham gia nhóm việc làm trên Facebook kia khá lâu và cũng thường xuyên có được việc làm từ những mẩu thông tin tuyển dụng kiểu vậy nên khá tin tưởng. Vì vậy, ngay khi có lịch nghỉ Tết nhưng lại không về quê nên Thái Ly quyết định tìm kiếm một việc làm thêm để có chút tích góp cho chi phí sinh hoạt sau Tết.
“Em thấy dòng thông tin tuyển dụng vị trí bán hàng từ CoopMark khá phù hợp với mình. Thông tin đăng tải thời gian làm việc, mô tả công việc khá chi tiết cùng số điện thoại nên em khá yên tâm liên hệ. Người nghe hẹn gặp ngay tại CoopMark quận Tân Phú là một phụ nữ đứng tuổi, đưa em vào khâu bán hàng thủy hải sản để hướng dẫn. Chị đứng chỉ và hướng dẫn cách bán hàng và tiếp khách ra sao nên em rất tin. Rồi chị này dẫn em ra quán cà phê yêu cầu đặt tiền giữ chân cấp thẻ nhân viên cũng như mua đồng phục là 1,2 triệu đồng. Nghĩ mức thù lao được nhận là 350.000 đồng/ngày làm việc em không suy nghĩ và đóng tiền. Sau hai ngày hẹn nhận việc em đến khu vực tiếp nhận đơn hàng thì mới biết mình bị lừa”, Thái Ly chia sẻ.
Tương tự, Lê Anh Tuấn, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TPHCM cho biết nghe lời bạn học chung lớp giới thiệu, em đến một công ty trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) để xin việc với vị trí là nhập liệu và tổng kiểm đơn hàng cho một công ty phân phối hàng nông sản. Khi em đến, một anh nhân viên tại đây yêu cầu em ghi hồ sơ xin việc, đóng 250.000 đồng tiền đồng phục rồi cho vào một lớp học về mã hàng.
Theo lời Tuấn, nhân viên quản lý lấy cớ em đứng vị trí nhập liệu và quản lý nguồn hàng tổng nên buộc em viết cam kết không gian lận, trộm cắp và phải đóng tiền làm tin 2 triệu đồng nếu muốn làm việc.
“Nghĩ tới mức thù lao được trả lên tới 110.000 đồng/1 giờ. Một ngày nếu chịu khó làm việc cũng có thể làm được 8 tiếng thì số tiền kiếm được là tương đối lớn. Không đắn đo em chạy đi rút tiền học phí về đóng thế chân để nhận việc. Theo đúng lịch trên giấy hẹn, ba ngày sau em quay lại công ty giới thiệu việc làm thì thấy đóng cửa. Liên hệ số điện thoại đăng tuyển thì không được nên đã trình báo công an phường. Em đã nghe nhiều về các chiêu thức lừa đảo người xin việc nhưng thấy công ty rất lớn, nhân viên đông và có khá nhiều người xin việc ngồi chờ nhận việc nên tin. Vậy mà… họ lại là lừa đảo”, Anh Tuấn chia sẻ.
Nên tìm việc tại kênh uy tín và nhà trường
Theo ông Nguyễn Thanh Trung, đại diện Công an Phường 8, quận Gò Vấp, TPHCM thì hiện tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của sinh viên là khá phổ biến. “Chúng tôi tiếp nhận thông tin phản ánh nhiều và thường xuyên rà soát, kiểm tra các đơn vị giới thiệu việc làm có biểu hiện đáng nghi ngờ. Tuy vậy, theo ông Trung cái khó là số tiền các đối tượng chiếm đoạt của sinh viên không nhiều, chỉ từ vài trăm đến 1 - 2 triệu đồng, khi tiếp nhận thông tin thì đối tượng đã không còn ở đó nên khó xử lý”, ông Trung nói.
ThS Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp và thực phẩm TPHCM cho biết, thời gian gần đây đơn vị ghi nhận nhiều phản ánh của sinh viên về tình trạng lừa đảo khi tìm việc làm thêm. Đặc biệt, những nhóm đối tượng thường lựa chọn thời điểm nhu cầu việc làm sinh viên tăng cao vào đầu năm học hoặc cận Tết để ra tay lừa đảo.
Theo bà Thoa, đa phần các đối tượng ẩn danh đăng tải thông tin tuyển dụng lên mạng xã hội, kèm mức thu nhập và thời gian làm việc hấp dẫn. Sau đó nhận hồ sơ, thực hiện phỏng vấn, ký hợp đồng làm việc rồi bán đồng phục, sản phẩm cho sinh viên với giá cao. Ngoài ra, chiêu lừa phổ biến là bắt sinh viên đóng tiền thế chân khi làm các vị trí nhạy cảm về tiền.
“Sau khi nhận tiền, các đối tượng này không gọi điện thoại lại cho sinh viên, hoặc chiếm đoạt xong là đóng cửa sàn giới thiệu việc làm, xóa tin đăng tuyển dụng rồi bỏ trốn. Mục đích chính của chuỗi hành vi kể trên trong quá trình tuyển dụng và tiếp nhận sinh viên đến làm việc của các đối tượng không gì khác là lừa đảo tiền. Nhiều sinh viên thiếu trải nghiệm cuộc sống dễ dàng mắc bẫy”, bà Thoa nói.
Theo ông Nguyễn Văn Sang, Trung tâm Việc làm Thanh niên TPHCM, hiện nay tình trạng “môi giới” việc làm có nhiều biến tướng rất tinh vi, dưới nhiều hình thức lồng ghép để lừa dụ sinh viên. Các đối tượng lừa đảo thường đưa ra các thông tin việc làm không rõ ràng, việc nhẹ, lương cao, yêu cầu tuyển dụng dễ dàng. Đặc biệt, sinh viên cần hết sức lưu ý với các thông tin tuyển dụng từ siêu thị. Các công ty lớn sẽ không đăng trên các nguồn, trang mạng không chính thống và đặc biệt không bao giờ yêu cầu người xin việc phải đóng các loại khoản phí.
“Do đó, nếu sinh viên khi đi xin việc mà gặp các trường hợp này thì tuyệt đối không đóng tiền. Hiện nay, trung tâm cũng như các trường đại học đều có đăng thông tin tuyển dụng việc làm trên trang web của trường mỗi tuần và mỗi tháng. Sinh viên nếu có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm thì nên tiếp cận nguồn thông tin và vị trí việc làm từ các kênh trên để tránh bị lừa đảo”, ông Sang nói.