Cảnh giác giá đất tăng phi mã theo tin... đồn

Cảnh giác giá đất tăng phi mã theo tin... đồn

Đất nền được các chuyên gia ví như “của để dành”, ổn định kể cả trong và sau thời gian xảy ra dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Giá đất “thay đổi từng giờ”?

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, những ngày cuối tháng 3, khu “chợ bất động sản” tại khu đất giãn dân thuộc xã Đồng Trúc, Thạch Thất, Hà Nội không còn cảnh đông đúc người qua lại xem đất như mấy ngày trước (khoảng 24/3) do chính quyền xã đã thành lập tổ công tác liên ngành để vận động, giải tán đám đông phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, giá đất nền khu vực trên vẫn chưa hết nóng.

Tìm hiểu trên mạng, fanpage của một doanh nghiệp tư nhân vẫn liên tục đăng những bài viết quảng cáo mời chào. Đặc biệt, nội dung quảng cáo thu hút nhiều người quan tâm nhất vẫn là: “Vingroup sẽ triển khai đại đô thị 500ha tại Hòa Lạc; Đất nền “bùng nổ”, tăng từ 50 - 100%”…

PV liên hệ vào số điện thoại đăng trên quảng cáo, một nhân viên môi giới cho biết: Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được quy hoạch làm công nghiệp, không quy hoạch nhà ở. Phần lớn đất nền rao bán hiện nay nằm trong phạm vi bán kính 10km xung quanh. Giá bán dao động từ 6 - 22 triệu đồng/m2 tùy thuộc vị trí tốt, view đẹp, gần khu công nghiệp, thuận tiện giao thông… Từ đầu năm đến nay, giá đất nền nơi đây đã tăng 15% so với cuối năm 2019. Một trong những điểm nóng nhất là khu giãn dân thuộc xã Đồng Trúc, giá thay đổi từng giờ, thấp nhất khoảng 12 triệu đồng/m2. Diện tích mỗi lô từ khoảng 150m2 - 250m2.

“Tới đây, Tập đoàn Vingroup đầu tư 2 khu đô thị 500ha và Hà Nội xây dựng tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc, giá đất lên rất cao. Nếu anh đầu tư thì quyết ngay, không cơ hội sẽ tuột mất”, nhân viên tư vấn quả quyết.

Khách tới đông, giá đất đẩy lên cao, ông Nguyễn Văn Giang, chủ quán trà đá ven đường cũng trở thành môi giới, tranh thủ làm giá: “Mới đầu tuần trước, nhiều lô chỉ bán với giá 6 - 8 triệu đồng/m2, nhưng bây giờ, những lô vị trí đẹp chắc chắn giá không dưới 15 triệu đồng/m2. Tôi có mảnh đất hơn 2.000m2 ở gần khu đô thị mà Tập đoàn Vingroup muốn làm. Trước tôi mua 6 triệu đồng/m2, giờ giá thu về là 9 triệu đồng/m2”, ông Gang hất hàm hướng về con đường dẫn đến khu đất, cách quán nước chừng 1km.

Rủi ro khi “đi tắt đón đầu”

“Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong tổng số khoảng 1.000 sàn hoạt động trong lĩnh vực môi giới, hiện có tới hơn 300 sàn phải đóng cửa. Ngoài ra, khoảng 500 sàn phải tạm dừng hoạt động một phần. Một số sàn vẫn còn hoạt động do vẫn còn hàng để bán khi có hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư từ trước. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo số liệu khảo sát của một số doanh nghiệp đầu tư bất động sản, giá đất nền các tỉnh giữ ổn định từ 7 - 20 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí.”

Dân môi giới chào mời vậy, nhưng anh Nguyễn Văn Trung, một nhà đầu tư đất nền Hòa Lạc lâu năm chia sẻ, đúng là thời gian gần đây lượng người kéo đến khu Đồng Trúc đông bất thường, nhưng 90% trong số đó là môi giới, 10% khách hàng có nhu cầu thật sự. “Đừng tin ai, ảo thôi. Tôi đầu tư 4 lô trên đó nay vẫn nằm im”, anh Trung khuyến cáo.

Ông Nguyễn Đình Nghi, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Trúc cũng khẳng định: “Đây chỉ là cơn sốt ảo, chủ yếu do “cò” đất từ nơi khác về thổi giá, bơm giá, làm náo loạn. Chính quyền xã chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức liên quan đến dự án, quy hoạch mới nào”.

Bản thân Công ty Cổ phần Vinhomes, trực thuộc Tập đoàn Vingroup cũng khẳng định chưa nhận được phản hồi của huyện Thạch Thất về việc này.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định, việc tăng giá đất nền ở Thạch Thất chỉ là chiêu trò làm giá, thổi giá của những nhà đầu cơ, môi giới không chuyên nghiệp. “Cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã nghiên cứu thị trường, thấy rằng chưa có cơ sở nào để tăng giá. Thông tin tốt, giá có thể biến động nhưng chỉ biến động một vài phần trăm. Còn tạo thành “sóng”, thành chợ thì không có”, ông Đính phân tích.

Cũng theo ông Đính, hiện nay, thị trường đất nền vẫn là sản phẩm sáng giá nhất trong các phân khúc. Nó được coi là “của để dành” dài hạn. Tuy nhiên, ông Đính cũng chỉ ra rủi ro khi đầu tư theo kiểu “đi tắt, đón đầu”: “Mảnh đất vừa mua, nếu không may rơi vào quy hoạch dự án thì sẽ bị thu hồi. Còn chỉ nằm ven khu quy hoạch thì cũng mất thời gian dài, chí ít đến khi dự án hoàn thành giá đất mới tăng. Chưa nói đến mua bán trái phép, không làm được giấy tờ sang tên, chuyển nhượng, sổ đỏ”.

So sánh với các sản phẩm khác, ông Đính cho rằng, giá đất nền rẻ hơn vì được bán cùng lúc với thời điểm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, theo quan sát của ông Đính, thị trường ghi nhận có “nhúc nhắc” giao dịch nhưng số lượng không lớn. Chưa dự án nào báo giảm giá so với cuối năm 2019, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng là chính.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Kinh doanh Danko Group nhận định: Hoạt động mua bán là do tâm lý của khách hàng. Hiện tại, thị trường bất động sản cũng không có nhiều sản phẩm hay dự án mới ra, đa số là đang giao dịch các dự án tồn cũ nên chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. “Tuy nhiên, trong thời gian tới, phân khúc đất nền sẽ là một sản phẩm được khách hàng, các nhà đầu tư lựa chọn săn đón hàng đầu bởi an toàn, minh bạch và cơ hội tăng giá trị sản phẩm khi dự án hoàn thành”, bà Dung nói.

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.