Cánh buồm nào no gió đưa Hải Phòng đi xa…

GD&TĐ - Những ai thương nhớ thành phố Hoa phượng đỏ, mà muốn có được cảm xúc tươi mới về Hải Phòng trong ký ức, thì cách tốt nhất là ngắm tranh phố Hải Phòng của họa sĩ Đặng Tiến.

Tranh Hải Phòng của họa sĩ Đặng Tiến.
Tranh Hải Phòng của họa sĩ Đặng Tiến.

Vì lẽ đó, chương trình Quán Thanh Xuân “Thành phố Hoa phượng đỏ” (VTV1) phát sóng 20h ngày 18/7/2021 quyết đón họa sĩ Đặng Tiến, một khách mời đặc biệt đến Quán, để nghe anh chia sẻ những điều đặc trưng nhất về Hải Phòng, và sự chuyển hóa ký ức thành tác phẩm hội họa của anh.

Chúng ta cùng nghe người họa sĩ đất Cảng tâm sự thêm về những nỗi nhớ thẳm sâu đã hóa thân trong hội họa như thế nào, về cánh buồm nào sẽ no gió đưa Hải Phòng tiến xa…

“Hơn 40 năm làm mỹ thuật, ký ức Hải Phòng là một trong những đề tài tôi vẽ nhiều. Nhưng để nói chính xác về số lượng thì quả thật rất khó, chỉ biết rằng tôi vẽ khá nhiều. Từ khi mới chập chững vào nghề, đi vẽ trực họa bằng chất liệu bột màu, cho đến sau này vẽ sơn dầu, tác phẩm về Hải Phòng chắc cũng vài trăm bức.

Sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, những ký ức về thành phố khi còn nhỏ hằn sâu trong tôi với những nhớ thương khó mà quên được. Và sau này, khi chứng kiến những đổi thay của thành phố, mừng đấy mà vẫn như thấy mình đánh mất một thứ gì quý giá khó nói thành lời! Với cả nước, nhất là đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh-hai thành phố mà trước đây người Pháp chú trọng xây dựng cùng Hải Phòng có cấp độ ngang nhau-có lẽ Hải Phòng là địa phương “chậm tiến” cả về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Sự phát triển mang tính chắp vá, thiếu sự đồng bộ và nhất là tầm nhìn, đã biến một thành phố xinh xắn, có nhiều điều kiện, lợi thế địa chính trị trở thành một thành phố nhộn nhạo, thiếu bản sắc. Cũng có lẽ vì điều đó, con người Hải Phòng vốn chân thật, thẳng thắn, hào sảng, mạnh mẽ… nhưng vài chục năm trở lại đây, không phát huy được năng lực hoặc cũng chỉ ở mức bình bình khi sống và làm việc tại quê hương mình, trừ khi đi nơi khác!

Là đô thị lớn có cảng biển-cửa ngõ ra nước ngoài của miền Bắc, với bản chất là thành phố công nghiệp cùng nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, và nhất là có bề dày về văn hóa nghệ thuật (như trong chương trình Quán Thanh Xuân có nhắc đến: sự tiếp xúc, tiếp thu sớm về âm nhạc phương Tây; các văn nghệ sĩ lớn của cả nước được sinh ra hoặc từng được nuôi dưỡng, thành công tại Hải Phòng từ thời thuộc Pháp…) nhẽ ra đến giờ Hải Phòng phải là một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước!

Đó là điều tôi cũng như nhiều văn nghệ sĩ và người dân Hải Phòng từng hy vọng, mong muốn. Trong số báo Hải Phòng Tết vừa rồi, tôi có viết bài báo “Người Hải Phòng không thể mãi chém to kho mặn!”, với mong muốn: Hải Phòng không thể chỉ nóng về phát triển kinh tế, mà còn cần phát triển cả về văn hóa, nghệ thuật.

Như nói trên, tôi sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng. Tuổi thơ tôi gắn liền với những kỷ niệm, ký ức về thành phố. Nhưng một kỷ niệm, mà sau này hay xuất hiện trong các tác phẩm hội họa của tôi, ấy là những cánh buồm. Trước đó, không hiểu sao khi xem các bức ảnh, những con thuyền đánh cá với cánh buồm nâu đã làm tôi thích thú. Rồi có một lần, hồi còn học cấp 2, chúng tôi được nghỉ học sớm, tôi và mấy đứa bạn ôm cặp sách đi chơi.

Đến phố Lý Thường Kiệt (xưa gọi là phố Khách hoặc phố Trung Quốc vì toàn Hoa Kiều sinh sống ở đây), quặt ngang ra một con phố, tôi nổi gai ốc vì nhìn thấy những con thuyền đánh cá đang giương buồm chầm chậm lướt trên sông Tam Bạc. Một con sông giữa lòng thành phố, một bên là dãy phố cũ nhiều tầng lô xô, một bên là những xóm chài, xưởng gỗ, xưởng đóng tàu luôn vang tiếng máy, chớp lửa hàn, lại xuất hiện những con thuyền gỗ với những cánh buồm nâu thật thơ mộng! Tôi cũng được biết, từ thời thuộc Pháp cho đến những năm đầu thập niên 90 (thế kỷ trước), Tam Bạc luôn là bến sông sầm uất, tấp nập tàu thuyền vào tránh trú bão, lấy  hoặc mua hàng ngư cụ ở chợ Sắt (nằm cuối phố). 

Họa sĩ Đặng Tiến.

Họa sĩ Đặng Tiến.

Nên bước đầu vào nghiệp vẽ, tôi và một họa sĩ cùng lứa rất nhiều buổi ra đây “đày nắng” để vẽ. Con sông và dãy phố cổ ấy cũng được rất nhiều họa sĩ Hải Phòng cũng như họa sĩ trong nước, nước ngoài đưa vào tác phẩm khi có dịp đến Hải Phòng.

Tiếc là sau “đổi mới” và thời gian gần đây, con phố được chỉnh trang một cách hấp tấp, thiếu sự tính toán (trở thành cái hồ Tam Bạc thứ 2 khi hai đầu sông bị chặn để thả thiên nga), không bóng dáng tàu thuyền! Giờ đến Tam Bạc, không thể hình dung được đây từng là bến sông sầm uất, tấp nập ngày nào. Tiếc!

Người Hải Phòng có “chất“ riêng và người Hải Phòng đến đâu, kể cả sống nhiều năm ở địa phương khác, người ta vẫn dễ nhận ra cái “chất” ấy. Quý một điều, người Hải Phòng dù đi bất cứ đâu vẫn luôn hướng về quê hương. Tôi có nhiều đồng nghiệp là người Hải Phòng sống và làm việc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đều nhận được sự yêu mến của mọi người về tính cách, nhân cách.

Tiêu biểu như họa sĩ Đinh Quân (sống, làm việc và thành danh tại Hà Nội). Ngoài sự yêu mến của bạn bè, đồng nghiệp, Đinh Quân cũng là người có công lớn khi hội tụ các họa sĩ Hải Phòng cũng như kêu gọi các họa sĩ tên tuổi của mỹ thuật Việt Nam thường xuyên tham gia các trại sáng tác và đưa tranh về bày triển lãm tại Hải Phòng. Điều đó thật đáng quý, đáng trân trọng!

Cho đến bây giờ, mỗi khi đi xa, khi về đến cửa ô thành phố, tôi đều bồi hồi nhớ về những ngày đi sơ tán, lúc ngồi trên xe khách chầm chậm tiến vào những bến xe tạm trong thành phố. Mùi xăng dầu ô tô (khi ấy những chiếc xe “Ba Đình” chở khách được người ta cải hoán từ xe ô tô tải IFA của CHDC Đức), cảnh người hối hả gồng gánh, nét đăm chiêu trên từng khuôn mặt, cả mùi mồ hôi người từ những bộ quần áo công nhân…

Tôi đi bộ bên mẹ, vừa đi vừa ngó nghiêng những công xưởng, nhà máy bên đường, cả những khu nhà đổ do bom Mỹ chưa được dọn dẹp... Khung cảnh, con người Hải Phòng khi ấy mang vẻ lam lũ, tất bật nhưng cũng rất mạnh mẽ, thân thương, tất cả vẫn rõ mồn một! 

Như nói ở phần đầu, với mong muốn Hải Phòng phát triển cả về văn hóa, nghệ thuật, trong lĩnh vực hoạt động của mình, những năm qua, tôi cùng các đồng nghiệp cố gắng tổ chức nhiều Trại sáng tác, Triển lãm mỹ thuật tại quê hương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân thành phố, đồng thời cũng tạo không khí sôi động, khuyến khích anh chị em trong sáng tác nghệ thuật.

Nhẽ ra từ 2019, tôi và các đồng nghiệp đã tổ chức trại sáng tác mỹ thuật quốc tế tại Hải Phòng, song vì dịch Covid nên phải tạm dừng. Các triển lãm cũng bày quy mô nhỏ. Tuy nhiên tôi cũng như các đồng nghiệp vẫn tích cực sáng tác. Khi dịch bệnh được khống chế, các dự án nói trên sẽ được triển khai ngay.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.