Những rối nhiễu tâm lý
Hành vi tự làm thương tổn mình là một vấn đề mới xuất hiện. Nó âm thầm len lỏi trong giới trẻ hiện đại dưới nhiều tên gọi “Rối loạn tâm lý”, “Khủng hoảng tâm lí tuổi mới lớn”… Mức độ và tính chất của hành vi này ngày càng nguy hiểm trong một bộ phận giới trẻ hiện nay. Nó tác động trực tiếp đến sức khỏe thể chất, thái độ, hành vi của trẻ vị thành niên và lâu dài đến sức khỏe tinh thần, đến lối sống và sự hình thành nhân cách của con người.
Thực trạng đáng lo ngại này diễn ra không chỉ ở thành phố mà còn ở các vùng nông thôn, không chỉ xảy ra ở HS nam mà còn cả HS nữ. Hành vi tự làm thương tổn đang trở thành mối lo ngại của xã hội nhưng chúng ta chưa có những hiểu biết đúng đắn và chiến lược phòng ngừa can thiệp phù hợp. Có thể nói, đây không phải là vấn đề của riêng mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn đề của toàn cầu.
Xuất phát từ thực tế đó, Lê Hoài Anh và Nguyễn Anh - HS Trường THPT Nguyễn Thái Học (tỉnh Vĩnh Phúc) do cô giáo Nguyễn Thị Nha Trang hướng dẫn đã thực hiện đề tài nghiên cứu: Hành vi tự làm thương tổn trẻ vị thành niên: Thực trạng và giải pháp.
Theo các em, hành vi tự làm thương tổn biểu hiện theo nhiều cách khác nhau nhưng có thể nhận diện ở một số biểu hiện như: Tự đánh/đấm/tát vào bản thân hoặc dùng vật thể nhằm gây thương tích cho bản thân; Cắt tay, cạo da, cào cấu, phá hoại quá trình lành vết thương; Tự làm bỏng mình, nhỏ nước sôi vào mắt, vào phần da trên cơ thể; Nuốt các dị vật có khả năng gây tổn thương như: Tóc, đinh, dao lam, mảnh thủy tinh; Ăn uống không kiểm soát/Ép cân, nhịn ăn triền miên; Thậm chí hành vi tự làm thương tổn có khi mang tính phá hủy mạnh hơn như: Bẻ xương, gây thương tích tới các chi, tổn thương mắt hoặc tự cắt bộ phận cơ thể.
Cần được quan tâm đúng mức
Trong quá trình nghiên cứu, cô Nguyễn Thị Nha Trang và các HS nhận thấy: Hành vi tự làm thương tổn là kết quả của các tương tác phức tạp giữa năm khía cạnh: Môi trường, sinh học, nhận thức, cảm xúc và hành vi. Với hầu hết cá nhân, tất cả các khía cạnh này đều cùng đóng vai trò trong việc khởi phát và duy trì hành vi tự làm thương tổn, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của mỗi khía cạnh sẽ khác nhau tùy từng cá nhân.
Hành vi tự làm thương tổn thường đi liền với nhiều vấn đề khác về sức khỏe tâm thần và thể chất. Dẫn tới những hậu quả bệnh lý nghiêm trọng, các rối loạn tâm lý, các suy nghĩ không hợp lý và các hành vi không thích nghi như: Dằn vặt, giày vò, tự đổ lỗi bằng các cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực thái quá: Trầm uất, lo âu, căng thẳng, trầm cảm, hoang tưởng, ảo giác…
Chia sẻ tâm sự về điều này, cô giáo Nguyễn Thị Nha Trang bày tỏ quan điểm: Hành vi tự làm tổn thương là biểu hiện của khủng hoảng tâm lý tuổi VTN. Khủng hoảng tâm lý kéo dài mà không có sự giúp đỡ cần thiết sẽ đẩy trẻ VTN vào nhiều vấn đề khác về sức khỏe tâm thần và thể chất, dẫn tới những hậu quả bệnh lý nghiêm trọng hơn nhiều. Thậm chí trẻ VTN mắc hành vi này kéo dài có thể dẫn đến tự tử. Nếu không có biện pháp nhanh chóng hợp lý để xử lý vấn đề, chúng có thể gây nguy hại cho công tác hỗ trợ và điều trị cho các HS có các hành vi rất nguy hiểm cho bản thân này.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Nha Trang, việc phát hiện và đưa ra các giải pháp chữa trị cho những HS này là hết sức cần thiết. Vì vậy khi trẻ VTN có hành vi tự làm thương tổn rất cần gia đình, bạn bè, nhà trường nhận biết, phát hiện. Sau khi dự đoán, nhận biết, phát hiện các biểu hiện của hành vi tự làm thương tổn ở trẻ VTN, gia đình, nhà trường kịp thời hỗ trợ cho trẻ để bản thân trẻ có thể thay đổi và chấm dứt hành vi không mong muốn này.