Cảnh báo suy và cường giáp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp khá phổ biến. Tỉ lệ mắc bệnh của giới nữ cao hơn giới nam gấp 5 - 8 lần.

Ảnh: iStock
Ảnh: iStock

Yếu tố nguy cơ

Tuyến giáp là cơ quan có chức năng vừa sản xuất, vừa dự trữ và cung cấp 2 loại hormone đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa của cơ thể là T3 (Triiodothyronine) và T4 (Thyroxine).

Khi nó hoạt động bình thường thì quá trình chuyển hóa của các bộ phận cơ quan trong cơ thể diễn ra một cách trật tự, ổn định và bình thường. Khi nó “lâm bệnh”, các bất thường về chuyển hóa ngay lập tức xảy ra. Tùy theo mức độ bệnh mà các dấu hiệu lộ diện bên ngoài nhiều hay ít, rõ ràng hoặc còn mơ hồ.

Các yếu tố nguy cơ làm cho một người dễ mắc bệnh tuyến giáp hơn, bao gồm:

- Gia đình có người mắc bệnh tuyến giáp.

- Người cao tuổi, nhất là giới nữ.

- Nghiện thuốc lá, thường xuyên bị căng thẳng.

- Dùng các loại thuốc mà thành phần chứa nhiều iode hay lithium.

- Từng bị chấn thương tuyến giáp, điều trị bệnh tuyến giáp hoặc ung thư.

- Người đang mắc một trong các bệnh sau đây: Đái tháo đường type I, bệnh suy thượng thận nguyên phát, bệnh thiếu máu ác tính, bệnh viêm khớp dạng thấp…

Các bệnh lý tuyến giáp thường gây rối loạn quá trình sản xuất hormone. Nếu việc sản xuất hormone của tuyến giáp bị giảm sút sẽ tạo ra bệnh cảnh suy giáp. Trái lại, nếu việc sản xuất hormone của tuyến giáp dư thừa sẽ tạo ra bệnh cảnh cường giáp. Tuy nhiên, cũng có những bệnh như ung thư và u nhân giáp lại không gây rối loạn quá trình sản xuất hormone của tuyến giáp.

• Nguyên nhân gây suy giáp:

- Thiếu iode trong chế độ ăn (thường gặp nhất trong bệnh lý tuyến giáp).

- Loại viêm tuyến giáp gây giảm sản xuất hormone tuyến giáp, viêm tuyến giáp sau sinh (tỉ lệ mắc

5 - 9%), viêm tuyến giáp tự miễn (bệnh Hashimoto).

- Sau phẫu thuật hoặc sau điều trị cường giáp bằng iode phóng xạ.

- Suy tuyến giáp bẩm sinh (tỉ lệ mắc 1/4.000).

- Sau các xạ trị điều trị bệnh ung thư.

- Bệnh lý của tuyến yên (tuyến chủ) gây tác động.

• Nguyên nhân gây cường giáp:

- Thừa iode: Lượng iode đưa vào cơ thể dư thừa khiến cho tuyến giáp gia tăng sản xuất hormone.

- Rối loạn hệ thống miễn dịch gây sản xuất hormone tuyến giáp quá mức (bệnh Graves).

- Viêm tuyến giáp loại gây tăng sản xuất hormone tuyến giáp.

- Khối u tuyến yên (tuyến chủ) gây ảnh hưởng lên tuyến giáp.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Nhận biết và phòng ngừa

Hormone của tuyến giáp sản xuất đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể nên bất kỳ sự dư thừa hoặc thiếu hụt nào cũng đều gây tác động đến sức khỏe của người bệnh. Cho nên, việc phát hiện bệnh của tuyến giáp càng sớm thì điều trị càng có kết quả tốt hơn. Sau đây là những dấu hiệu thường thấy ở một người mắc bệnh:

• Dấu hiệu nghi ngờ cường giáp:

- Luôn có cảm giác nóng, ra nhiều mồ hôi.

- Luôn lo lắng hay cáu gắt và mất ngủ.

- Giảm cân nặng cơ thể không rõ nguyên nhân.

- Tay run, nhịp tim nhanh.

- Rối loạn kinh nguyệt.

- Tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích.

• Dấu hiệu nghi ngờ suy giáp:

- Luôn có cảm giác mệt mỏi và lạnh.

- Tăng trọng lượng cơ thể không có chủ ý.

- Da khô, móng tay giòn, tóc giòn dễ gãy.

- Trí nhớ kém, nhịp tim chậm.

- Táo bón, trầm cảm.

- Rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng sinh sản.

- Tuyến giáp phì đại nên to ra.

Để phòng ngừa bệnh cần thực hiện chế độ ăn đầy đủ, cân bằng các chất dinh dưỡng, vitamin và các nguyên tố vi lượng. Nhất là không để quá thiếu hoặc quá thừa thành phần iode trong thức ăn.

Các nghiên cứu cho thấy, thiếu iode trong chế độ ăn là nguyên nhân thường gặp nhất trong bệnh lý tuyến giáp và gây suy giáp. Các chuyên gia về dinh dưỡng đưa ra một số thực phẩm lựa chọn sau đây:

- Thực phẩm giàu iode: Các loại hải sản, rong biển, tảo bẹ... Người bị cường giáp chú ý hạn chế ăn các loại thực phẩm này.

- Trái cây các loại và rau xanh như rau muống, mồng tơi, diếp cá… giúp cải thiện tình trạng mỏi mệt, đau cơ và điều hòa nhịp tim.

- Sữa chua ít chất béo chứa nhiều iode và vitamin D rất tốt cho tuyến giáp.

- Các loại hạt như hạt điều, hạt hạnh nhân giàu protein thực vật, magne, vitamin E, B1... và một số chất khoáng cần cho tuyến giáp hoạt động hiệu quả nhất.

Lời khuyên: Một người, có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ bệnh lý liên quan đến tuyến giáp thì cần đi khám và làm các xét nghiệm càng sớm càng tốt. Việc xác định chẩn đoán bệnh lý của tuyến giáp càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao, vì lúc này các rối loạn do bệnh lý tuyến giáp gây ra chưa để lại những hậu quả nghiêm trọng cho các bộ phận khác trong cơ thể từ vai trò điều phối và tác động mạnh mẽ của tuyến giáp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov,

Ông Peskov tuyên bố nóng

GD&TĐ - Nga đang xem xét mọi phương án đáp trả hành động của phương Tây, gồm khả năng hạ cấp quan hệ ngoại giao, theo Điện Kremlin.