Theo đại diện Cục Quản lý Dược: Các Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai, Trà Vinh, Ninh Bình... cũng có báo cáo về việc một số công ty sản xuất trong nước trúng thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở điều trị trong tỉnh hiện không có đủ thuốc nên thông báo tạm ngừng cung ứng thuốc chứa Salbutamol đường tiêm. Trường hợp tình trạng ngừng cung ứng thuốc kéo dài, một số cơ sở cũng phải tính đến việc sử dụng thuốc chứa Salbutamol đường tiêm nhập khẩu, nhưng với giá thành cao hơn nhiều lần so với thuốc sản xuất trong nước.
Trước tình hình trên, đại diện Cục Quản lý Dược đã yêu cầu các Sở Y tế khẩn trương báo cáo và chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh nộp đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol để kịp thời giải quyết ngay nhu cầu nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, chỉ trong 2 năm (2014 - 2015), Cục Quản lý Dược đã cho nhập khoảng 9 tấn Salbutamol, dẫn đến một số doanh nghiệp, cá nhân không thuộc ngành y tế dùng Salbutamol sai mục đích, trong đó có sử dụng làm chất tạo nạc trong chăn nuôi, gây mất an toàn thực phẩm, thậm chí có khả năng gây ung thư nếu tích tụ nhiều trong cơ thể.
Sau vụ việc này, Salbutamol đã được Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công an cùng phối hợp quản lý. Bộ Y tế cũng đã đưa thuốc có chứa Salbutamol vào danh mục thuốc quản lý đặc biệt và cho tạm ngừng nhập Salbutamol nhằm quản lý chặt nguyên liệu này, bảo đảm sử dụng đúng mục đích.
Sau một thời gian tạm ngưng, Bộ Y tế đã cho phép nhập khẩu trở lại, nhưng chỉ hai đơn vị đủ điều kiện được nhập khẩu là Công ty CP Dược Vacopharm và Công ty CP Dược phẩm Trung ương I-Pharbaco, mỗi công ty được phép nhập khẩu 50 kg. Bộ Y tế cũng giao sở Y tế tại địa bàn giám sát, kiểm tra việc nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu của 2 đơn vị này.