Canada cam kết tăng cường kiểm soát súng đạn

Canada cam kết tăng cường kiểm soát súng đạn

Quản lý nghiêm ngặt

Theo thống kê, tỷ lệ xả súng hàng loạt tại Canada vẫn thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ. Điều này được lý giải một phần dựa vào luật quản lý súng đạn nghiêm ngặt tại Canada. Luật sở hữu súng đạn của Canada được xây dựng và quản lý bởi chính phủ liên bang, nhằm duy trì sự thống nhất trong công tác kiểm soát mua bán và trao đổi súng. Trong khi đó, bộ luật mang ý nghĩa tương tự tại Mỹ được nới lỏng hơn với việc chính phủ cho phép từng tiểu bang phát triển và quản lý những quy định riêng của mình.

Để mua một khẩu súng tại Canada, người mua cần phải có đủ 2 loại giấy tờ bao gồm bằng sở hữu và trao đổi vũ khí, và với giấy phép sử dụng súng bị hạn chế. Dù vậy, kể cả khi đã có đủ 2 loại giấy tờ trên, chính phủ Canada bắt buộc người mua vũ khí phải đăng ký hàng hóa được mua, và trải qua khâu kiểm tra lý lịch trong vòng ít nhất 28 ngày trước khi được phép sử dụng chúng.

Quá trình kiểm tra và đăng ký sử dụng súng tại Mỹ không tốn quá nhiều thời gian. Ví dụ ở tiểu bang Maryland, tính đến tháng 6/2019, thời gian kiểm tra lý lịch chỉ tốn trung bình hơn 10 ngày. Thậm chí, ở một số tiểu bang, các cửa hàng tư nhân có quyền cung cấp vũ khí cho người mua mà không cần tới kiểm tra lý lịch hay giấy phép sử dụng súng cho khách hàng từ cùng tiểu bang đó, miễn là họ không cho thấy những dấu hiệu đi ngược lại với các quy tắc sử dụng vũ khí của khu vực.

Khi đã có súng, người mua tại Mỹ có quyền chỉnh sửa kết cấu khẩu súng của mình tùy theo nhu cầu sử dụng. Điều này là bất hợp pháp tại Canada. Hơn thế nữa, chính phủ liên bang Canada quy định một số lượng đạn nhất định có thể được sử dụng đối với từng danh mục súng, trong khi tại Mỹ hoàn toàn không có điều luật này.

Tại Canada, khi đã có trong tay khẩu súng được đăng ký, có hàng loạt những quy định mà người sở hữu súng phải tuân thủ, bao gồm việc luôn phải có giấy tờ phù hợp khi sở hữu súng, hay là không dừng lại giữa nhà và trường bắn, nơi duy nhất việc khai hỏa là hợp pháp. Ngoài ra, chỉ có những người thi hành công vụ mới được phép mang theo súng tới nơi công cộng. Trong khi đó, mọi người đều có quyền được trang bị vũ khí theo Hiến pháp Mỹ.

Văn hóa sử dụng súng tại xứ sở cờ hoa cũng được coi trọng hơn so với người hàng xóm, khi đa phần người dân Mỹ cho rằng, sở hữu súng là một quyền cơ bản của công dân nước này. Chính vì văn hóa này mà hàng năm, Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ đóng góp hàng triệu USD vào các chiến dịch tranh cử của những ứng cử viên bày tỏ sự ủng hộ với quyền sử dụng súng. Do đó, có thể nói, luật sở hữu súng đạn đóng một vai trò then chốt trong bàn cờ chính trị tại Mỹ. Điều này trái ngược với Canada, nơi mà các tổ chức buôn bán và quản lý vũ khí ít nhận được sự quan tâm hơn, do đó cũng ít có sức ảnh hưởng hơn tới chính phủ liên bang.

Nhưng vẫn còn lỗ hổng

Theo BBC News, đã có ít nhất 21 dân thường và 1 cảnh sát thiệt mạng trong vụ xả súng ngày 19/4 vừa qua tại tỉnh bang Nova Scotia, Canada. Hung thủ Gabriel Wortman, 51 tuổi, đã bị bắn gục trong cuộc đấu súng với lực lượng cảnh sát sau đó. Trong khi động cơ và các mốc thời gian gây án vẫn đang được điều tra, con số thương vong trên đã biến vụ việc trở thành vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử Canada.

Sự kiện dấy lên cuộc tranh luận về đề xuất siết chặt quản lý súng đạn của xứ sở lá phong, vốn đã gây ra những chia rẽ nhất định trong nội các chính phủ từ đầu tháng 2/2020. Theo Ipolitics, các thành viên đảng Cộng hòa đã có những phản ứng gay gắt trước các phát biểu của Thủ tướng Justine Trudeau khi cho rằng, bộ luật quản lý súng đạn hiện nay còn có những lỗ hổng tiềm tàng nguy hiểm. Cụ thể hơn, Thủ tướng cho biết, mặc dù cảnh sát có quyền tịch thu vũ khí của những đối tượng có biểu hiện đe dọa tới sự an toàn của chính mình và người khác, bộ luật hiện nay không cho phép họ tước giấy phép sở hữu súng đạn của người dân và ngăn chặn họ mua bán, trao đổi vũ khí mới.

Blaney, thành viên của đảng Cộng hòa, phản bác ý kiến của phe đối lập. “Bộ luật hiện nay hoàn toàn đầy đủ”, ông cũng đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại tập trung vào những người dân trung thực, khi vấn đề bạo lực nóng bỏng nhất lại là các băng đảng đường phố?”. Hai bên tiếp tục tranh luận mà chưa tìm ra được phương án giải quyết.

Sau sự việc ngày 19/4, những ý kiến trái chiều về thắt chặt quản lý súng đạn lại tiếp tục được đem ra thảo luận. Tuy vậy, các thông tin được công bố vào ngày 20/4 đã tập trung hơn vào Dự luật C-71. Bản dự luật này mang ý nghĩa quan trọng, với mục tiêu nghiêm cấm mua bán các loại súng máy bán tự động được dùng trong quân đội. Những loại súng có trong danh mục này thường mang tính sát thương cao và là vũ khí chính của hàng loạt các vụ tấn công nghiêm trọng tại Bắc Mỹ.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ An ninh Xã hội, Bill Blair, cho biết: “Tôi không có một bản kế hoạch thời gian cụ thể. Các bước chuẩn bị vẫn đang diễn ra, nhưng đây là các quy định pháp lý, vì vậy một số vấn đề về ngân sách cần được giải quyết trong thời gian tới trước khi dự luật có thể được thông qua”.

TheoGTAGuns, BBC News, Ipolitics

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ