Cần xử lý dứt điểm bãi vật liệu Kiểm Nga nằm trên đất công tại Đông Anh, Hà Nội

GD&TĐ - Bãi vật liệu Kiểm Nga nằm trên khu vực đất công do UBND xã Mai Lâm quản lý, nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Bãi vật liệu xây dựng Kiểm Nga hoạt động trên diện tích đất công do UBND xã Mai Lâm quản lý
Bãi vật liệu xây dựng Kiểm Nga hoạt động trên diện tích đất công do UBND xã Mai Lâm quản lý

Bãi tập kết nằm trên đất công…

Phản ánh tới GD&TĐ, tại khu vực dọc theo bờ sông Đuống, đoạn qua địa bàn xã Mai Lâm (huyện Đông Anh, Hà Nội), thời gian qua, đang tồn tại bãi tập kết vật liệu xây dựng Kiểm Nga hoạt động không phép. Đáng nói, điểm tập kết này nằm trên khu vực đất công do UBND xã Mai Lâm quản lý, song, chính quyền địa phương và ngành chức năng vẫn chưa vào cuộc xử lý dứt điểm.

Theo ghi nhận của phóng viên, di chuyển từ đường Thiên Đức rẽ phải ra lối bờ sông Đuống, ở khu vực này, điểm tập kết Kiểm Nga đang lấn chiếm diện tích gần 1ha đất công để sử dụng, các đống cát, đá, gạch được chất cao không được che chắn, nhiều đống gạch lớn được tập kết lấn chiếm sang cả hành lang đê điều, hành lang thoát lũ.

Gạch, cát, đá được tập kết tràn lan, trời nắng thì bụi bặm, trời mưa thì trơn trượt lầy lội. Những chiếc xe hạng nặng vẫn rầm rầm hú còi inh ỏi vào lấy hàng gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng môi trường tới khu vực xung quanh.

C2.jpeg
Máy móc vẫn rầm rộ hoạt động trong khu vực bãi vật liệu

Ông T.Đ.H. (một người dân sống tại xã Mai Lâm) cho biết, bãi vật liệu Kiểm Nga đã hoạt động được một thời gian. Hàng ngày các xe tải vật liệu ra vào liên tục gây bụi bẩn cho cả tuyến phố, cát, sỏi rơi vương vãi ra đường gây nguy hiểm cho người dân và học sinh khi tham gia giao thông…

Ông H. cho biết thêm: “bãi tập kết vật liệu xây dựng chạy dọc hệ thống bờ sông Đuống hoạt động thời gian qua đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và vi phạm hành lang đê điều, hành lang thoát lũ sông Đuống. Bên cạnh đó, mặc dù bãi tập kết nằm trên phạm vi đất công, không có giấy phép,nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, phá nát đường giao thông”.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, trao đổi với GD&TĐ, ông Phạm Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Lâm thừa nhận, bãi vật liệu Kiểm Nga mà người dân phản ánh đang hoạt động là không phép và nằm trên khu vực đất công do UBND xã quản lý.

“Trong khu vực đấy có 4 bãi được thành phố cho phép làm bãi trung chuyển vật liệu nhưng chỉ có duy nhất của Kiểm Nga là hoạt động không phép, vì vậy quan điểm của xã là sẽ xử lý nghiêm, không để sai phạm tồn tại. Bãi vật liệu đã hình thành từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19 (năm 2020), tuy nhiên, chính thức hoạt động vào đầu năm 2023 vừa qua. Khu vực này đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt về vấn đề bến thuỷ nội địa”, ông Hưng cho biết.

Ông Hưng cũng nêu rõ quan điểm, đối với bãi vật liệu Kiểm Nga, xã đã có kế hoạch báo cáo thành phố để thu hồi thực hiện đấu giá. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã có thông báo dừng hoạt động toàn bộ các bến bãi trên địa bàn xã quản lý.

Mặc dù, bãi vật liệu xây dựng Kiểm Nga chỉ nằm cách trụ sở UBND xã Mai Lâm chưa đầy 1km, đang hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và cuộc sống người dân. Nhưng không hiểu vì sao, đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Vậy ở đây có việc chưa làm hết trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc xử lý các vi phạm về đất đai.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu xảy ra sai phạm

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14 - CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội.

A1.jpg
Trụ sở UBND xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội

Trong đó có nội dung đáng chú ý là yêu cầu các cấp, ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các địa phương thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý. Đồng thời có chế tài gắn trực tiếp trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc xử lý tồn tại cũ và phát sinh mới đối với các trường hợp vi phạm về đất đai.

Đặc biệt là những trường hợp vi phạm TTXD, xây dựng công trình trái phép trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình hạ tầng giao thông, công trình an ninh, quốc phòng; tăng cường cơ chế tự quản, phát huy vai trò của nhân dân trong quản lý TTXD.

Để tổ chức thực hiện, ngoài yêu cầu về cá thể hóa trách nhiệm và siết chặt kỷ cương, kỷ luật nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các quận, huyện, thị ủy lãnh đạo, chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy và kế hoạch tổ chức thực hiện của UBND thành phố, xây dựng kế hoạch cụ thể và tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả trên địa bàn. Trong quá trình đó, từng đơn vị phải thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai Chỉ thị; tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu, hàng năm, các địa phương phải tổ chức kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ; làm tốt công tác khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu trên địa bàn; xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.