Hàng loạt ca ngộ độc
Sau bão số 9, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương (Hội An) tiếp nhận một gia đình gồm 4 người trong tình trạng mệt lả, khó thở, buồn nôn và đau đầu dữ dội. Đồng thời, toàn thân và mặt người bệnh có dấu hiệu đỏ.
Qua khai thác tiền sử, bác sĩ kết luận, các bệnh nhân bị ngộ độc khí thải (có chứa CO2 và CO) từ máy nổ phát điện công suất nhỏ.
Bác sĩ Lưu Công Sáu - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương cho biết, những ngày qua, do bão, khu vực xã Bình Dương, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) rơi vào tình trạng mất điện. Do đó, gia đình bệnh nhân đã sử dụng máy phát điện công suất nhỏ để phục vụ sinh hoạt.
Vì mưa và thiếu dây dẫn điện, gia đình đã đưa máy vào gần phòng ngủ. Khi đi ngủ, các bệnh nhân vẫn để máy phát điện chạy. Sau đó, một người nhà ngủ bên ngoài phòng phát hiện, những người nằm gần máy nổ đều có triệu chứng yếu lả, khó thở, buồn nôn.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên ngộ độc khí thải từ máy phát điện. Ngày 28/10, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) mất điện do bão. Một người đàn ông 41 tuổi cùng hai con đã đóng kín cửa, chạy máy phát điện cả đêm.
Sáng hôm sau, hàng xóm phát hiện 3 cha con bất tỉnh và đưa các bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức.
Qua thăm khám, bác sĩ cho biết, người cha và con gái nhập viện trong tình trạng lơ mơ, thở yếu, gọi hỏi không phản xạ. Bé trai nguy kịch hơn, hôn mê, tiểu tiện không tự chủ. Các bác sĩ chẩn đoán, cả ba người bị ngộ độc khí CO do máy nổ.
Trước đó, ngày 8/5, nhiều người không khỏi xót xa trước thông tin hai trường hợp là mẹ con tại Ninh Bình bị ngạt khí máy phát điện trong đêm, dẫn đến tử vong. Nạn nhân được xác định là chị B.T.T. (27 tuổi, ngụ phố Mới, thị trấn Me, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) và cháu N.T.P. (1 tuổi).
Tối 8/5, trên địa bàn huyện Gia Viễn mất điện. Do đó, gia đình chị T. đã chạy máy phát điện trong khi ngủ. Đến sáng ngày 9/5, hai mẹ con chị T. được phát hiện nằm bất động trên giường.
“Sát thủ” thầm lặng
Theo bác sĩ Thuyên, ngạt khí CO được gọi là “cái chết không báo trước”. Bởi, nạn nhân không có phản xạ cảm thấy ngạt để tự chạy ra ngoài. Nếu nghi ngờ bị ngộ độc CO, cần nhanh chóng mở rộng cửa, đưa nạn nhân đến nơi thoáng khí càng nhanh càng tốt. Sau đó, chuyển đến bệnh viện để điều trị. Bác sĩ khuyến cáo không đốt bất cứ nhiên liệu nào, như than, dầu, gas... trong môi trường kín, phải có thông gió để tránh nguy cơ bị ngạt.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết: “Ngộ độc carbon monoxide (CO) là một dạng ngộ độc phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong cao. Việc chẩn đoán khó khăn do biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu”.
Chuyên gia này lý giải, CO gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển oxy, do phân tử khí CO gắn quá chặt vào phân tử Hemoglobin. Từ đó, chiếm mất vị trí Hemoglobin gắn với oxy, khiến oxy không được Hemoglobin vận chuyển đến mô tế bào.
CO khuếch tán nhanh qua phế nang, qua màng mao mạch phổi vào máu. Sau đó, liên kết với nửa sắt của Heme với ái lực lớn hơn khoảng 240 lần so với ái lực oxy. Liên kết này bền vững hơn oxy rất nhiều, dẫn tới nhân Heme không thể gắn với oxy.
Theo ThS Quang, các triệu chứng lâm sàng của ngộ độc CO rất khác nhau và phần lớn không đặc hiệu. Bệnh nhân nhiễm độc CO nhẹ đến trung bình thường có các triệu chứng không đặc hiệu, gồm: Đau đầu (phổ biến nhất), khó chịu, buồn nôn và chóng mặt. Những triệu chứng này có thể bị chẩn đoán nhầm với hội chứng virus cấp tính.
Với nhóm bệnh nhân không có chấn thương hoặc bỏng, các dấu hiệu lâm sàng gợi ý ngộ độc CO thường là thay đổi về tình trạng tâm thần, từ nhầm lẫn nhẹ đến co giật và hôn mê. Do đó, việc khám thần kinh cẩn thận là yếu tố vô cùng quan trọng để phát hiện bệnh nhân có ngộ độc CO hay không.
Bên cạnh đó, biến chứng thiếu máu cơ tim cũng có thể xảy ra. ThS Quang nhấn mạnh, sau khi đã chẩn đoán nhiễm độc CO, bệnh nhân nên được làm điện tâm đồ, xét nghiệm các dấu ấn sinh học tim để chẩn đoán chính xác.
“Đánh giá liên tục và can thiệp kịp thời đảm bảo đường thở, hô hấp, tuần hoàn của bệnh nhân bị nhiễm độc CO là hết sức quan trọng. Khuyến cáo tất cả bệnh nhân có hôn mê hoặc suy giảm ý thức nghiêm trọng nên được đặt nội khí quản và thở máy”, chuyên gia cho hay.
Theo đó, các biện pháp can thiệp quan trọng nhất điều trị bệnh nhân nhiễm độc CO là loại bỏ kịp thời nguồn CO. Người bệnh cũng cần được cho thở oxy 100% bằng mặt nạ hoặc ống nội khí quản.
Trong khi đó, những bệnh nhân bị nhiễm độc nặng cần được điều trị liệu bằng oxy cao áp để giảm tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của biến chứng thần kinh mãn tính sau ngộ độc CO.