Thành phần tham dự gồm đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đóng trên địa bàn thành phố, các ban ngành đoàn thể của thành phố, các cán bộ lão thành cách mạng, các cựu học sinh trung học Phan Thnah Giản - Châu Văn Liêm…. Lý do trường có 4 dự án xây dựng nhưng không biết chọn phương án nào vì có nhiều ý kiến khác nhau.
Ngôi trường đặc biệt
Trường Collège de Can Tho thành lập 1917. Từ 1945 đến 1975 trường này mang tên Trung học Phan Thanh Giản. Từ năm 1985 đến nay là trường THPT Châu Văn Liêm.
Đây là ngôi trường có gần 100 tuổi, lâu đời nhứt nhì Đồng bằng sông Cửu Long (chỉ sau trường Collège de My Tho). Đây là
ngổi trường có kiến trúc độc đáo ở đồng bằng vào đầu thế kỷ XX. Đây là ngôi trường sản sinh ra nhiều danh nhân cho khu vực: Nhà cách mạng Châu Văn Liêm, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường, Đắc Nhẫn, Tạ Thanh Sơn, nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Thượng Tân Thị, GS Trần Văn Khê…và nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo ở TP Cần Thơ.
Trong giai đoạn hiện đại, đây là ngôi trường đạt chuẩn đầu tiên ở Cần Thơ, là lá cờ đầu của ngành giáo dục Cần Thơ, từng đạt danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, Người Pháp đã gởi công hàm cho biết ngôi trường đã hết niên hạn sử dụng. Năm 2010, Sở Xây dựng TPCT đã ra công văn yêu cầu ngừng sử dụng 3 dãy nhà mà người Pháp xây dựng thời kỳ 1917-1924.
Vừa qua UBND thành phố phê duyệt dư án cải tạo và xây dựng lại trường THPT Châu Văn Liêm thì có nhiều ý kiến phản ánh, nên công trình phải tạm ngưng.
Bây giờ UBND TP tổ chức hội thảo nghe ý kiến, để có quyết định kịp thời, đúng đắn trước nhu cầu dạy và học của nhà trường và nhu cầu giữ gìn giá trị văn hóa lịch sử của một ngôi trường có bề dày thế kỷ.
Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Lê Văn Tâm chủ trì hội thảo với sự có mặt của hai cán bộ lão thành cách mạng, nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang (cũ) và Bí thư Thành ủy Cần Thơ là đồng chí Lư Văn Điền và Lê Nam Giới.
Kiến trúc trăm năm và những vấn đề thực tiễn
Quang cảnh hội thảo |
Lịch sử hình thành cơ sở vật chất của trường chia ra làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1917-1924, người Pháp xây 4 dãy nhà có kiến trúc đặc trưng.
Giai đoạn trường trung học Phan Thanh Giản, thập niên 60 thế kỷ trước, Ty Kiến Thiết Phong Dinh cho xây dựng hai dãy nhà nối liền hai dãy 2 và 3 do người Pháp xây. Chính cách xây dựng này phá vở kiến trúc cũ (Sau này lại hư hỏng trước)
Giai đoạn sau giải phóng các năm 1987, 1991, 1998, 2001 có duy tu sửa chửa thêm và xây các khối phòng thí nghiệm, hội trường, phòng vi tính…
Từ 2005 đến nay trường xuống cấp trầm trọng.
Cô Trần Thị Lụa - Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm - cho biết: Có 5 vấn đề mà nhà trường không sao khắc phục được: Một là phụ huynh đưa đón con khó khăn vì trước đây trường có 2 cổng thì nay còn một cổng vì dãy trường và cổng trường phía đường Xô Viết Nghệ Tĩnh không dùng được do xuống cấp rất nguy hiểm.
Hai là hiện tượng tường nứt, sàn nứt, cột nứt làm học sinh, phụ huynh hoang mang… trong 3 năm qua tuyển sinh rất khó khăn từ 45 lớp xuống còn 42 lớp.
Ba là năm 2015 trở về trước là trường chuẩn, năm nay rớt chuẩn vì cơ sở vật chất không đạt.
Bốn là hệ thống phòng cháy chửa cháy không tài nào đạt do trường xuống cấp.
Năm là sân trường có nhiều cống rãnh, mặt sân trường thấp hơn bốn con đường xung quanh từ 0,5-0,6 m, trời mưa trở thành một cái đầm nước.
Cô Lụa chỉ có một ước vọng: “Làm sao trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn, môi trường học tập thật an toàn!”
Những phương án dự kiến
Ban tư vấn xây dựng đã từng tham mưu cho UBND thành phô 4 dự án. Có thể tóm tắt như sau:
- Phương án 1: Ba dãy nhà chính của người Pháp xây dựng khôi phục lại kiến trúc gốc, tháo gở các dãy có kiến túc ngoại lai. Phương án này kinh phí 110 tỉ đồng. Qui mô lớp thu hẹp. Nền trường thấp hơn xung quanh, nên phải có hệ thống thoát nước riêng.
- Phương án 2: Cải tạo toàn diện 5 khối nhà người Pháp xây và 2 khối xây thời Mỹ. Làm hàng rào lại. Kinh phí 139 tỉ.
Vẫn mắc khuyết điểm là nền trường thấp. Công trình sử dụng bao lâu nữa thì khó nói.
- Phương án 3: Chọn dãy nhà kiến trúc cũ (phia đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) trùng tu tôn tạo kiến trúc gốc để bảo tồn. Phần còn lại xây mới hoàn toàn, nhưng cũng dựa theo kiến trúc cũ.
- Phương án 4: Xây mới hoàn toàn theo kiến trúc cũ. Khoảng 94 tỉ đồng, có thể hoàn thành trong năm 2017.
Từ 4 phương án trên các đại biểu có 16 ý kiến phát biểu xoay quanh hai vấn đề: Một là vấn đề dạy và học phải an toàn, cần có ngôi trường an toàn và chuẩn.
Vấn đề thứ hai là thái độ ứng xử nhân văn với di sản lịch sử, văn hóa có bề dày 100 năm như ngôi trường này, là biểu tượng của sự học ở khu vực.
Nhìn về tương lai
Để thỏa mãn 2 vấn đề trên, Phương án 3 được nhiều người quan tâm. Trước vấn đề bức xúc về sự an toàn của thầy và trò nhà trường có người lại tán thành phương án 4.
Kiến trúc sư Nguyễn Kỳ Nam (Viện Kiến trúc Qui hoạch TP Cần Thơ, cựu học sinh THPT Châu Văn Liêm) đề nghị giữ 2 dãy nhà phía đường Ngô Quyền, dùng vật liệu các dãy còn lại trùng tu 2 dãy cũ, đồng thời cải tạo nâng cốt nền bằng với khu vực còn lại.
Song song đó, phần còn lại xây mới theo kiến trúc cũ. Vừa bảo tồn dãy nhà 100 năm cũ, vừa xây mới phần còn lại sao cho kiến trúc cũ, mới tương thích nhau. Như vậy, không phải đối phó với nước ngập.
Còn các cụ lão thành thì đồng quan điểm: xây dựng nền giáo dục trên cái nền truyền thống thế kỷ qua, người Cần Thơ tự hào về ngôi trường, chớ không phải biến ngôi trường 100 tuổi thành ngôi trường 1 tuổi.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Tâm rất trân trọng ý kiến của 16 đại biểu hết sức tâm huyết. Phương án 3 và 4 được nhiều đại biểu quan tâm.
Nhân đây xin các đại biểu bỏ phiếu chọn phương án, qua đó, UBND thành phố tham khảo để báo cáo với Thành ủy phương án tối ưu nhất.
Qua cuộc hội thảo này, cho thấy lãnh đạo TP Cần Thơ, các vị lão thành cách mạng, các nhà kiến trúc, nhân sĩ, trí thức, nhà báo… đều có tâm huyết muốn trường THPT Châu Văn Liêm là lá cờ đầu trong nền giáo dục hiện đại, vừa kế thừa một ngôi trường có truyền thống 100 năm, niềm tự hào của người dân Cần Thơ.