(GD&TĐ) - Mục tiêu của đề án trợ giúp người khuyết tật (NKT) là đến năm 2015 sẽ có 250.000 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp. Hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau, NKT vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tìm việc như: sức khỏe yếu, trình độ tay nghề chưa cao, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tuyển dụng NKT làm việc còn nhiều hạn chế.
Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT còn nhiều khó khăn
Theo báo cáo của TT bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM, từ đầu năm đến nay, TT đã hỗ trợ cho trên 800 NKT có việc làm, đào tạo hơn 800 lượt học viên cho các lớp cắt may, sửa xe, điện cơ, điện máy, trang điểm… Bên cạnh đó, các học viên còn được TT tổ chức học nâng cao trình độ văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên của Bộ GD&ĐT. Toàn bộ các chương trình giảng dạy và trợ giúp việc làm đều không thu phí. Các phản hồi từ doanh nghiệp đều đánh giá cao tinh thần ham học hỏi, chịu thương chịu khó của người lao động NKT. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo dạy nghề và việc làm của NKT trong thực tế thị trường lao động vẫn còn quá nhiều khoảng cách, nan giải.
Số liệu thống kê của Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM cũng cho thấy, tỉ lệ NKT có nhu cầu lao động, song chưa có việc làm trên cả nước chiếm khoảng 30%. Do sức khỏe yếu, lại không được học hành đầy đủ (chỉ khoảng 6% NKT học hết bậc Trung học phổ thông, trên 20% có trình độ Trung học cơ sở), nên cơ hội kiếm việc làm của họ là gần như không có. Mặt khác, các doanh nghiệp còn chưa mặn mà với việc tuyển dụng NKT, còn phân biệt đối xử giữa NKT với người bình thường.
Người khuyết tật cần được quan tâm hơn trong đào tạo nghề và tạo cơ hội việc làm |
Anh Nguyễn Tú Anh - một NKT cho biết: "Khi muốn xin việc làm thì người ta đã suy nghĩ công việc đó có phù hợp với mình hay không, mình có đảm nhận được hay không. Nhưng doanh nghiệp tuyển dụng còn nghĩ là mình có nhanh nhẹn hay không so với người bình thường. Giữa hai người đi xin việc, một NKT với một người bình thường, tất nhiên người ta sẽ chọn người bình thường. Tôi muốn doanh nghiệp có cách nhìn thay đổi hơn đối với NKT".
Chính tâm lý e ngại trên của các doanh nghiệp, cùng công tác dạy nghề chưa thật sự hiệu quả mà tỉ lệ NKT có việc làm chưa cao. TP.HCM hiện có khoảng 15.000 NKT đang trong độ tuổi lao động (1% dân số), nhưng số NKT có việc làm chưa quá 40%. Trong đó, số NKT tìm được việc làm chỉ có khoảng 25% duy trì được công việc ổn định. Nguyên nhân thì có nhiều, do điều kiện làm việc của doanh nghiệp còn chưa phù hợp với sức khỏe của NKT. Nhiều doanh nghiệp đặt trụ sở tại các cao ốc hoặc vùng ngoại thành, khiến việc đi lại của NKT gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể đến mức thu nhập bình quân của người lao động khuyết tật chỉ khoảng 2,5 - 3 triệu, còn thấp so với yêu cầu trang trải cuộc sống hiện nay. Muốn kiếm thêm thu nhập, họ phải cố gắng làm thêm, tăng ca, nhưng sức khỏe lại không đảm bảo. Do đó, nhiều NKT phải bỏ dở công việc mặc dù rất mong muốn ổn định chỗ làm.
Theo ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc TTDB nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP, trong giai đoạn 2012 - 2015 và hướng đến năm 2020, bình quân mỗi năm TP thu hút trên 260.000 chỗ làm, trong đó những nhóm ngành như: công nghệ thông tin, điện - điện tử, kế toán, may, giày da, thủ công mỹ nghệ… có thể sử dụng nhiều người khuyết tật. Tuy nhiên, để NKT có thể hòa nhập, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, không cách nào khác TP cần có những chính sách đặc thù cho doanh nghiệp, hỗ trợ dạy nghề và tạo nghề miễn phí hiệu quả hơn nữa cho NKT.
Chính sách hỗ trợ cho Doanh nghiệp tuyển dụng chưa nhiều
Theo quy luật của thị trường lao động, ở nhiều lĩnh vực và ngành nghề, cung luôn luôn vượt cầu. Người lành lặn tìm được việc làm đã khó, NKT tìm việc làm còn khó hơn. Vì vậy, điều kiện tiên quyết là phải nâng cao trình độ chuyên môn của NKT. NKT phải được đào tạo nghề phù hợp, phải có sự đầu tư cả về dạy và học để vững chuyên môn, giỏi tay nghề thì mới đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, khi những đơn vị doanh nghiệp thực hiện việc đào tạo, tuyển dụng lao động NKT một cách tự nguyện, từ tâm thì công tác hỗ trợ của nhà nước vẫn quá ít.
Đây là thực tế mà không ít chủ doanh nghiệp, các trung tâm đào tạo hỗ trợ việc làm cho NKT đã thẳng thắn nhìn vào. Bởi xét cho cùng doanh nghiệp cũng có cái khó của họ. Rất nhiều doanh nghiệp, công ty (27-7, Điện Quang, điện tử Ánh Sáng) sẵn sàng nhận NKT vào làm việc. Nhưng khó khăn ở chỗ làm sao để dung hòa lợi ích giữa người lao động NKT và doanh nghiệp, khi mà nhiều người lao động khuyết tật có trình độ tay nghề còn chưa cao, thiếu tự tin. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tuyển dụng NKT làm việc còn nhiều hạn chế. Vì vậy, theo chị Lê Thị Cẩm, công ty 27-7 (Bình Tân) chia sẻ: "Công ty tôi nhận NKT vào làm việc từ khi mới thành lập. Trong quá trình làm việc, có một số bạn có cố gắng, nhưng cũng có một số bạn dễ nản lòng. Trong công việc thì công việc nào cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng quan trọng là các bạn phải yêu nghề. Theo chị thì Nhà nước nên hỗ trợ cho doanh nghiệp về thuế để doanh nghiệp có thể hỗ trợ lại cho NKT. Có như vậy sự tương tác, hỗ trợ giữa doanh nghiệp-NKT mới bền vững".
Chia sẻ về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Nhung - Phó giám đốc Trung tâm bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP cho rằng: "NKT là đối tượng luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội chú trọng quan tâm. Tuy nhiên, những khiếm khuyết đã ngăn cản hoặc hạn chế NKT tham gia thuận lợi vào thị trường lao động để có một việc làm ổn định. Xã hội và cộng đồng nên quan tâm hơn đến việc hỗ trợ cho những hoạt động vì NKT, hỗ trợ nâng cấp trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề cho NKT để phù hợp với thị trường lao động. Ngoài ra cần có những chương trình tiếp cận với NKT ngay tại địa phương để NKT dễ dàng hòa nhập với cộng đồng, tiếp cận với các cơ hội việc làm".
Trong vô số những khó khăn mà NKT đang phải đối mặt tự tạo việc làm, mưu sinh thì điều quan trọng nhất theo bà Nhung chính là việc các doanh nghiệp, cần thay đổi quan niệm trong tuyển dụng với NKT. Họ không chỉ là đối tượng cần ưu tiên, mà còn là những lao động đầy tiềm năng. Tuyển dụng NKT không phải là làm từ thiện, mà vì năng lực của họ đáp ứng được yêu cầu công việc, đồng thời cũng là tạo điều kiện cho họ hòa nhập tốt hơn. Vì thế, cần phải có những cách đối xử bình đẳng. Tất cả đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp của tất cả các cấp, ngành, đơn vị liên quan và bản thân NKT để vấn đề việc làm ngày càng có những chuyển biến tích cực hơn, giúp NKT ổn định cuộc sống.
Anh Nguyễn