Cần môi trường sống phù hợp cho trẻ tự kỷ

Ngoài những phương pháp can thiệp sớm của y học, phụ huynh phải tạo ra môi trường sống có nhiều sự tương tác và hoạt động. Đồng thời cố gắng dành tối đa thời gian ở với con, cùng con trò chuyện, tạo dựng niềm tin cũng như sự gắn bó, để trẻ cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ, người thân.

Cần môi trường sống phù hợp cho trẻ tự kỷ
Can moi truong song phu hop cho tre tu ky - Anh 1

Gia đình là yếu tố quan trọng giúp trẻ tự kỷ tiến bộ (ảnh minh họa).

Không che giấu khiếm khuyết

Đó là nhận định của chị Mai T.N. (ở TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Là người khá tự tin và mạnh mẽ nhưng khi nhắc đến đứa con gái đang trong phòng học đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ ánh mắt chị N. đượm buồn và chất đầy sự hối lỗi. Chị N. cho biết: “Tôi từng nghĩ phải kiếm được nhiều tiền sau này con sẽ có cuộc sống đầy đủ. Thế rồi công việc, tiền bạc cuốn tôi theo, toàn bộ việc chăm sóc con gái phó thác cho mẹ”.

Con chị N. tên là Nguyễn N. L. đã lên 9 tuổi nhưng không biết nói, không biết tự đi vệ sinh. Những lúc không xem tivi L. lại ngồi vào một góc. Lúc nhỏ, khi thấy dấu hiệu bất thường của con ngày càng tăng lên chị N. đưa đi khám mới biết con mình mắc bệnh tự kỷ điển hình. Vì xấu hổ, e ngại với bạn bè, chị đã quyết định im lặng và cho con ở nhà với ông bà. “Nhìn bạn bè mình suốt ngày khoe hình ảnh con với thành tích tốt trong học tập tôi không khỏi chạnh lòng. Con bạn tôi bằng tuổi cháu đã đi học lớp 3. Còn con tôi cơm chưa biết xúc, đói không biết kêu…, nhận thức không khác gì trẻ sơ sinh”.

Thế nhưng, giấu mãi cũng không được, khi bệnh tình của con ngày càng nặng, có những hôm tự đập đầu vào tường chảy máu rồi ngồi cười, hay khách đến nhà thì chạy ra đánh chị N. buộc phải đưa con đi điều trị. Tuy nhiên, khả năng tiến triển rất chậm. Hơn một năm học, con chị mới nói bi bô được vài từ. Chị N. nói trong nước mắt: “Tại tôi đã quá thờ ơ, chỉ biết nghĩ cho bản thân, sự ích kỷ cá nhân dẫn đến con phải chịu thiệt thòi. Giá như cho con đi khám sớm khi mới bị chắc giờ này con đã không như thế này”.

Kích thích tính tương tác

“Những đứa trẻ tự kỷ vốn có đặc tính thu mình lại, chính vì vậy ngoài thời gian trên lớp với những bài tập, ở nhà phụ huynh nên tạo môi trường thân thiện, dành tối đa thời gian có thể để chơi, trò chuyện cùng con. Hạn chế cho con chơi iPad, điện thoại hay xem tivi… Bởi đó chính là chúng ta đang tạo cơ hội cho trẻ ngồi yên, thu mình hơn và chỉ tương tác một chiều”. Đó là trao đổi của tiến sĩ, bác sĩ Lã Thị Bưởi - cố vấn chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học tâm lý (PPRAC) ở Hà Nội.

Ngoài ra, TS. Bưởi cũng đề cập đến những hoạt động của trẻ khi ở nhà với phụ huynh như: Phụ huynh có thể ngồi xem tivi cùng con và bình luận các vấn đề xoay quanh chương trình đó. Hay kể các câu chuyện kích thích sự tính tương tác giữa hai bên. Phụ huynh có thể tăng cường sự giao tiếp da thịt giữa bố mẹ và con, để con cảm nhận được tình yêu thương và sống trong môi trường được nâng đỡ. “Những trường hợp tự kỷ điển hình phụ huynh nên cho con đến các trung tâm, bệnh viện hay các chuyên gia trong ngành nhờ họ tư vấn, hướng dẫn hay tìm cách can thiệp, để các cháu được cải thiện tình trạng. Đồng thời can thiệp càng sớm thì khả năng hiệu quả cũng sẽ rất lớn” - TS. Bưởi cho hay.

Sự tiến bộ của trẻ phụ thuộc vào 3 yếu tố đó là: Gia đình, nhà trị liệu và quan trọng nhất vẫn là sự cố gắng của trẻ. Ví dụ cùng một bài tập, cùng một môi trường nhưng trẻ không có sự cố gắng thì quá trình trị liệu của trẻ khó khăn hơn rất nhiều và làm cho đứa trẻ ấy thời gian học sẽ kéo dài.

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ