Cần làm rõ những khuất tất tại một trường mầm non ở Thanh Hóa

GD&TĐ - Thanh tra huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc xác minh các nội dung đơn kiến nghị xử lý những dấu hiệu sai phạm tại Trường Mầm non Nam Xuân.

Trường Mầm non Nam Xuân, nơi xảy ra vụ việc.
Trường Mầm non Nam Xuân, nơi xảy ra vụ việc.

Thanh tra huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc xác minh các nội dung đơn kiến nghị xử lý những dấu hiệu sai phạm tại Trường Mầm non Nam Xuân (huyện Quan Hóa). Hiện, vụ việc chưa có hướng xử lý dứt điểm.

Thủ quỹ giữ tiền của giáo viên trong tài khoản riêng?

Đơn kiến nghị ghi là giáo viên nhà trường cho biết: Tháng 1/2023, giáo viên Trường Mầm non Nam Xuân nhận được tiền hỗ trợ ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, nhân viên kế toán là bà Phạm Thị Bình và bà Cao Thị Hương, Phó Hiệu trưởng (phụ trách) nhà trường yêu cầu những người được hưởng chế độ đó phải nộp tiền cho bà Hà Thị Tuôn (thủ quỹ). Một số giáo viên nộp tiền mặt, một số khác chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của bà Hà Thị Tuôn.

“Vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, chúng tôi đang rất khó khăn, không có tiền để mua sắm Tết cho con cái và gia đình. Khi chúng tôi hỏi bà Cao Thị Hương là số tiền truy thu đó chưa có công văn hướng dẫn của cấp trên, thì cho chúng tôi vay lại sau Tết nộp được không.

Thế nhưng, bà Cao Thị Hương trả lời là đã nộp vào tài khoản của nhà trường rồi, không lấy lại được. Chúng tôi hỏi bà Hương nếu đã nộp về tài khoản nhà trường, thì có biên lai gì không? Bà Hương nói rằng, chúng tôi không có quyền hỏi biên lai nộp tiền, mà chỉ có cấp trên mới có quyền hỏi biên lai”, đơn thư nêu.

Cũng theo đơn thư phản ánh, mặc dù UBND huyện Quan Hóa chưa có quyết định truy thu, nhưng bà Cao Thị Hương và Phạm Thị Bình (kế toán) vẫn yêu cầu 13 giáo viên nộp tiền về cho thủ quỹ, với tổng số tiền là: 99.837.000 đồng.

Khu lẻ Đun Pù - Trường Mầm non Nam Xuân còn rất khó khăn.

Khu lẻ Đun Pù - Trường Mầm non Nam Xuân còn rất khó khăn.

“Là giáo viên chủ nhiệm, trực tiếp chăm sóc giáo dục trẻ trên nhóm lớp, chúng tôi thấy thức ăn của trẻ ít hơn so với tổng số khẩu phần ăn. Thịt lợn nhiều mỡ, gia vị không đảm bảo... nên chúng tôi có ý kiến góp ý trong cuộc họp, thì bà Cao Thị Hương nói là chúng tôi không có quyền gì, chỉ cần làm tốt chuyên môn của mình, còn việc khác để bà Hương giải quyết”.

Ngoài ra, bà Cao Thị Hương cũng bị tố cáo có dấu hiệu tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm. “Ngày 31/11/2022, nhân viên kế toán Phạm Thị Bình cùng với bà Cao Thị Hương đã làm hóa đơn khống vào mục chi, như: Đường điện, cấp thoát nước với số tiền là: 19.823.000 đồng. Mục chi các thiết bị công nghệ thông tin là: 18.190.000. Hai mục chi đó trong năm 2022 là không có trên thực tế tại Trường Mầm non Nam Xuân”, đơn thư nêu.

Làm việc với Báo GD&TĐ, bà Cao Thị Hương, Phạm Thị Bình, Hà Thị Tuôn thừa nhận việc thu tiền của 13 giáo viên là có thật. Còn những nội dung khác như đơn thư tố cáo nêu thì nhân viên kế toán Phạm Thị Bình đưa ra lý do rằng, hồ sơ, chứng từ không để ở trường, mà đang cất giữ tại một nơi khác, nên không cung cấp được.

Dấu hiệu sai phạm

Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Đức Du, Chánh Thanh tra huyện Quan Hóa, cho biết, sau khi nhận đơn phản ánh của tập thể giáo viên Trường Mầm non Nam Xuân, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa đã chỉ đạo thanh tra vào cuộc xác minh.

Qua xác minh, Thanh tra huyện Quan Hóa phát hiện nhà trường có dấu hiệu sai phạm khi thực hiện chi vào hệ thống đường điện, téc nước và bệ vệ sinh. Còn việc nhà trường thu tiền của giáo viên và giữ tại tài khoản cá nhân của thủ quỹ là không được phép.

Đơn kiến nghị của tập thể giáo viên Trường Mầm non Nam Xuân.

Đơn kiến nghị của tập thể giáo viên Trường Mầm non Nam Xuân.

“Nhà trường thu tiền của giáo viên là họ thực hiện theo công văn hướng dẫn của Chủ tịch UBND huyện. Tuy nhiên, khi chưa có quyết định chính thức của Chủ tịch UBND huyện, thì anh có thu về cũng không thể nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được. Sau khi xác minh, Thanh tra huyện đã làm báo cáo gửi Chủ tịch UBND huyện và chờ xử lý”, ông Du cho hay.

Trước đó, ngày 30/12/2022, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa có công văn gửi Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; Hiệu trưởng các trường MN, TH, THCS; Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao và Du lịch huyện, về việc Thực hiện chế độ chính sách trợ cấp 1 lần khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ.

Theo đó, UBND huyện Quan Hóa đề nghị các đơn vị liên quan như sau: Thực hiện truy thu khoản kinh phí đã hỗ trợ nhưng chưa có cơ chế chính sách (5 tháng từ tháng 1/2021 đến 5/2021), gồm các khoản: Thu hút, lâu năm, ưu đãi ngành theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ, nộp về ngân sách cấp huyện...

Về văn bản chỉ đạo này, nhiều người đã đặt câu hỏi, liệu có phải UBND huyện Quan Hóa “cầm đèn chạy trước ô tô” hay không? Bởi lẽ, trước đó, ngày 11/6/2022 UBND huyện Quan Hóa đã có công văn gửi về Sở Nội vụ, Sở Tài chính Thanh Hóa, với nội dung như sau: “Trong thời gian từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/5/2021 (5 tháng), các thôn/bản, các xã trên địa bàn huyện Quan Hóa chưa được phê duyệt là thôn/bản ĐBKK, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Như vậy, trong khoảng thời gian này có được thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng ĐBKK theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ hay không?

Nếu được thực hiện các chế độ theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP, thì thực hiện như thế nào. Nhưng đến nay, UBND huyện vẫn chưa nhận được trả lời hoặc hướng dẫn về nội dung nêu trên, mặt khác tỉnh chưa cấp đủ kinh phí để thực hiện...”.

Như vậy, rõ ràng tỉnh Thanh Hóa chưa trả lời, hướng dẫn và chưa có quyết định chính thức về vấn đề này. Nhưng, UBND huyện Quan Hóa đã có công văn gửi các đơn vị liên quan, đề nghị truy thu số tiền chính sách (từ tháng 1 đến tháng 5/2021) của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng ĐBKK theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ. Do đó, mới dẫn đến việc Trường Mầm non Nam Xuân “ép” 13 giáo viên phải nộp tiền theo một cách thiếu tính nhân văn như vậy, khiến nhiều người bức xúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.