Cần có quy chuẩn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

GD&TĐ - Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đang đến gần (sẽ được tổ chức tại Quần thể di tích Phủ Dầy (Nam Định) vào 2/4). Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn về tình trạng biến tướng của nghi lễ hầu đồng và sự trục lợi từ di sản.  

Cần có quy chuẩn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Ngăn chặn biến tướng hầu đồng

Bộ VH-TT&DL vừa công bố dự thảo Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017 – 2020) và quy định để “lên đồng” không bị biến tướng.

Cụ thể, trong thời gian tới sẽ quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cúng tiến, vàng mã… để tránh hiện tượng lãng phí tiền của vào đồ lễ (thông qua đó là việc trục lợi cá nhân) trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu; Tuyên truyền, phổ biến để chính các thầy đồng hiểu được những giá trị nhân văn cao đẹp và bản sắc văn hóa trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mà UNESCO đã ghi nhận.

Thời gian qua xảy ra không ít sự việc liên quan đến việc mở phủ, hầu đồng tràn lan, các nghệ sĩ đua nhau đưa hầu đồng lên sân khấu biểu diễn. GS.TS Nguyễn Chí Bền cho rằng, cần có quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cúng tiến, vàng mã, cũng như các quy chuẩn liên quan đến việc sân khấu hóa di sản, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu… để tránh hiện tượng biến tướng, trục lợi, làm mai một các giá trị tốt đẹp của di sản.

Mặt khác, các đơn vị chức năng cần tuyên truyền, phổ biến để các thầy đồng hiểu được giá trị nhân văn cao đẹp và bản sắc văn hóa trong “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” mà UNESCO đã ghi nhận. Việc này để đảm bảo việc thực hành nghi lễ đúng theo bản sắc tín ngưỡng dân gian chứ không phải là hành vi lợi dụng đức tin để trục lợi.

Phát triển di sản một cách đúng đắn

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiêp Quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định những giá trị to lớn của di sản này, đồng thời góp phần làm phong phú thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung.

Theo GS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia, để hạn chế những biến tướng của nghi lễ hầu đồng, các cơ quan quản lý văn hóa, nhà chuyên môn cần xây dựng chương trình phổ biến kiến thức về đạo Mẫu nói chung và hầu đồng nói riêng để cộng đồng có những tri thức, hiểu biết khoa học về di sản. Từ đó, người dân sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển di sản một cách đúng đắn.

“Chúng ta có nhiều di sản và đó là những kho báu của quốc gia, thậm chí của quốc tế, của nhân loại như trường hợp các di sản được UNESCO công nhận. Nhưng không phải lúc nào kho báu cũng đã được bảo vệ và phát huy giá trị đúng cách. Nếu không hiểu biết, làm không đúng, di sản có thể bị lợi dụng để trục lợi, làm biến dạng và mất đi nét đẹp văn hóa” - Phó Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Trần Thị Hoàng Mai trăn trở.

Thời gian tới, Bộ VH-TT&DL sẽ đưa ra các quy định, chế tài để ngăn chặn chuyện trục lợi trên di sản, cũng như có đề án để bảo tồn di sản. Cùng với Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản sắp được ban hành, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về di sản nói chung và di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nói riêng sẽ được đẩy mạnh để công chúng có những trí thức, hiểu biết khoa học về di sản. Từ đó, những người thực hành sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển di sản này một cách đúng đắn.

Về vấn đề thống nhất trang phục, GS.TS Nguyễn Chí Bền cho rằng: Việc thống nhất cần có những thảo luận trong cộng đồng người hát văn để được chấp thuận. Cần phải phân biệt rõ 3 đối tượng là chủ thể sáng tạo, người thực hành và khách thể. Bộ VH-TT&DL cần có sự thảo luận với cộng đồng để có những quy định rõ ràng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ