Trao thưởng cho các Hoa trạng nguyên 2010. Ảnh: gdtd.vn |
Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên TP.Đà Nẵng, Phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam Lương Nguyễn Minh Triết:
Chúng tôi cho rằng, dự thảo văn kiện Đại hội đã chỉ ra đúng những điều mấu chốt để nước ta phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo định hướng XHCN, nhất là việc xác định “Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng phát hiện nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức”. Song nếu phát triển năng khiếu mà không có chính sách đầu tư để năng khiếu phát triển thành tài năng thì năng khiếu sẽ tàn lụi.
Cần tăng cường quản lý nhà nước về tài năng, tài năng trẻ, trước hết cần coi trọng hệ thống hóa các văn bản luật về tài năng. Đồng thời, cần có một cơ quan chuyên trách được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoạch định chiến lược phát triển tài năng trẻ, nhất là những tài năng lãnh đạo cho khu vực Nhà nước, Đảng, đoàn thể.
Tạo cơ chế khuyến khích toàn xã hội tham gia vào việc phát hiện, bồi dưỡng, phát triển tài năng. Tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để xã hội hóa cao hơn công tác bồi dưỡng, phát triển tài năng trẻ. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, tạo ra quy trình phát hiện, bồi dưỡng, giúp đỡ, phát huy tài năng. Có chế độ khuyến khích thu hút nhân tài ở nước ngoài về cống hiến, phụng sự tổ quốc.
Đẩy mạnh hơn nữa cải cách chế độ tiền lương, tiền thưởng và chính sách thu nhập, thực hiện phân phối theo hiệu quả lao động, kiên quyết chống chủ nghĩa bình quân, cải thiện điều kiện làm việc cho lao động tài năng. Gắn đào tạo với sử dụng, tạo thuận lợi để tài năng trẻ được quyền lựa chọn nơi làm việc, tạo điều kiện về nhà cửa, đi lại, thông tin... để tài năng trẻ yên tâm làm việc; đồng thời có cơ chế, có luật giàng buộc chặt chẽ giữa quyền lợi, quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm.
Cần có cơ chế, chính sách cụ thể cất nhắc, đề bạt nhanh những thanh niên có tài vào vị trí xứng đáng, đặc biệt là những vị trí đứng đầu của khu vực công. Phát huy tinh thần dân chủ đối với tài năng trẻ, để cho họ thực sự nói lên tiếng nói của mình, thực sự được bày tỏ ý kiến, được tự do thảo luận về những vấn đề xã hội. Tạo điều kiện để các tài năng trẻ tiếp cận, nắm vững thông tin của tình hình đất nước, tham gia vào đời sống chính trị xã hội của đất nước...
Th.s Lê Quốc Phong – Phó Bí thư thường trực thành đoàn TP.HCM, Chủ tịch Hội sinh viên TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam:
Bên cạnh những thành công, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều bất cập đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải tiếp tục có sự quan tâm đầu tư hơn nữa để tạo sự đột phá trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ.
Thứ nhất, vai trò định hướng của các cấp ủy Đảng trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ cần được quan tâm nhiều hơn. Vai trò định hướng của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đơn vị trong sự phát triển của cán bộ trẻ cần được xem là việc làm thường xuyên, được đầu tư nghiêm túc. Thực tế cho thấy, không ít nơi, cán bộ trẻ, kể cả cán bộ trẻ đã được lựa chọn quy hoạch vẫn còn lúng túng trong hướng phát triển, vẫn thiếu sự định hướng để được đào tạo hoặc tự đào tạo, hoàn thiện, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ cho mục đích lâu dài trong lĩnh vực công tác. Vai trò định hướng đó cần được thể hiện qua quá trình tiếp cận, thường xuyên trao đổi, qua việc lựa chọn, bố trí môi trường công tác phù hợp để cán bộ trẻ điều chỉnh, trưởng thành và hoàn thiện.
Thứ hai, cần tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ. Cán bộ trẻ cần phải được đào tạo, trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết phục vụ cho vị trí công tác trước khi nhận nhiệm vụ. Cần tiếp tục nghiên cứu hình thành hệ thống kiến thức chuẩn cần có đối với các lĩnh vực, chức danh, kể cả những kiến thức mang tính bổ trợ, hình thành kỹ năng lao động, phương pháp tư duy để nâng cao chất lượng công việc và có lộ trình để cán bộ trẻ được tiếp cận đào tạo. Hiện nay chúng ta vẫn thiếu những công cụ để đánh giá kết quả đào tạo đội ngũ một cách hiệu quả, những đánh giá vẫn thiên về hiểu biết lý thuyết, thiếu hẳn những công cụ đánh giá khả năng xử lý tình huống, vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, do đó vẫn có cán bộ tốt nghiệp loại khá, giỏi qua đào tạo những hiệu quả lao động không cao.
Thứ 3, cần có cơ chế đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng hiệu quả cán bộ trẻ sau đào tạo. Các điều kiện về thu nhập, điều kiện cuộc sống, đặc biệt là điều kiện môi trường lao động cần được quan tâm nhiều hơn. Cần chuẩn bị song song giữa công tác đào tạo, chuẩn bị đội ngũ cán bộ trẻ với chuẩn bị điều kiện lao động phù hợp.
Thứ 4, cần mạnh dạn hơn nữa trong tin tưởng, bố trí cán bộ trẻ tham gia vào bộ máy lãnh đạo các đơn vị. Cần quyết liệt, công khai trong tuyển dụng, bố trí, đề bạt, bãi miễn trên cơ sở tiêu chuẩn đã xác định cho từng vị trí công tác. Cần tạo một khung chuẩn và lộ trình phát triển để đội ngũ cán bộ trẻ tin tưởng và xây dựng kế hoạch phấn đấu để hoàn thiện mình, vươn tới những thăng tiến trong nghề nghiệp bằng chính sự trưởng thành và năng lực bản thân. Cần xây dựng động cơ phấn đấu trong sáng trong cán bộ trẻ, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ này với công việc, đồng thời cho họ thấy tương lai, khả năng đóng góp của bản thân, sự ghi nhận của tổ chức, đơn vị cho chính sự nỗ lực của họ.
Phó Bí thư tỉnh đoàn Thái Nguyên Dương Văn Tiến:
Hiện nay, nước ta còn khoảng 80% dân số ở vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, đời sống của nhân dân còn nghèo, lạc hậu, kinh tế chậm phát triển, dân trí thấp, thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực lao động có chuyên môn nghề nghiệp. Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế xã hội đối với các vùng đặc biệt khó khăn, bước đầu thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ có trình độ. Trong khi đó, nhiều học sinh sinh viên đã tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, TCCN lại chưa được sử dụng tốt, làm việc trái với nghề hoặc chưa tìm được việc làm và có xu hướng ở lại đô thị, tạo ra tình trạng thừa lao động có trình độ, gây lãng phí cho xã hội, trong khi đó, các vùng sâu vùng xa đang cần sự giúp sức của họ.
Từ những kết quả của việc thực hiện dự án đưa trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2003-2005 ở Thái Nguyên và tình hình thực tế hiện nay. Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tỉnh Thái Nguyên đề xuất với Trung ương Đảng và Chính phủ trong nhiệm kỳ tới tiếp tục quan tâm, có cơ chế chính sách đối với lực lượng trí thức trẻ nói chung và trí thức trẻ tình nguyện đi công tác vùng sâu, vùng xa nói riêng, cụ thể:
Tiếp tục giao cho Trung ương Đoàn, Trung ương Hội sinh viên VN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện đưa trí thức trẻ tình nguyện đi công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Có những cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể đối với đội ngũ trí thức trẻ như việc tuyển dụng, bố trí vị trí công việc, tiền lương...
Khi các trí thức trẻ đáp ứng được yêu cầu, cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp có thể quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm các trí thức trẻ tham gia vị trí lãnh đạo hoặc có cơ chế luân chuyển công tác lên cấp huyện, tỉnh hoặc Trung ương.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang triển khai thực hiện việc xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra rất lớn đòi hỏi chúng ta phải có đội ngũ cán bộ cơ sở có đủ trình độ, năng lực. Do vậy, Đảng và Chính phủ trong nhiệm kỳ tới cần mạnh dạn giao nhiệm vụ cho Đoàn thanh niên mà nòng cốt là đội ngũ trí thức trẻ có trình độ, năng lực, tâm huyết, tinh thần, tình nguyện để đảm nhiệm vụ đi công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Hiếu Nguyễn (lược ghi)