Thực tế cho thấy, các vụ bạo hành trẻ chủ yếu xảy ra ở các nhóm trẻ chưa được cấp phép và nạn nhân hầu hết là con của công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN, KCX, gây bức xúc trong dư luận xã hội và tâm lý bất an trong phụ huynh.
“Cung” không theo kịp “cầu”
Thực hiện Nghị quyết số 131/NQ-CP, trong đó giao Bộ GD&ĐT rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giáo dục mầm non (GDMN) và chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương liên quan đề xuất cơ chế, chính sách xây dựng cơ sở GDMN ở KCN, KCX, Bộ GD&ĐT đã triển khai rà soát việc ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về GDMN; ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về GDMN và báo cáo thực trạng GDMN ở KCN, KCX; tổ chức đoàn kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về GDMN và đoàn khảo sát liên ngành về tình hình trường, lớp mầm non ở các KCN, KCX tại một số tỉnh, thành phố; tổ chức hội thảo tham vấn chính sách về GDMN ở khu vực KCN, KCX...
Qua khảo sát và thực tế cho thấy, tại khu vực KCN, KCX quy hoạch trước khi có Nghị định 164/2013, hầu hết đều không quy hoạch hệ thống hạ tầng xã hội, các KCN này đã đi vào hoạt động và không còn quỹ đất để điều chỉnh quy hoạch theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đối với KCN quy hoạch sau năm 2013, có nơi có quy hoạch xây dựng trường lớp mầm non nhưng không gắn với nơi ở của công nhân, không thuận tiện cho việc đưa đón hay giờ giấc đưa đón con của công nhân.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương có KCN phát triển chưa thực sự quan tâm, sử dụng nguồn kinh phí thu được từ KCN để tái đầu tư xây dựng trường mầm non công lập dành riêng cho con công nhân, người lao động làm việc ở KCN, KCX.
Khó khăn phát triển trường mầm non ngoài công lập
Theo báo cáo của các địa phương, ở nhiều vùng có điều kiện kinh tế phát triển nhưng tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập vẫn còn rất khiêm tốn. Mặt khác, con công nhân ít gửi trong các trường mầm non tư thục do mức học phí cao.
Việc sử dụng ngân sách Nhà nước xây dựng cơ sở vật chất cho thuê để thành lập các cơ sở GDMN ngoài công lập theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 09 chưa được đẩy mạnh, mới chỉ triển khai một vài mô hình thí điểm tại một số ít địa phương.
Mô hình trường mầm non do doanh nghiệp sử dụng lao động xây dựng phục vụ con công nhân, người lao động của doanh nghiệp mình là một mô hình lý tưởng, đáp ứng nhu cầu của công nhân. Tuy nhiên, theo thống kê, mới chỉ có 6/16 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp trong KCN đầu tư xây dựng trường mầm non phục vụ cho người lao động (23 trường do doanh nghiệp sử dụng lao động trong KCN và 5 trường do chủ đầu tư hạ tầng KCN).
Một trong những nguyên nhân là bởi các chi phí cho đầu tư cũng như duy trì hoạt động của nhà trường lớn, không được sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Cơ chế tài chính chỉ cấp ngân sách Nhà nước cho trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục công lập như hiện nay tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa trường công lập và trường ngoài công lập.
Việc triển khai thực hiện chính sách ở địa phương chưa hiệu quả, việc tiếp cận với ưu đãi về đất đai, thuế của chủ đầu tư còn gặp khó khăn, không được hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, giao đất sạch, chưa thực sự khuyến khích nhà đầu tư xây dựng trường, lớp mầm non dành cho con công nhân và người lao động.
Ngoài ra, chính sách vay tín dụng ưu đãi để phát triển trường, lớp mầm non còn nhiều bất cập về thủ tục hành chính, nhà đầu tư thiếu cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng cho vay với lãi suất thấp; các địa phương chưa quan tâm áp dụng mô hình đối tác công tư đối với lĩnh vực GDMN...
Tháo gỡ từ cơ chế, chính sách
Từ những khó khăn bất cập nêu trên, Bộ GD&ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và một số địa phương xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về “Một số cơ chế chính sách xây dựng cơ sở GDMN ở khu vực KCN, KCX”.
Một trong những nội dung dự kiến trong Nghị quyết là UBND các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá mức độ đáp ứng của mạng lưới cơ sở GDMN ở khu vực KCN, KCX, có kế hoạch xây dựng trường, lớp mầm non đáp ứng nhu cầu gửi trẻ. Đối với 16 tỉnh, thành phố có nhiều KCN, KCX và tập trung trên 50.000 lao động, cần điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư công theo hướng ưu tiên các dự án xây dựng cơ sở GDMN, sử dụng một phần kinh phí thu từ KCN, KCX để tái đầu tư xây dựng cơ sở GDMN;
Ưu tiên quy hoạch quỹ đất sạch dành cho GDMN và công bố rộng rãi để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư. Triển khai áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với lĩnh vực GDMN theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Khuyến khích một số tỉnh, thành phố (nơi có nhiều KCN, KCX) và có nguồn thu triển khai thí điểm cấp ngân sách hỗ trợ hoạt động chi thường xuyên trên đầu trẻ cho cơ sở GDMN ngoài công lập nhận trẻ là con công nhân, người lao động đang làm việc tại KCN, KCX. Các trường công lập nhận trông giữ trẻ ngoài giờ hoặc tổ chức giờ trông giữ trẻ theo ca kíp của công nhân, tùy theo điều kiện thực tế, có thể hợp đồng giáo viên tăng thêm so với định biên quy định...