Thời gian qua, PV Báo GD&TĐ nhận được thông tin phản ánh từ người dân trên địa bàn huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), về việc tại địa phương này xuất hiện tình trạng phá rừng với quy mô khá lớn, hàng chục cây rừng cổ thụ lâu năm bị lâm tặc đốn hạ.
Sau khi tiếp nhận, PV đã có mặt tại huyện A Lưới để kiểm chứng thông tin. Từ cầu C10 trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua xã Hương Phong, men theo đường mòn do người dân tự mở để vào rẫy keo, sau nhiều giờ trèo đèo, lội suối vượt quãng đường hơn 6 km, PV và đồng nghiệp mới tiếp cận được hiện trường các bãi khai thác gỗ lậu nằm sâu trong rừng phòng hộ A Lưới.
Theo ghi nhận của PV, trong bán kính khoảng 5,2km tại tiểu khu 312 của rừng phòng hộ A Lưới, nhiều gốc cây cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc. Các bìa gỗ và những cây gỗ lớn bị lâm tặc xẽ thành phách, đặt nằm lăn lóc quanh các thân cây.
Quan sát tại hiện trường, có hàng loạt cây gỗ cổ thụ có đường kính từ 0,6m đến 1,5m đã bị lâm tặc đốn hạ chỉ còn trơ gốc. Nhiều khúc gỗ bị đốn hạ, chưa được chuyển ra khỏi rừng nằm rải dài khắp nơi.
Tại đây, một số dấu vết cưa vẫn còn rất mới, cho thấy những cây gỗ cổ thụ trong rừng phòng hộ A Lưới vừa bị lâm tặc đốn hạ trong thời gian chưa lâu. Đặc biệt, có những cây có đường kính vanh gốc lên tới 1,5m, chiều dài khoảng 30m, ước tính có khối lượng rất lớn.
Tại các điểm khai thác rừng trái phép này, lâm tặc ngang nhiên dựng lều trại và đốn hạ hàng loạt cây rừng làm giá đỡ để thuận tiện cho việc khai thác và cưa xẻ.
Đáng nói, trước cửa rừng là lán trại của Tổ bảo vệ rừng khu vực C10 (thuộc Ban QL rừng phòng hộ A Lưới). Tuy nhiên, sau khi chặt hạ, các đối tượng lâm tặc đã cưa xẻ và vận chuyển hàng chục khối gỗ ra ngoài, nhưng lực lượng chức năng dường như không hay biết về việc này.
Được biết, việc phá rừng xuất hiện chủ yếu tại một số tiểu khu do Ban Quản lí rừng phòng hộ A Lưới quản lí.
Một số hình ảnh PV Báo GD&TĐ ghi nhận tại hiện trường.
Báo GT&TĐ sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.