Cần bổ sung kế hoạch vốn để xây nhà cho lực lượng "dễ bị tổn thương"

GD&TĐ - Theo ĐBQH Nguyễn Đình Khang (đoàn Ninh Thuận) - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì những bức xúc về nhà ở cho công nhân lúc nào cũng nóng bỏng.

ĐBQH Nguyễn Đình Khang (đoàn Ninh Thuận).
ĐBQH Nguyễn Đình Khang (đoàn Ninh Thuận).

Chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Theo đại biểu, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 ngày 14/6/2021 về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.

Cùng với đó là các chủ trương, chính sách, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe, việc làm, thu nhập cho người lao động, các gói hỗ trợ công nhân lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn.

Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời đó đã và đang giúp cho công nhân lao động vượt qua khó khăn, tích cực phòng, chống dịch, tham gia sản xuất, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép.

Bày tỏ đồng tình cao về tờ trình với cách tiếp cận khoa học, giải pháp cân đối khả thi của Chính phủ; đại biểu Nguyễn Đình Khang đề nghị bổ sung danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân vào danh mục đầu tư công và mong muốn được Quốc hội thảo luận thông qua và quan tâm bố trí vốn cho nhiệm vụ này.

Theo đại biểu, một trong những vấn đề bức xúc hàng đầu hiện nay của công nhân lao động cả nước là vấn đề nhà ở. Thực tế triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh vừa qua thì bức xúc này càng lộ rõ, hàng triệu công nhân từ Bắc chí Nam khi bị cách ly, phong tỏa nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ do người dân xây dựng tự phát chật chội, thiếu tiện nghi, giá thuê cao.

Điển hình, có những địa phương tại một thôn gần khu công nghiệp chỉ có 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động. Điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam viện dẫn, theo một báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 hecta và mới hoàn thành 116 dự án với diện tích 250 hecta.

Như vậy mới chỉ có khoảng 41% diện tích được đầu tư đưa vào sử dụng. Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước mới có khoảng 2.580.000m2 - chỉ đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động.

“Con số này thật quá ít ỏi so với thực tế nhu cầu nhà ở của hàng chục triệu công nhân” – đại biểu Nguyễn Đình Khang nói.

Đồng thời đại biểu trao đổi: Mặc dù trong những năm qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; trong đó có nhà ở dành cho công nhân. Nhưng các chính sách này tới nay chưa đủ mạnh, nên thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư. Vì vậy, những bức xúc về nhà ở cho công nhân lúc nào cũng nóng bỏng.

Ảnh có tính chất minh hoạ/internet
Ảnh có tính chất minh hoạ/internet

Phát triển nhà ở cho công nhân

Đại biểu đoàn Ninh Thuận đề nghị Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút thêm các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, đặt mục tiêu rõ ràng để thực hiện.

Đồng thời, rất cần bố trí một phần vốn ngân sách để làm vốn mồi cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân, vì chúng ta không thể khoán trắng việc xây dựng nhà ở xã hội cho kinh tế ngoài nhà nước.

Chính phủ đã rất cố gắng có các giải pháp cân đối để trình Quốc hội, dự kiến dành hơn 27% ngân sách cho đầu tư phát triển và lĩnh vực nào cũng rất quan trọng.

Tuy nhiên, từ thực tế cấp bách về nhà ở cho công nhân, đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025;

Đồng thời xem xét bổ sung trong kế hoạch vốn một gói để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chăm lo cho công nhân, lực lượng đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất nhưng rất dễ bị tổn thương để hướng tới xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ