Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được nghỉ hè bao lâu?

GD&TĐ - Độc giả hỏi về chế độ nghỉ hè của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được nghỉ hè trong thời gian bao lâu? (dieuthuy***@gmail.com)

* Trả lời:

Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 và khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT) quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm như sau: Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: Nghỉ hè, nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể: Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có); Thời gian nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động.

Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.

Theo quy định nêu trên, thời gian mà giáo viên được nghỉ là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có). Tuy nhiên, quy định trên chỉ áp dụng với giáo viên, không quy định thời gian nghỉ hè đối với chức danh hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng (cán bộ quản lý cơ sở giáo dục).

Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là viên chức và áp dụng thời gian nghỉ hàng năm theo Luật Viên chức 2010. Tại Điều 13 Luật này quy định về quyền của viên chức về nghỉ ngơi như sau: Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.

Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 2 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 3 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với lĩnh vực sự nghiệp đặc thù, viên chức được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định của pháp luật. Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng sẽ được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động như người lao động.

Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 15, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Email: bandocgdtd@gmail.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ