Cán bộ gợi ý 'cảm ơn' để được cấp phép chuyến bay giải cứu

GD&TĐ - Bị cáo Trần Thị Mai Xa cho rằng mình thực hiện hành vi hối lộ do bị từ chối cấp phép "chuyến bay giải cứu" và được gợi ý "cảm ơn" để giải quyết.

Bị cáo Trần Thị Mai Xa khai báo trước toà.
Bị cáo Trần Thị Mai Xa khai báo trước toà.

Chiều 20/7, tự bào chữa trước tòa trong vụ án chuyến bay giải cứu, bị cáo Trần Thị Mai Xa (cựu Giám đốc Công ty MasterLife) nhắc lại những ấm ức mà mình phải trải qua trong quá trình xin cấp phép chuyến bay.

Bị cáo Mai Xa cho biết, lần đầu tiên công ty của bị cáo xin cấp phép tổ chức chuyến bay là vào tháng 6/2021. Khi đó, văn bản xin cấp phép của Công ty Masterlife được 3/4 Bộ đồng ý.

Bị cáo sau đó gọi cho Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao) thì được thông báo là có "chút vướng mắc bên Bộ Công an", cụ thể ở đây là Cục Quản lý Xuất nhập cảnh.

"Bị cáo rất sốt ruột, tháng 4 đã không được chuyến bay rồi, đã bị mất tiền, đã phải bán nhà để mua chuyến bay khác. Nhưng thời điểm cách 2 ngày trước khi bay mà lại diễn ra điều đó làm bị cáo rất lo lắng.

Lúc này, bị cáo rất run, vì nếu không được chấp thuận thì cũng không còn nhà để bán nữa", bị cáo Mai Xa nói.

Cựu Giám đốc MasterLife khai đã lên Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, gặp cán bộ của Cục này là Vũ Sỹ Cường, thì nhận được trả lời công ty bị cáo bị từ chối vì lý do "sếp không biết doanh nghiệp em là ai cả".

"Một lý do như vậy, bị cáo rất ấm ức. Bị cáo cảm thấy việc mình đang làm rất là tốt, theo chủ trương nhân đạo của Nhà nước. Tại sao lại bị từ chối vì "sếp không biết doanh nghiệp em là ai?", bị cáo Mai Xa nói.

Sau đó, chính Cường gợi ý phương án giải quyết là "cám ơn đi".

Trong thời điểm doanh nghiệp của mình đang phụ thuộc vào các cơ quan, ban ngành để xin được một giấy cấp phép chuyến bay, nên Mai Xa đã phải đi xoay tiền để làm theo "cơ chế cảm ơn".

Bị cáo Mai Xa cho rằng, đáng lẽ việc doanh nghiệp xin cấp phép thực hiện chuyến bay giải cứu công dân phải được các đơn vị chức năng đồng thuận, ủng hộ, Cục Lãnh sự là đơn vị chủ trì đứng ra giải quyết, không phải phía doanh nghiệp tự làm việc này.

Cũng theo bị cáo Mai Xa, những diễn biến nêu trên là nguyên nhân khiến bị cáo phải hầu tòa lần này với cáo buộc đưa tiền hối lộ cho các cán bộ.

"Bị cáo làm một cách vô thức, không hề cảm nhận được gì cả. Nhưng vì lần đầu đã như thế, thì lần sau cũng phải đưa thôi, nó như một thông lệ", bị cáo Mai Xa nói và bày tỏ cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi đứng trước tòa nói ra hết những điều khiến bị cáo cảm thấy nặng lòng bấy lâu nay.

Theo cáo trạng, Công ty Masterlife hoạt động du lịch, lữ hành.

Trong quá trình tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước, Trần Thị Mai Xa đã sử dụng Công ty Masterlife và các công ty: Mỹ Thuật Quang Trung, Thắng Lợi, Nam Á tổ chức được 18 chuyến bay.

Để được giải quyết cấp phép các chuyến bay, từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022, Mai Xa liên hệ, đặt vấn đề và đưa hối lộ cho 8 cá nhân có thẩm quyền, tổng số 19 lần, số tiền hơn 8 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, Mai Xa và gia đình đã nộp 1,9 tỉ đồng khắc phục hậu quả.

Trong bản luận tội, Viện KSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo này từ 4-5 năm tù.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.