Căn bệnh khiến nữ diễn viên Từ Hy Viên tử vong nguy hiểm thế nào?

GD&TĐ - Từ Hy Viên qua đời không chỉ là một mất mát lớn đối với làng giải trí, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về sự nguy hiểm của cúm mùa.

Tác nhân gây bệnh cúm chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.
Tác nhân gây bệnh cúm chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.

Sáng 3/2, nhiều tờ báo châu Á đồng loạt đưa tin về nữ diễn viên, ca sĩ Đài Loan (Trung Quốc) Từ Hy Viên đã qua đời do viêm phổi - biến chứng từ bệnh cúm - khi cả gia đình đang đi nghỉ Tết ở Nhật Bản.

cum-mua2.jpg
Từ Hy Viên qua đời do biến chứng của cúm mùa.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày.

Tuy nhiên, đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Cúm mùa là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Cúm từng gây ra những trận đại dịch tàn khốc trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người.

Điển hình như đại dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra vào năm 1918 -1919. Dịch bệnh lúc ấy đã lây nhiễm cho khoảng 500 triệu người, tức 1/3 dân số thế giới lúc bấy giờ. Đã có khoảng 17 triệu người chết ở Ấn Độ, 675.000 ở Mỹ và 200.000 người ở Anh.

Hiện, trung bình có khoảng 1 tỷ ca nhiễm cúm hằng năm, trong đó có từ 3 đến 5 triệu trường hợp diễn tiến nặng. Cúm mùa vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất thế giới, với gần 650.000 ca tử vong hằng năm.

90 triệu trường hợp mắc cúm xảy ra ở trẻ em trên toàn thế giới mỗi năm với nguy cơ biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim. Cúm có khả năng tăng gấp 8 lần nguy cơ viêm phổi ở trẻ nhỏ dưới 14 tuổi, dẫn đến hàng loạt biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng trẻ.

Cúm ở người cao tuổi có thể gây suy giảm chức năng, ảnh hưởng gián tiếp đến hệ thống đa cơ quan làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 8 lần, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim gấp 10 lần sau nhiễm cúm.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối.

- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

- Tiêm vắc xin cúm mùa. Đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

(Ảnh minh họa)

Kỷ nguyên vươn mình: Sẵn sàng tâm thế

GD&TĐ - Nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, TS Vũ Ngọc Lương, Trưởng khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ về vai trò, sức mạnh của Đảng trong công cuộc đổi mới và phát triển, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.