Cảm thương 3 chị em nghèo hiếu học

Cảm thương 3 chị em nghèo hiếu học

(GD&TĐ) - 5 người họ vẫn hàng ngày nương tựa vào nhau trong ngôi nhà mà mọi đồ đạc đều là những thứ người khác không sử dụng nhường lại cho ở đội 5, Phù Lưu Tế, Mỹ Đức, Hà Nội. Chưa một ngày người trong xóm thấy họ đi chợ mua thức ăn, có chăng cũng chỉ là những lúc ra chợ mua ống muối, chai nước mắm hay gói đạm, gói lân về bón lúa,…

Gia đình
Gia đình anh Tư và chị Hán trong ngôi nhà ở khu tập thể công nhân quanh năm chỉ biết trông cậy vào hạt thóc.

Bữa cơm chỉ là những thứ của nhà trồng được

Họ chuyển về khu tập thể công nhân này đã được 13 năm, nhưng 13 năm ấy cuộc sống cũng chỉ gắn liền với hơn 5 sào ruộng. Họ luôn nằm trong danh sách hộ gia đình nghèo của xã. Anh Nguyễn Danh Tư bị bướu cổ bẩm sinh, lại thêm vết mổ của 6 năm trước khiến sức khỏe anh càng đi xuống nên anh không phụ giúp được gì cho chị Đinh Thị Hán và các con. Từ nhỏ Nguyễn Thị Duyên (SN 1996), Nguyễn Thị Khánh (SN 1998), Nguyễn Thị Sánh (SN 2002) đã phải theo mẹ ra đồng cấy lúa, làm cỏ, gặt hái,… Nhìn dáng người các em ai cũng nhỏ hơn các bạn cùng trang lứa vì bữa cơm ngoài những thứ “của nhà trồng được ra” là gạo, rau thì chẳng có gì. Thỉnh thoảng có được vài hạt lạc hay miếng đậu phụ hàng xóm cho cải thiện. Chỗ đi vệ sinh cũng không có nên những sinh hoạt ấy thường phải đi nhờ hàng xóm. Bên nội, bên ngoại cũng chỉ lấy nông nghiệp làm kế mưu sinh, cũng chẳng ai trông nhờ được vào ai.

Trong gian bếp nhỏ phía sau nhà, mùa nóng cũng như mùa lạnh đều đỏ lửa của bếp lá. “Mùa nào lá nấy”: lông may, lá nhãn, lá tre, rơm khô,… mẹ con thay nhau đi quét mang về tích trữ thay củi đun nấu. Có lần mẹ chồng gợi ý bảo vợ chồng chị Hán mang bé Sánh đi cho gia đình nào đó hiếm muộn, biết đâu sẽ tìm được cho em cuộc sống sung túc hơn và được học hành tử tế, chứ ở nhà cái ăn còn chẳng có nói gì tới chuyện học chữ. Nhưng vợ chồng anh chị thà “ăn đói mặc rách” còn hơn là phải để tình máu mủ xa cách. Rồi chị lại gồng mình kiếm tiền nuôi con. Ngày mùa chị đi cấy thuê, khi thì đi làm phu hồ vì sức khỏe của chị cũng không cho phép duy trì công việc thường xuyên. Mỗi lần đi làm về chị lại bị đau đầu nhưng vì thương con nên số tiền đó cũng không dám bỏ ra mua thuốc mà lại chắt chiu để dành. Cũng có lúc chị có ý định đi làm xa nhưng nếu chị đi làm xa thì bố con lại nheo nhóc không người chăm sóc. Nghĩ không đành chị ở lại. Mọi thứ tiền lại trông vào hạt thóc.

Không dám mơ ước tới một tương lai lâu dài

Ý thức được hoành cảnh gia đình nên cả 3 người con của chị đều là những đứa con ngoan, trò giỏi. Sách vở đi xin của những người khóa trước rồi chị học xong giữ gìn cẩn thận cho các em sau này học. Khi được hỏi có muốn học sách mới không, bé Sánh nép sau lưng mẹ thẽ thọt “em có ạ”. Ngoài giờ học trên lớp, không có điều kiện đi học thêm, các em về nhà tự ôn bài, hoặc mượn vở của bạn bè để nghiên cứu thêm.

Chị bảo em, em chỗ nào chưa hiểu hỏi chị. Ba chị em giống như những người bạn cùng tiến.

Giờ có thêm nghề phụ là xâu hạt thành từng bánh cho ghế ô tô, những ngày bận đi học chị em chỉ kiếm được 10.000 đồng từ nghề phụ đó nhưng cũng có thêm tiền đỡ đần mẹ. Duyên vừa hoàn thành kì thi vào lớp 10 và đỗ trường THPT Mỹ Đức A với điểm số 53,5. “Em cũng chưa lên trường xem tên mình có trong danh sách học sinh lớp chọn không vì còn bận làm hạt, nhưng em thấy vui lắm”.

Không giấu nổi niềm vui nhưng trong Duyên vẫn toát lên nỗi buồn vì em không chắc mình có thể đi học tiếp không. Nhiều người nói với em, đại học không phải là con đường duy nhất để mở ra tương lai, nên em cũng đắn đo nhiều lắm. Năm học lớp 9 có một trường Cao đẳng ở Hòa Bình về phát tờ rơi với rất nhiều ngành nghề: cơ khí, điện, dệt may,… được miễn giảm học phí với gia đình nghèo và chỉ mất 30.000đồng/tháng tiền trọ, e định theo học ở đó nhưng bạn bè khuyên “Duyên học được thì đừng nên tắt con đường đang mơ ước mà đi theo hướng khác”. Và em lại quyết tâm học để thi vào cấp 3. Giờ em nghĩ nếu không có tiền đóng học em sẽ lên xin thầy cô, tuy rất ngại nhưng…

Chiếc xe đạp mới dựng ngoài sân là phần thưởng học sinh giỏi vượt khó mà Duyên vừa vinh dự được nhận. Ngày em nhận được phần thưởng đó cô chủ nhiệm luôn dặn dò: dù khó khăn đến mấy cũng không được bán chiếc xe đó đi vì đó vừa là kỉ niệm vừa là minh chứng cho những nỗ lực của em trong suốt những năm học qua. Duyên luôn ghi nhớ những lời dặn dò đó và em coi chiếc xe như người bạn tri kỉ cùng em đồng hành trên những chặng đường tiếp theo.

Khi hỏi về ước mơ của riêng mình, các em đều ngần ngại vì ngày mai còn chưa biết lấy gì ăn thì sao mà dám mơ ước tới một tương lai lâu dài. Duyên nhìn tôi chia sẻ: “Nếu được sự lựa chọn về cơ hội học tập cho ba chị em, em xin được nhường lại cho em Khánh và em Sánh vì các em còn trẻ, còn học tập lâu dài, bản thân em sẽ đi tìm cho mình một công việc nào đó làm kiếm tiền, phụ thêm cho các em học tập” – Duyên tâm sự nhưng mỗi lời tâm sự của em như những lời thổn thức về một tương lai không nhìn thấy ánh sáng.

Muốn cho các con được theo học ra xã hội thành người có ích, dù bệnh tật và phải lo toan nhiều thứ chị Hán vẫn cố gắng chắt chiu từng đồng nhưng chị không nói trước được điều gì trong ngày mai. “Nếu không có tiền thì các cháu cũng phải ở nhà làm ruộng thôi” – chị ngậm ngùi. Họ rất mong nhận được sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm để các em Duyên, Khánh, Sánh có cơ hội được tiếp tục tới trường. Tôi biết trong mỗi em giờ đều mang trong mình những ước mơ về công việc mà các em yêu thích dù biết rằng điều đó là xa vời với hoàn cảnh hiện tại của mình.

Gia đình anh Tư và chị Hán trong ngôi nhà ở khu tập thể công nhân quanh năm chỉ biết trông cậy vào hạt thóc.

Nguyễn Huệ

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.