Cảm nhận Thanh La

Cảm nhận Thanh La

(GD&TĐ) - Lịch sử cách mạng tỉnh Tuyên Quang đã ghi đậm những dấu mốc đặc biệt quan trọng: Tân Trào - Thủ đô cách mạng; Trung tâm An toàn khu trong kháng chiến chống Pháp (Cùng với Thái Nguyên; Bắc Kạn); Nơi diễn ra đại hội Đảng lần thứ hai (Kim Bình - Chiêm Hoá)... Nhiều dấu mốc đó đã được ghi chép, phục dựng trong các cuốn sách lịch sử, những khu di tích cách mạng, những tác phẩm văn học - nghệ thuật... Tuy nhiên, vì nhiều lý do (như về thời gian và cả “độ dày”, “độ phong phú” của các di tích, sự kiện) nên một số dấu mốc, sự kiện chưa có điều kiện nghiên cứu, dựng lại một cách đầy đủ, sinh động và chân thật mà KHỞI NGHĨA THANH LA là một trong những dấu mốc, sự kiện đặc biệt quan trọng có phần “bị lãng quên”.

Thanh La là một xóm nhỏ nằm ở phía Bắc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, ngày 10/3/1945 tại đây đã nổ ra một cuộc khởi nghĩa “mở đầu” cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945. Tháng 3/2013, tôi về Thanh La tìm lại những điều “bị lãng quên”.

Cảm nhận đầu tiên về thắng lợi của KHỞI NGHĨA THANH LA: Không thể không nhắc tới vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của những cán bộ cách mạng, những cán bộ chỉ huy và những chiến sĩ kiên trung của đất Tuyên Quang lịch sử và các địa phương khác mà cụ thể, nổi bật nhất là Trung đội Cứu quốc quân (III) được thành lập tại Khu rừng Khuổi Kịch (Thanh La) ngày 25/2/1944 và 12 cán bộ cách mạng vượt ngục, thoát khỏi nhà tù chợ Chu trở về, nhập ngay vào bão táp cách mạng đang dâng trào tại khu giải phóng Việt Bắc (Đặc biệt là Phân khu B - Nguyễn Huệ).

Cảm nhận Thanh La ảnh 1
Đình Thanh La (xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) đã diễn ra sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh, giành độc lập dân tộc

Về đội Cứu quốc quân, xin trở lại thời gian trước cuộc KHỞI NGHĨA THANH LA bốn năm. Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám tại Khuổi Nặm (Pác Bó - Cao Bằng) đã xác định “Tiếp tục xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn, củng cố đội Cứu quốc quân, tạo thế đứng vững chắc cho cách mạng, cùng với căn cứ địa Cao Bằng, chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa vũ trang”. Trước đó, trên đường lên Cao Bằng dự hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư xứ uỷ Bắc Kỳ, trong thời gian dừng lại ở Bắc Sơn đã tuyên bố thành lập Đội Du kích Bắc Sơn (Sau đổi tên là đội Cứu quốc quân) tại Vũ Lễ, ngày 23/2/1941. Và ngày 15/9/1941 tại Tràng Xá (Vũ Nhai) đồng chí Hoàng Quốc Việt, thường vụ Trung ương Đảng đã tuyên bố thành lập Trung đội Cứu quốc quân (II). Tháng 8/1941, quân Pháp mở cuộc tiến công, bao vây nhằm tiêu diệt đội  các chiến sĩ Cứu quốc quân được nhân dân ủng hộ, che chở đã chiến đấu dũng cảm, bảo vệ căn cứ. Trước sức tấn công mạnh với lực lượng gấp bội của quân Pháp, đội Cứu quốc quân đã tiến hành cuộc rút lui, bảo toàn lực lượng về phía biên giới Cao Bằng. Trong cuộc rút lui đó, các đồng chí chỉ huy cao nhất là Phùng Chí Kiên và Lương Văn Chi đã anh dũng hy sinh nhưng tinh thần khởi nghĩa Bắc Sơn, tinh thần Cứu quốc quân vẫn sống mãi và phát triển để đến ngày 25/2/1944 với nòng cốt là một số cán bộ, chiến sĩ của trung đội Cứu quốc quân (I); Trung đội Cứu quốc quân (II) và một số chiến sĩ mới, những người con ưu tú của đất Tuyên Quang, Bắc Sơn (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã lập nên trung đội Cứu quốc quân (III) tại khu rừng Khuổi Kịch (thuộc tổng Thanh La) với hơn 40 chiến sĩ, trang bị vũ khí còn thiếu thốn nhưng rất có ý nghĩa và tác dụng lúc bấy giờ, đặc biệt là tinh thần chiến đấu quả cảm và những kinh nghiệm tích luỹ qua khói lửa đấu tranh cách mạng đã trở thành lực lượng chủ lực và vô cùng quan trọng góp vào thắng lợi của KHỞI NGHĨA THANH LA.

12 cán bộ vượt ngục nhà tù Chợ Chu, sau này trở thành những cán bộ chính trị, quân sự xuất sắc như: Thượng tướng Song Hào, Bí thư Trung ương Đảng, Trung tướng Lê Hiến Mai, Trung tướng Phạm Ngọc Mậu, thiếu tướng Tạ Xuân Thu; các đồng chí Lê Trung Đình, Trần Thế Môn, Nhị Quý, Hoàng Bá Sơn, Tô Quang Đẩu, Trần Tùng, Chu Nhữ, đồng chí Khang. “Toàn những cán bộ xuất sắc của Đảng cả. Chiến khu chúng tôi “được các anh” thì “bằng trời cho của”. Tôi nghĩ thế. Lúc bấy giờ, sự thật ra trời cho của cũng không bằng các anh! Chuẩn bị rất chu đáo và giải quyết cũng nhanh chóng và gọn. Các đồng chí vượt ngục có cả chi uỷ và Bí thư là đồng chí Song Hào” (Kỷ niệm Cứu Quốc Quân - NXB Lao động 2010 - Trang 230).

Đó là hai yếu tố, hai nhân tố cực kỳ quan trọng cùng với truyền thống đấu tranh cách mạng, tinh thần chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc vùng Sơn Dương (Sau này là châu Tự Do), khi thời cơ đến đã biết chớp lấy làm nên chiến thắng lịch sử Thanh La, cho công cuộc Tổng khởi nghĩa sau này.

Hình thái khởi nghĩa ở Thanh La đã được “lặp lại” (tuy không hoàn toàn) ở những địa phương khác với cùng một “kịch bản”. Thủ đô Hà Nội (19/8); Ở Sài Gòn (23/8)... đều “khởi nguồn” từ các cuộc biểu tình, tuần hành phát triển thành Khởi Nghĩa Vũ Trang. Ở Thanh La, sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3) ngay đêm 10/3 “Tuy chưa nhận được chỉ thị trực tiếp của Trung ương Đảng, nhưng các đồng chí phụ trách phân Khu uỷ Nguyễn Huệ họp và nhận định: Đây là thời cơ thuận lợi cần tổ chức quần chúng đấu tranh, từng bước giành chính quyền. Ngày 11/3, cuộc mít tinh quần chúng do Cứu quốc quân, tự vệ làm nòng cốt được tổ chức tại đình Thanh La. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành tuần hành vũ trang, tịch thu các bằng sắc của tổng lý, kỳ hào, tuyên bố thành lập uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời các xã. Đêm 12/3, lực lượng vũ trang vây đánh đồn Đăng Châu, giải phóng huyện lỵ, phá kho thóc của Nhật chia cho dân. Ngày 16/3, sau khi đánh đồn Đăng Châu lần thứ hai, cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại huyện lỵ, Ủy ban cách mạng lâm thời châu Tự Do tuyên bố thành lập, là chính quyền cách mạng cấp huyện được thành lập đầu tiên trên toàn quốc. Đó là cơ sở thành lập khu giải phóng và là điều kiện để Tân Trào trở thành thủ đô cách mạng”.

Tại Thủ đô Hà Nội, tuy cũng chưa nhận được Chỉ thị trực tiếp của Trung ương Đảng nhưng “sáng sớm ngày 19/8, cả Hà Nội rực màu cờ đỏ sao vàng. Khắp nơi vang lên những khẩu hiệu “Đả đảo chính phủ bù nhìn”, “Thành lập Chính phủ cộng hoà dân chủ Việt Nam”. “Anh em binh lính hãy mang súng gia nhập Việt Minh”. Từ các hướng ngoại thành quần chúng mang theo súng ống, gậy gộc, mã tấu... tiến vào trung tâm thành phố, tập trung trước quảng trường Nhà hát Lớn. Đại diện Việt Minh đọc lời hiệu triệu, khi lời hiệu triệu vừa dứt quần chúng hô vang những khẩu hiệu, cuộc mít tinh biến thành biểu tình vũ trang tiến về đánh chiếm phủ khâm sai, trại bảo an binh, Ty Liêm phóng Bắc Kỳ, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát... Đoàn biểu tình hầu như không gặp trở ngại gì, nắm quyền kiểm soát một cách dễ dàng. Đến chiều tối 19/8. Việt Minh lần lượt giành chính quyền, làm chủ gần như hoàn toàn thành phố. Uỷ ban quân sự cách mạng đã tổ chức chính quyền cách mạng các cấp”.

Tại Sài Gòn, cuộc khởi nghĩa diễn ra ở tỉnh Tân An (Một tỉnh ở cửa ngõ Sài Gòn) giành thắng lợi như “một liều thuốc thử”, khích lệ cả triệu quần chúng nhân dân. Sáng 25/8, nhân dân các vùng lân cận Sài Gòn - Chợ Lớn kéo vào thành phố biểu tình thị uy, quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền, hô vang các khẩu hiệu “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”. “Tất cả về tay Việt Minh” “Độc lập hay là chết!”. Cờ đỏ sao vàng tràn ngập trên các đường phố, bay phấp phới, hiên ngang trên các công sở. Chính quyền đã hoàn toàn thuộc về nhân dân”.

Dẫn vài dữ liệu, sự kiện như trên không có ý nói rằng: Khởi nghĩa ở Hà Nội, Sài Gòn  (Và một số địa phương khác) là “bản sao” của khởi nghĩa Thanh La mà chỉ là cơ sở cho một nhận định: Những người lãnh đạo khởi nghĩa Thanh La đã chủ động chớp thời cơ, liệu được sức mình, “biết địch, biết ta” nhạy bén, quyết đoán lãnh đạo quần chúng cách mạng đứng lên giành thắng lợi theo đúng phương châm, sách lược của Đảng “tích cực giành thắng lợi trong khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành độc lập tự do cho nhân dân, cho tổ quốc!”.

Nếu không có thắng lợi của khởi nghĩa Thanh La (và những thắng lợi sau đó, thành lập Châu Tự Do) thì không có một khu giải phóng vững chắc trong nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nay vùng giải phóng miền ngược đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên nên lập thành một khu căn cứ lấy tên là khu giải phóng. Thống nhất các lực lượng vũ trang lại là rất đúng nên đặt là quân giải phóng” (Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử).

Hoàng Quảng Uyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ