'Cẩm nang' trị nổi loạn tuổi dậy thì

GD&TĐ - Thu hút sự chú ý, bố mẹ bất hoà, bị kiểm soát quá mức… là những nguyên nhân cơ bản khiến trẻ nghĩ ra “kế sách” để nổi loạn.

Bố mẹ nên học cách thông cảm, lắng nghe suy nghĩ của trẻ.
Bố mẹ nên học cách thông cảm, lắng nghe suy nghĩ của trẻ.

“Bắt bệnh” nổi loạn ở trẻ

PGS.TS Tâm lý Phạm Mạnh Hà (Trường ĐH Giáo dục) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tâm lý nổi loạn của trẻ. Đó có thể là do ảnh hưởng của bạn bè. Bởi ở lứa tuổi này các em dành thời gian với bạn bè nhiều hơn cho gia đình. Trẻ có xu hướng mở rộng các mối quan hệ, sợ bị cô lập và tẩy chay. Rồi thì “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”, bạn bè có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển nhân cách của chúng.

Ở độ tuổi dậy thì, nhiều trẻ nổi loạn do áp lực học hành, thi cử hoặc bị đối xử bất công ở lớp. Bên cạnh đó là do phương pháp giáo dục sai lầm của cha mẹ. Nhiều phụ huynh quá hà khắc “thương cho roi cho vọt” nên trẻ phản ứng lại hoặc do cha mẹ quá buông lỏng quản lí làm cho con không có người định hướng và dễ sa ngã. Có thể do bố mẹ bất hòa, ly hôn, phá sản… hoặc nhà có thêm thành viên mới.

Ở những giai đoạn khác cũng có sự nổi loạn nhất là khi trẻ bị dồn vào sự kiểm soát quá mức của người lớn. Nhiều trẻ nổi loạn vì bố mẹ chúng cũng nổi loạn thường xuyên. Cũng có thể do ảnh hưởng của phương tiện truyền thông hay các trò chơi điện tử…

Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của trẻ trong giai đoạn nổi loạn là thích thách thức quyền lực, đối đầu với cha mẹ. Thậm chí, chúng thường sử dụng các phương pháp “nói ngược”, “mâu thuẫn” để bày tỏ cảm xúc và ý kiến của mình. Sau khi con bước vào giai đoạn nổi loạn, chúng sẽ không tìm đến cha mẹ khi vướng phải khó khăn. Thay vào đó, chúng cảm thấy suy nghĩ của bố mẹ là lạc hậu, cổ hủ, và cho rằng suy nghĩ của mình đúng hơn của bố mẹ.

Trẻ em ở độ tuổi 12 đến 16 tuổi đã có cái nhìn sơ bộ về cuộc sống xung quanh và giá trị của bản thân. Chúng đã không còn là những đứa trẻ mà cả thế giới chỉ có cha mẹ. Với ý thức độc lập ngày càng tăng, chúng sẽ tự cảm thấy bản thân đã trưởng thành và mong muốn được chứng minh cho cha mẹ thấy điều ấy. Mục đích nhằm nhận được sự khẳng định và khen ngợi, cũng như có thể thoát khỏi sự kỷ luật của cha mẹ.

Ở một số trường hợp, biểu hiện nổi loạn của trẻ là thích chửi thề. Đây là một đặc điểm dễ nhận thấy và đó là điều khiến cha mẹ đau đầu. Hành vi này của trẻ không hẳn xuất phát từ ý thích nói tục mà chúng chỉ muốn chứng minh mình không còn là trẻ con, muốn làm điều gì đó được cho là “chín chắn” nên cố tình bắt chước dáng vẻ, giọng điệu của người lớn. Chúng nghĩ trông chúng có vẻ rất “ngầu” khi làm vậy.

Ngoài ra, nếu không được như ý muốn, chúng sẽ thể hiện thái độ chống đối rất rõ ràng. Chúng thường xen ngang cuộc trò chuyện hoặc chọn cách bỏ đi giữa chừng. Một biểu hiện khác nữa là trẻ rất khó kiểm soát cảm xúc như giãy, hò hét,…Nhiều bố mẹ rất buồn lòng vì con mình trở lên như vậy. Đối với đối tượng này, chúng cho rằng, nổi loạn là cách dễ đạt được mục tiêu nhất.

Cha mẹ nên nhẫn nhịn và khéo léo xử trí khi con nổi loạn. Ảnh minh họa.

Cha mẹ nên nhẫn nhịn và khéo léo xử trí khi con nổi loạn. Ảnh minh họa.

“Cẩm nang” cho cha mẹ

Theo chuyên gia, có nhiều cha mẹ dễ mắc sai lầm khi dạy con lúc nổi loạn, phá phách. Cô Nguyễn Thị Trang (Trường ĐH Hùng Vương) cho rằng, nhiều cha mẹ luôn cho rằng mình là người lớn, nhiều kinh nghiệm sống hơn, trẻ con không biết gì nên phải nghe lời.

Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Phụ huynh không phải lúc nào cũng đúng, và con trẻ không phải lúc nào cũng sai. Có thể một vấn đề chỉ do góc nhìn của 2 thế hệ khác nhau mà thôi. Việc ép con phải nghe theo mình chỉ khiến trẻ có xu hướng phản kháng nhiều hơn.

Khi giận dữ cha mẹ thường lớn tiếng mắng con. Lúc này đứa trẻ cũng gồng lên phản kháng mạnh mẽ. Điều đó làm cho cuộc cãi vã càng trở nên gay gắt, khó giải quyết. Vì vậy la hét, chửi mắng hay dùng những từ ngữ tiêu cực sẽ không được khuyến khích trong những tình huống này. Bố mẹ nên học cách thông cảm, lắng nghe và suy nghĩ từ quan điểm của trẻ. Có như vậy con mới cảm nhận được bố mẹ yêu thương và đang cố gắng thấu hiểu, muốn giúp đỡ mình.

Cha mẹ nên dùng những lời nói nhỏ nhẹ khiến con cảm nhận mình đang được tôn trọng. Khi con bình tĩnh hơn, hãy phân tích cho chúng hành vi cãi lại của con đúng - sai ở điểm nào. Nếu con có suy nghĩ đúng, cha mẹ hãy mạnh dạn thừa nhận bởi ai cũng thích cảm giác được đánh giá cao và trẻ cũng không phải là ngoại lệ.

Còn nếu trẻ vẫn nhất quyết tranh cãi với cha mẹ đến cùng, phụ huynh có thể dùng những cách khác để chuyển hướng sự chú ý của trẻ vào vấn đề đang xảy ra. Có thể rời đi để con bình tĩnh hơn, hoặc đánh lạc hướng con bằng những cách tinh tế như hỏi “con tối nay muốn ăn gì?”, “con muốn làm gì vào cuối tuần”... Bằng cách này, cha mẹ đang đánh lạc hướng một cách tinh tế cảm xúc tiêu cực của trẻ thay vào đó con sẽ sớm bình tĩnh để suy nghĩ lại hành vi của mình.

“Tuyệt đối không la mắng thái quá, dùng đòn roi hoặc không kiểm soát được hành vi trước mặt con. Bởi không chỉ gây tổn thương cho trẻ, việc sử dụng bạo lực hay la mắng con trước mặt mọi người sẽ đẩy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày một xa. Có những đứa trẻ phải bỏ nhà ra đi bởi câu chửi mắng của cha mẹ. Thậm chí, nhiều trẻ em còn mang trong mình tư tưởng căm ghét đấng sinh thành, thứ tình cảm tiêu cực ấy theo trẻ cả đời, ảnh hưởng tới việc xây dựng các mối quan hệ trong tương lai”, cô Trang nêu quan điểm.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, ít nhất trong cuộc đời con người đều từng trải qua giai đoạn nổi loạn với các hình thức khác nhau. Đây là trạng thái tâm lý phản ứng bất thường với những yêu cầu của người khác. Biểu hiện của nổi loạn của trẻ là làm trái lại tất cả những yêu cầu của người lớn. Bố mẹ càng ức chế thì chúng càng thoả mãn. Một số trường hợp chọn cách im lặng để chống đối, cố tình làm ngược lại mặc dù chúng biết điều đó có thể không đúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.