Cách ứng xử với trẻ chống đối không dùng đòn roi

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ chia sẻ từng cảm thấy “bất lực” khi con chống đối bằng thái độ, thậm chí là hành vi.

Nhiều cha mẹ khó kiểm soát cảm xúc khi con chống đối. Ảnh minh họa.
Nhiều cha mẹ khó kiểm soát cảm xúc khi con chống đối. Ảnh minh họa.

Muốn đánh đòn vì con “bật tanh tách”

Nhiều cha mẹ thừa nhận, đối với những bé lì lợm, dù là trai hay gái đều khiến họ dễ bực bội dẫn đến hành vi mang tính tiêu cực. Thậm chí, một số phụ huynh đã dùng đòn roi để giải quyết thái độ lì lợm, chống đối của con.

Ngoài thể hiện sự chống đối bằng thái độ, cảm xúc, nhiều trẻ còn cãi lại, “bật tanh tách” hay thể hiện bằng hành vi cụ thể.

Chị Nguyễn Vân Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, từng sốc vì con chống đối bằng cách đập phá đồ đạc, đi vào phòng đóng rầm cửa trước mặt cha mẹ, đập đũa xuống bàn ăn và đứng dậy bỏ bữa…

Theo chuyên gia, con chống đối thường là cãi lại; có 2 chiều hướng chính đó là cãi bướng và cãi đúng. Vậy tức là không phải cãi nào cũng là láo, hư, hỗn… Xét ở góc độ nào đó thì việc cãi là điều con cái không được phép làm với người lớn.

Tuy nhiên, cha mẹ cần xem xét nếu trẻ không có thái độ hỗn láo như nói xấc, khi nói không gay gắt, không bực tức... thậm chí là tranh luận lễ phép thì vẫn có thể xem đó là điều nên khuyến khích con để có chính kiến và quan điểm riêng.

Thường khi trẻ cãi cha mẹ rất khó để kiểm soát cơn nóng giận, thậm chí là có thể sử dụng quát mắng hoặc đòn roi với con. Điều này khiến trẻ càng thấy không hợp lý, không công bằng và dần dần có sự không phục, không tôn trọng… Đỉnh cao của nó là sự chống đối, làm ngược. Đến lúc đó, vấn đề đã đi quá xa và trở nên rất nghiêm trọng.

Cô Nguyễn Hương Giang - giáo viên Trường THCS Hòa Lâm (Hà Nội) cho biết, bé chưa biết điều chỉnh cảm xúc nên khi thích cái gì đó là đòi cho bằng được. Khi muốn chống đối cha mẹ là sẵn sàng giận dữ hoặc lầm lì… Tất cả đều là thái độ thể hiện sự chống đối về một việc nào đó. Tuy nhiên, những tính xấu của trẻ sẽ được cải thiện nếu cha mẹ biết cách dạy dỗ. Càng quát mắng hay đánh đòn nhiều thì trẻ vốn đã lì lợm càng “chai” hơn.

Cũng theo cô Giang, cách dạy con gái lì lợm thường dễ dàng áp dụng hơn với các bé trai. Vì bé gái thường ít có phản ứng bướng bỉnh, bạo lực hơn. Hơn nữa, con gái thường có xu hướng gần gũi cha mẹ nhiều hơn, nên việc tiếp cận và trò chuyện cùng con không mấy khó khăn.

Trẻ từ 3 - 5 tuổi thường có những biểu hiện tâm lý phức tạp khiến cho các bậc phụ huynh rất lo ngại và lúng túng trong cách ứng xử với con. Trẻ thường có biểu hiện là không chịu phục tùng một số yêu cầu của người lớn, ngang ngạnh, bướng bỉnh và thậm chí là vô lễ với người lớn. Trong trường hợp như vậy cha mẹ không nên quá lo lắng. Bởi đây là giai đoạn trẻ đang muốn tự thể hiện mình, muốn chứng tỏ mình và muốn thể hiện mình với người lớn.

Nếu cần xử phạt thì không nên đánh, mắng vì như thế sẽ làm cho cả cha mẹ và bé đều cảm thấy bị ức chế và có thể lần sau bé sẽ lại có những hành vi chống đối như thế. Có thể xử phạt bằng cách là không cho bé đi chơi hoặc không kể chuyện cho bé nghe. Cha mẹ hãy giải thích rõ lý do và hậu quả của việc bé không nghe lời.

Cũng theo cô Giang, những đứa trẻ cứng đầu hoặc có ý chí mạnh mẽ rất nhạy cảm với cách người lớn đối xử với chúng. Vì vậy, hãy chú ý đến giọng điệu, ngôn ngữ cha mẹ sử dụng. Khi con cảm thấy khó chịu với cách nói và hành vi của người lớn, trẻ sẽ có xu hướng nổi loạn, nói ngược lại hoặc “đá thúng đụng nia”.

“Bé chống đối phần nhiều do bản chất. La mắng, đòn roi một đứa trẻ cứng đầu, lì lợm chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Thậm chí, điều này còn khiến trẻ “lì đòn” hơn và bỏ ngoài tai mọi thứ cha mẹ nói. Còn nếu quan sát thấy bé có những biểu hiện lầm lì bất thường, chậm hoặc kém phản ứng với những yêu cầu của cha mẹ, nên nhanh chóng đưa bé đi khám” - cô Giang nhấn mạnh.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Dấu hiệu của sự trưởng thành

Thạc sĩ Nguyễn Thị Huê (Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, Hà Nội) chia sẻ: “Khi trẻ bắt đầu “cãi lại” bố mẹ, đó không chỉ là dấu hiệu “bướng” hay “hư” như các bậc phụ huynh thường nghĩ, mà còn là dấu hiệu của sự trưởng thành. Như vậy, con bắt đầu biết suy nghĩ độc lập, biết liên kết những điều bố mẹ nói và những nguyên tắc bố mẹ đặt ra với hiện thực”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Huê cho biết thêm, trẻ còn biết bắt chước các bạn, đòi hỏi những điều “đúng, sai” một cách rõ ràng, cứng nhắc và logic. Vậy, thay vì bực bội, điên tiết lên, cha mẹ hãy... lấy làm vui mừng khi con cãi văn minh, lịch sự hay đúng hơn là tranh luận, đưa ra quan điểm. Đấy chính là dạy trẻ có chính kiến và biết cách phản biện, biết sử dụng lý lẽ để bảo vệ quan điểm của bản thân cũng như chứng minh cho luận điểm của mình.

Cũng theo cô Huê, ngày nay, nhiều bậc phụ huynh thường dạy con về tự tin, tự lập. Điều này cũng có ảnh hưởng lớn đến việc “cãi lý” của con. Khi đó, trẻ đã phát huy những gì được rèn giũa mà dám thể hiện quan điểm của bản thân. Như vậy, cha mẹ không thể muốn con phải tự tin trước đám đông, mạnh dạn trong học tập nhưng lại nhất nhất chỉ được nghe theo mà không được bình luận.

Hãy để trẻ có cơ hội để suy nghĩ và đưa ra quan điểm của mình. Nếu cha mẹ làm được điều này sẽ khiến con có cảm giác an toàn, được lắng nghe, tôn trọng hơn. Trong nhiều trường hợp, con có thể đưa ra những quan điểm hợp lý hơn để người lớn tham khảo. Điều này cũng khiến cha mẹ và con hiểu nhau hơn.

“Hãy nhớ rằng, thật tốt nếu trẻ em bày tỏ ý kiến về một điều gì đó. Nhưng chúng nên làm điều đó một cách thân thiện. Ngoài ra, chúng cũng nên nhận ra nơi an toàn để có thể chia sẻ. Tốt hơn hết, bố mẹ không nên ngăn cấm, cắt mạch suy nghĩ khi chúng đang cố gắng bày tỏ quan điểm” - cô Huê nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.