Cách thu giữ và biến carbon thành muối nở

GD&TĐ - Các nhà khoa học đã tìm ra cách để thu carbon từ không khí, biến nó thành natri bicacbonat và lưu trữ trong đại dương.

Sau khi được thu giữ, carbon dioxide có thể được chuyển thành natri bicarbonate - muối nở.
Sau khi được thu giữ, carbon dioxide có thể được chuyển thành natri bicarbonate - muối nở.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances. Các nhà nghiên cứu cho biết, kỹ thuật này có thể hiệu quả hơn gấp ba lần so với công nghệ thu giữ carbon hiện tại.

Giải quyết khủng hoảng khí hậu có nghĩa là giảm đáng kể việc đốt nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm làm nóng hành tinh. Song, con người đã tạo ra quá nhiều chất ô nhiễm này vào bầu khí quyển và không có khả năng giảm đủ lượng khí thải trong thời gian tới. Do đó, các nhà khoa học cho rằng, chúng ta cũng cần loại bỏ nó khỏi không khí.

Thiên nhiên đã thực hiện điều này. Ví dụ, rừng và đại dương là những bể chứa carbon có giá trị, nhưng không đủ nhanh để bắt kịp với lượng mà con người đang tạo ra. Vì vậy, tạo ra công nghệ là vô cùng cần thiết. Một phương pháp là thu giữ ô nhiễm carbon trực tiếp tại nguồn, ví dụ như từ các nhà máy thép hoặc xi măng.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học chú trọng vào một cách khác là “thu giữ không khí trực tiếp”. Điều này liên quan đến việc hút ô nhiễm carbon trực tiếp ra khỏi khí quyển và sau đó lưu trữ nó, thường bằng cách bơm vào lòng đất.

Carbon dioxide có thể là một loại khí đốt nóng hành tinh rất mạnh. Tuy nhiên, vấn đề với việc thu khí trực tiếp là nồng độ của nó rất nhỏ, chiếm khoảng 0,04% không khí. Điều này có nghĩa là loại bỏ carbon trực tiếp từ không khí là một thách thức và tốn kém.

Đó là một “rào cản đáng kể” - Arup SenGupta, Giáo sư tại Trường Đại học Lehigh và là tác giả nghiên cứu, nhận định. Tuy nhiên, kỹ thuật mới được đưa ra trong nghiên cứu có thể giúp giải quyết những vấn đề đó.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng đồng để sửa đổi vật liệu hấp thụ được sử dụng trong việc thu khí trực tiếp. Kết quả là một chất hấp thụ “có thể loại bỏ CO2 khỏi khí quyển ở nồng độ cực loãng với công suất lớn gấp hai đến ba lần so với các chất hấp thụ hiện có”.

Cũng theo ông SenGupta, vật liệu này có thể được sản xuất dễ dàng với giá rẻ. Đồng thời, sẽ giúp giảm chi phí thu giữ không khí trực tiếp. Sau khi được thu giữ, carbon dioxide có thể được chuyển thành natri bicarbonate - muối nở. Sau đó, được thải ra đại dương với nồng độ nhỏ.

Một số nhà khoa học đã bày tỏ lo ngại rằng, việc tập trung vào công nghệ để loại bỏ ô nhiễm carbon có thể làm xao nhãng các chính sách nhằm giảm đốt nhiên liệu hóa thạch.

Hoặc, có thể khiến những người gây ô nhiễm tiếp tục làm như vậy. Tuy nhiên, với quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu, chính phủ và các tổ chức quốc tế đang thúc đẩy mạnh mẽ việc mở rộng quy mô công nghệ này.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.