Cách giúp con trẻ kiềm chế tính hiếu thắng

Cách giúp con trẻ kiềm chế tính hiếu thắng

"Phải luôn là nhất"

Nhiều phụ huynh phải "đau đầu" khi phát hiện con mình có tính cách hiếu thắng quá cao. Chị Ngọc Dung - một phụ huynh có con trai 8 tuổi tại Ba Đình (Hà Nội), chia sẻ, cháu luôn hiếu động, thông minh và có ý thức học tập. Tuy nhiên, điều khiến chị Dung lo ngại chính là con có tính quá hiếu thắng.

"Do thường xuyên nằm trong nhóm những bạn có học lực tốt ở lớp, nên cháu nhà tôi khá tự tin vào khả năng của mình. Tuy nhiên, thi thoảng, khi điểm thấp hơn bạn nào đó trong lớp, cháu thường thể hiện sự tức giận ra mặt", chị Dung cho biết.

Mỗi lần như vậy, con chị Dung đều về tâm sự với bố mẹ và cho biết, cháu không thích những bạn được điểm cao hơn mình. Không ít lần, chị Dung ngỡ ngàng khi thấy con đòi nghỉ học thêm. Sau khi gặng hỏi, nữ phụ huynh này bất ngờ vì câu trả lời của con. Cậu bé kể, do cô giáo thường xuyên khen ngợi bạn khác trên lớp thay vì biểu dương mình, nên không muốn học lớp này nữa.

Tính hiếu thắng có phần thái quá của con chị Dung được bộc lộ không chỉ qua việc học. Vào cuối tuần, cháu thường được bố mẹ đưa tới khu vui chơi ở trung tâm thương mại. Mỗi khi chơi lái xe hoặc một trò chơi nào đó với con trai, chồng chị Dung phải cố hết sức để... thua. Chị cho biết, nếu bố hoặc mẹ chơi thắng, chắc chắn con sẽ tỏ thái độ bực bội và không chơi nữa.

"Thi thoảng, vợ chồng tôi cũng chọn thời điểm thích hợp để tâm sự, bảo ban con rằng, hiếu thắng quá là không tốt. Tuy nhiên, cháu vẫn "chứng nào tật nấy". Có thể nguyên nhân là do chúng tôi quá chiều chuộng con và luôn để cháu đạt được những thứ mình muốn".

Cách giúp con trẻ kiềm chế tính hiếu thắng ảnh 1
PGS.TS Trần Thành Nam.

Chị Ngọc Lan - phụ huynh sống tại Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, con gái chị năm nay học lớp 6 và sớm bộc lộ tính hiếu thắng.

"Cháu nhà tôi luôn phấn đấu để đứng đầu trong mọi môn học, kể cả là thể dục hay âm nhạc. Ban đầu, tôi cảm thấy vui vì con mình biết phấn đấu, không làm bố mẹ phiền lòng. Tuy nhiên, tôi dần nhận ra rằng, cháu có tính hiếu thắng thái quá".

Ngay cả khi đi học đàn ngoài giờ, con chị Lan luôn muốn mình đứng đầu lớp và được cô khen ngợi. Sau mỗi buổi học, cháu thường kể với chị Lan rằng, mình có khả năng chơi đàn tốt nhất lớp, bởi khả năng tiếp thu nhanh và thông minh. Cô bé cũng không quên thể hiện thái độ chê bai những bạn cùng lớp.

"Từ bé, con gái tôi luôn thích được khen, làm việc gì cũng muốn hơn và thắng người khác. Mỗi lần con thất bại hoặc không vượt trội hơn các bạn, cháu thường ủ rũ, bực tức, thậm chí luôn tự trách bản thân. 

Có thể là do trước đó, tôi thường lấy những bạn khác ra làm gương để con noi theo. Tôi rất muốn giúp con kiềm chế tính cách này, nhưng chưa có biện pháp hiệu quả", chị Lan nói.

Ngừng kết luận về nhân cách bằng thành tích

Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Trong nghiên cứu về các vấn đề lo âu học đường, có 2 nhóm nguyên nhân khiến học sinh lo âu nhiều: Hụt hẫng về thành tích học tập và không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ cũng như giáo viên. 

Có lẽ đó chính là nguyên nhân khiến cho nhiều em học sinh luôn có sự hiếu thắng lớn, bực bội và cáu giận nếu thành tích hoặc điểm số thấp hơn các bạn".

Theo chuyên gia, đối với những trẻ có tính hiếu thắng lớn, có thể cách ứng xử của cha mẹ và người xung quanh khiến các em nhìn nhận rằng, điểm số và thành tích chính là giá trị con người. Thậm chí, không ít trẻ lầm tưởng, một điểm số kém cũng thể hiện mình là người không có năng lực.

"Có thể chính những câu nói vô tình của cha mẹ khi so sánh thành tích học tập của bạn này, bạn khác với con đã khiến trẻ tự ám thị rằng, mình chỉ có thể trở thành con ngoan, trò giỏi khi điểm số tốt hơn người khác, đạt giải cao hơn các bạn. Nhiều trẻ sẽ suy nghĩ, việc không đạt thành tích tốt nhất cũng đồng nghĩa trở thành người thất bại", PGS.TS Nam chia sẻ.

Do đó, PGS.TS Trần Thành Nam nhận định, tình trạng trẻ hiếu thắng thái quá xuất hiện nhiều hơn trong bối cảnh giáo dục chỉ đặt nặng việc dạy chữ, dạy kỹ năng, thay vì chú ý đến việc dạy giá trị.

Lý giải rõ hơn, PGS.TS Nam cho biết, không ít phụ huynh chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng cho con thật giỏi bằng cách so sánh trẻ với bạn bè khác làm động lực thúc đẩy. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không biết rằng, những kỹ năng trẻ học sẽ chỉ hữu ích và có thể đóng góp cho xã hội khi được dựa trên những giá trị chân thiện mỹ của nhân loại.

Để kiềm chế tính hiếu thắng của con, chuyên gia cho biết, phụ huynh nên khiến trẻ thấy rằng, mỗi em đều là một cá thể đặc biệt và bản thân ai cũng có những giá trị tốt đẹp. 

Hãy để cho trẻ biết, người lớn yêu các em bởi chính những giá trị, bản chất của con. Kể cả khi con không có những điểm mạnh về thành tích bằng bạn này hay bạn khác, nhưng con trung thực, luôn quan tâm đến mọi người, thì đó cũng chính là điểm mạnh.

"Cha mẹ hãy thay đổi việc gán nhãn tương lai hay kết luận về nhân cách trẻ bằng điểm số hoặc thành tích. Hãy chỉ tập trung phê bình hành vi thay vì đứa trẻ.

 Hãy để cho trẻ thấy mọi sai lầm hay thất bại của con là một cơ hội để học tập, phát triển bản thân và không mắc lại nó trong tương lai. Thậm chí, cha mẹ nên khuyến khích con trải nghiệm sớm thất bại để có thể vững vàng hơn khi trưởng thành", PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ