Theo ông Trần Tuấn Huy - Giám đốc Trung tâm Đào tạo giá trị sống và kỹ năng sống YMCA, hầu như tai nạn trong các khu vui chơi giải trí xảy ra trong thời gian qua đều liên quan đến các trò chơi mạo hiểm hoặc những nguy cơ có thể ngăn chặn được. Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia những trò chơi này, ông Huy có một số lời khuyên như sau:
1. Giải thích các quy định cho trẻ
Hãy nói cho trẻ hiểu những quy định về chiều cao, độ tuổi, quy tắc chơi nhằm tránh trò chơi quá nhanh, quá nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Nếu con bạn chưa đủ tuổi chơi, hãy giải thích cho bé hiểu rằng con chưa thích hợp để chơi những trò đó, có thể thử chúng vào năm sau.
Cần tuân thủ yêu cầu thắt dây an toàn, ngồi yên, không thò tay ra ngoài khi tàu đang chạy... Đây là những quy tắc giúp giữ an toàn tối đa cho trẻ.
Tốt nhất, cha mẹ hãy thực hiện những quy định đó một cách nghiêm túc để làm gương cho con, không lách luật dưới bất kỳ hình thức nào. Nên nhớ, bạn phải có bổn phận đảm bảo an toàn cho con của mình chứ đừng phó mặc cho ai khác.
2. Hiểu rõ tình trạng sức khỏe và giới hạn chịu đựng của trẻ
Những trò chơi tốc độ cao, quay tròn quá nhiều hay mạo hiểm, không thích hợp cho người bị bệnh tim mạch, huyết áp cao, phình mạch, người đang bị chóng mặt, đau lưng, cổ.
Nếu con bạn bị một trong những chứng bệnh này, tốt nhất nên tránh xa những trò chơi mang tính thử thách cao. Nếu không nắm rõ những quy định, bạn hãy đọc kỹ nội quy và hướng dẫn của trò chơi. Tốt hơn hết, bạn nên hỏi nhân viên soát vé về trò chơi và nói rõ tình trạng sức khỏe của con bạn trước khi mua vé cho bé tham gia.
3. Giúp trẻ bình tĩnh
Nếu con bạn đủ điều kiện tham gia các trò chơi mạo hiểm hay thử thách nỗi sợ hãi, hãy đưa ra một số lời khuyên giúp chúng bình tĩnh hơn khi tham gia. Chẳng hạn khi đi tàu lượn siêu tốc, con nên ngồi chính giữa ghế, không ngồi lệch hay dựa sang một bên, thắt đai an toàn.
Giữ cơ thể thăng bằng bằng cách nghiêng người sang phải, giữ đầu thẳng ở chính giữa khi tàu rẽ trái và ngược lại. Nếu đủ bình tĩnh, bé có thể mở mắt và nhìn vào đường ray phía trước như thể đang lái nó, cảm giác điều khiển sẽ giúp trẻ giữ thăng bằng và tránh buồn nôn.
Với trò chơi thử thách lòng can đảm mà không quá mạo hiểm, hãy khuyến khích con chơi và cho trẻ hiểu rằng bạn sẽ luôn ở bên cạnh nắm tay chúng. Thậm chí, cha mẹ có thể bế con khi cần thiết.
4. Thông báo với nhân viên điều khiển trò chơi về các dấu hiệu nghi ngờ
Nếu bạn thấy điều gì đó không ổn như thanh chắn bị gãy, vết nứt trên tàu lượn, khói từ những khu vực bất thường, con cảm thấy không thoải mái với những thiết bị an toàn hoặc bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm, hãy thông báo với nhân viên trực ngay lập tức.
Đó là những người có nhiệm vụ giữ an toàn cho người chơi. Vì vậy hãy giúp họ nhận ra những dấu hiệu bất thường mà bạn nhận thấy. Bằng không, hãy yêu cầu con bạn dừng tham gia trò chơi này.
5. Ăn mặc thích hợp
Đừng nghĩ trường hợp tóc bị cuốn vào đường ray chỉ có trong phim kinh dị viễn tưởng. Thực tế, những món đồ trang sức rườm rà, tóc xõa dài và bộ đồ rộng thùng thình có thể khiến bạn mắc kẹt vào bất cứ bộ phận nào của thiết bị máy móc ở công viên.
Trong trường hợp bạn đang ở các trò chơi với tốc độ cao, vật dụng bị cuốn văng ra ngoài có thể gây chấn thương cho những người xung quanh. Vì vậy hãy hạn chế đeo đồ trang sức, búi tóc gọn gàng và mặc quần áo vừa vặn để giữ an toàn cho chính mình và tránh gây nguy hiểm cho người khác.
6. Tránh những khu vực cấm
Không đi vào những khu vực cấm của công viên, không leo trèo, nhảy rào hay đi qua lối dành cho nhân viên. Nếu bạn lỡ làm rớt nón hay các vật dụng khác vào khu vực cấm như dưới đường ray tàu lượn siêu tốc hay đường hầm, hãy nói với các nhân viên trực để được giúp đỡ.
7. Thận trọng với những thứ xung quanh
Những thiết bị chơi dễ đâm sầm vào nhau là nguyên nhân gây ra nhiều vụ chấn thương ở công viên giải trí. Vì thế hãy dặn dò trẻ luôn quan sát cẩn thận, giữ cho mình khoảng cách an toàn với những người chơi khác để tránh tai nạn.
Nếu con bạn đang ở khu vực trượt ván, patin hay biểu diễn xe đạp BMX, hãy dặn trẻ tránh xa đường trượt và đảm bảo bản thân luôn ở vùng đã được giăng dây an toàn.
8. Cung cấp đủ nước cho cơ thể và tránh ra nắng nhiều
Cung cấp đủ nước không chỉ giúp trẻ bù lại lượng nước đã mất qua mồ hôi khi di chuyển cả ngày trong công viên, mà còn giúp phòng tránh những triệu chứng như say nắng, say nóng hay mệt mỏi do mất nước.
Do đó, hãy cố gắng cho con bạn uống đủ nước, không uống quá nhiều vì có thể gây sóc bụng khi vận động, còn uống quá ít có thể khiến trẻ bị mất nước. Nên hạn chế cho trẻ uống nước ngọt.
Để tránh nắng làm tổn hại da, hãy sử dụng kem chống nắng ngay trước chuyến đi và nhớ thoa lại chúng sau một khoảng thời gian thích hợp. Nón, kính mát, áo khoác cũng là những vật dụng giúp che nắng hiệu quả, nhưng hãy đảm bảo con bạn vẫn cảm thấy thoải mái khi mang chúng.