Trong khi đó, người Bali đón năm mới trong im lặng, còn người dân Thái Lan tổ chức lễ hội té nước.
Phong tục khác nhau
Người dân tại nhiều nơi ở châu Á, cũng như các khu vực khác trên thế giới thường ăn mừng một ngày lễ đánh dấu sự khởi đầu của năm mới. Tết Nguyên đán còn được coi là ngày lễ gác lại những muộn phiền và thất vọng trong quá khứ. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và mới cũng là lúc mọi người cùng hy vọng về những điều may mắn phía trước.
Tuy nhiên, các quốc gia sẽ căn cứ vào lịch khác nhau để đón năm mới. Do đó, có ba loại lịch cơ bản là lịch dương, lịch âm và lịch âm dương. Những lịch này giúp các quốc gia dễ dàng xác định thời gian một năm mới bắt đầu. Songkran - năm mới của người Thái được tổ chức ở Thái Lan, Lào và một số khu vực khác của Đông Nam Á vào ngày 13 - 15/4 dương lịch. Songkran là một lễ hội thanh tẩy và có đặc trưng là té nước.
Thực tế, Songkran giống như một cuộc chiến té nước lớn, thân thiện, kéo dài ba ngày. Mọi người mang theo một cái lọ hoặc chậu và té nước vào những người khác bất cứ khi nào có thể. Việc té nước vào ai đó cũng đồng nghĩa là ban cho người đó phước lành. Một truyền thống nổi tiếng khác của Songkran là đua thuyền rồng. Các đội chèo thuyền dài và hẹp với tốc độ tối đa trên sông, hồ. Nhóm chiến thắng sẽ nhận được giải thưởng.
Tết Nguyên đán được định nghĩa là lần trăng non thứ hai sau ngày Đông chí. Do đó, Tết Nguyên đán bắt đầu vào cuối tháng 1 và giữa tháng 2, khoảng vào đầu mùa Xuân. Ngày này không chỉ được tổ chức ở Trung Quốc, mà còn Hàn Quốc, Việt Nam. Có nhiều khác biệt nhỏ trong Tết Nguyên đán của các khu vực.
Trung Quốc có nhiều phong tục nhằm mang lại may mắn trong năm mới. Trước khi bắt đầu năm mới, mọi người nên trả hết nợ, nếu có thể. Bởi, một người sẽ bị coi là xui xẻo khi bắt đầu một năm mới trong nợ nần. Trẻ em được mừng tuổi trong bao lì xì đỏ - màu sắc của may mắn. Ngoài ra, mọi người đều mặc quần áo mới trong dịp Tết. Nhà cửa được dọn sạch sẽ.
Tại Trung Quốc, người dân có phong tục dán những bức tranh mới để tôn vinh thần cửa, thần bếp, biểu tượng con vật của năm mới đến và những khẩu hiệu may mắn như “mùa xuân đến” hoặc “may mắn đến”. Mọi người chúc nhau “chúc mừng, chúc bạn trở nên giàu có”.
Có lẽ, đặc điểm quan trọng nhất của lễ đón năm mới ở Trung Quốc là một bữa tiệc, với nhiều loại thực phẩm đặc biệt mang ý nghĩa may mắn như: Mì trường thọ, cá (vì từ “yu” trong tiếng Trung có nghĩa là cá, cũng giống như từ “dồi dào”), bánh gạo cho cuộc sống giàu có, ngọt ngào.
Các năm ở Trung Quốc được tính theo một chuỗi 12 năm lặp lại. Mỗi năm được tượng trưng bởi một con vật: Chuột, bò, hổ, thỏ, rồng, rắn, ngựa, cừu, khỉ, gà trống, chó và lợn. Vì vậy, mỗi năm tương ứng với một con vật. Những biểu tượng này được coi là đặc biệt quan trọng trong việc kết duyên, để vợ chồng hợp nhau. Ví dụ, nếu một phụ nữ sinh năm Tỵ kết hôn với một người đàn ông sinh năm Tý, sẽ có nhiều rắc rối phía trước.
Sự đối lập giữa các khu vực
Nhật Bản cũng là quốc gia từng đón năm mới âm lịch (Setsubun). Tuy nhiên, từ khi quốc gia này áp dụng lịch phương Tây vào năm 1873, ngày Tết chính thức là 1/1. Không ít người dân nước này vẫn áp dụng phong tục cũ.
Ví dụ, vào dịp năm mới, mọi nhà đều quét dọn sạch sẽ và rải đậu khô ở các phòng trong nhà để xua đuổi tà ma. Trên khắp Nhật Bản vào đêm giao thừa, chuông của các ngôi chùa Phật giáo được rung 108 lần. Đài truyền hình phát tiếng chuông từ những ngôi chùa có chuông đặc biệt lớn hoặc nổi tiếng và nhiều người đón xem ngày lễ trên tivi.
Nếu người Nhật đón năm mới bằng chuông thì người Bali lại ăn mừng trong im lặng. Hầu hết, người dân trên đảo Bali của Indonesia theo một hình thức cổ xưa của Ấn Độ giáo, được mang đến từ nhiều thế kỷ trước. Và, năm mới của họ - Nyepi, dựa trên lịch âm của người Hindu.
Nyepi được định nghĩa là ngày sau khi trăng non gần điểm xuân phân nhất. Vào đêm trước Nyepi, Bali sẽ có một lễ hội sôi động, mọi người đi bộ trong đám rước và hoà mình vào âm nhạc. Ở đó, họ thực hiện nghi lễ trừ tà để xua đuổi ma quỷ.
Tuy nhiên, mọi người đều giữ im lặng vào đúng ngày Nyepi. Khắp đảo Bali và đường phố vắng tanh. Họ không đốt lửa, không nấu ăn và cũng không mở nhạc, đài hay ti vi. Người dân không rời khỏi nhà và không nói nhiều hơn mức cần thiết. Mọi người tại Bali đón năm mới trong im lặng, nhằm thể hiện sự cung kính.
Ngoại trừ người Bali theo đạo Hindu, hầu hết người Indonesia theo đạo Hồi. Và nhiều người trong số họ ăn mừng năm mới vào ngày 1 Muharram - ngày đầu tiên của tháng đầu tiên theo lịch Hồi giáo. Đối với những người Hồi giáo dòng Sunni, đây là một ngày để ăn mừng yên tĩnh.
Tuy nhiên, đối với người Hồi giáo dòng Shiite, 1 Muharram là ngày để tang, đánh dấu cái chết vì đạo Hussein ibn Ali. Thay vào đó, nhiều người Shiite cũng như những người thuộc các tôn giáo khác ở Iran và khu vực lân cận chịu ảnh hưởng của văn hóa Ba Tư.
Họ đón năm mới vào ngày Nowruz - ngày xuân phân. Nowruz thực sự có nguồn gốc từ tiền Hồi giáo, được liên kết với tôn giáo Ba Tư cổ đại của Zoroastrianism. Trong đức tin đó, sự xung đột giữa thiện và ác được xem như một cuộc đấu tranh của ánh sáng để vượt qua bóng tối. Do đó, điểm xuân phân là một dịp kỷ niệm vui vẻ.
Kỳ nghỉ lễ kéo dài trong hai tuần. Vào thứ Tư trước điểm phân, các nhạc công biểu diễn trên đường phố, đốt lửa và trẻ em được tặng quà. Bàn ăn được trang trí bằng một ngọn nến, một bản sao của Thánh Qur’an và hàng loạt món ăn truyền thống có tên bắt đầu bằng chữ cái may mắn “s”.
Vào đúng thời khắc xuân phân, mọi người trao nhau những lời chúc tốt đẹp. Theo phong tục, thứ đầu tiên mọi người được ăn sau thời điểm phân là một quả trứng - biểu tượng của cuộc sống mới.