Cách ăn các loại hạt khô tốt nhất cho sức khỏe trong ngày Tết

Các loại hạt bí, hướng dương, hạt dưa, ô mai… là những đồ ăn vặt được ưa thích và phổ biến trong các gia đình ngày Tết. Ngoài những ích lợi chúng cũng có những mặt hạn chế mà bạn cần nên biết...

Cách ăn các loại hạt khô tốt nhất cho sức khỏe trong ngày Tết

Hạt hướng dương

Công dụng: Hạt hướng dương có giá trị dinh dưỡng khá cao, chứa dầu béo, protein, caroten, canxi, sắt, phospho và nhiều loại vitamin (nhất là vitamin E). Một nắm hạt hướng dương mỗi ngày sẽ giúp tăng cường trí nhớ, ngăn ngừa lão hóa, giúp bạn kéo dài sức khỏe và tuổi thanh xuân.

Loại hạt này còn có tác dụng trị giun kim (ăn sống), suy nhược thần kinh, mất ngủ, đồng thời thúc đẩy quá trình tái sinh tế bào. Hạt hướng dương góp phần phòng ngừa các bệnh mỡ trong máu cao nhờ tác dụng làm giảm cholesterol.

Cách ăn các loại hạt khô tốt nhất cho sức khỏe trong ngày Tết - Ảnh 1

Không chỉ là món ăn vui miệng trong ngày tết, hạt hướng dương còn có tác dụng trị chứng suy nhược thần kinh.

Hạn chế: Tuy nhiên nếu bạn ăn quá nhiều hạt hướng dương, có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như tăng cân (hạt hướng dương có chưa lượng chất béo khá lớn), khản giọng và làm trầm trọng thêm các chứng bệnh ho, hại men răng và tạo thành cao răng.

Trong hạt hướng dương có chứa hàm lượng cao phốt pho. Quá nhiều phốt pho có thể dẫn đến vôi hóa các mô và gây tổn thương thận, ngộ độc selen có thể dẫn đến các triệu chứng bao gồm tóc và móng tay giòn, phát ban da, mệt mỏi và khó chịu và thậm chí tử vong.

Ngay cả tác dụng chống suy nhược thần kinh cũng có thể khiến thần kinh bị kích thích quá độ (gần giống với hiện tượng bị say cà phê).

Hạt dưa

Cách ăn các loại hạt khô tốt nhất cho sức khỏe trong ngày Tết - Ảnh 2

Những hạt dưa màu đỏ được ưa chuộng vì mang ý nghĩa may mắn trong ngày Tết đầu năm.

Công dụng: Hạt dưa cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng như protid, glucid, lipid, vitamin B1, B2, E, PP, canxi, sắt, kẽm, phot pho, selen… Trong đó, protid của hạt dưa là chất đạm không thể thiếu cho thần kinh, cơ bắp, huyết dịch, nội tạng, xương khớp. Chất glucid trong hạt dưa là thành phần chính cấu tạo tế bào và thần kinh.

Hạt dưa giúp tăng cường trí nhớ, nâng cao chức năng não-thần kinh, nhanh chóng phục hồi sức hoạt động của tế bào não. Chất béo trong hạt dưa, phần nhiều là axit béo không bão hòa, sẽ giúp ích trong việc phòng ngừa xơ cứng động mạch, bệnh mạch vành, chứng cao mỡ máu…

Hạn chế: Tuy nhiên vì lợi nhuận, các cơ sở chế biến đang sử dụng nhiều hóa chất, phẩm màu độc hại để tẩm ướp hạt dưa, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Sự tích tụ lâu ngày trong cơ thể các chất này sẽ gây tổn thương gan, thận, lâu dần gây ung thư. Còn với những người gan kém, sự đào thải qua gan kém có thể gây dị ứng tức thì, biểu hiện là nổi mẩn trên da, sung huyết.

Hạt bí

Cách ăn các loại hạt khô tốt nhất cho sức khỏe trong ngày Tết - Ảnh 3

Hạt bí rất phổ biến trong ngày Tết ở miền Bắc.

Công dụng: Giàu kẽm, ngừa loãng xương, cải thiện chức năng bàng quang, kháng viêm, ngừa sỏi thận, điều trị các bệnh nhiễm ký sinh trùng, bảo vệ tuyến tiền liệt và làm giảm đi những khó khăn trong tiểu tiện do phì đại tuyến tiền liệt. Do chứa L-tryptophan, hạt bí còn giúp chống trầm cảm hiệu quả.

Ngoài ra, hạt bí còn là nguồn cung cấp magiê dồi dào, nửa cốc hạt bí chứa tới 92% lượng ma-giê hằng ngày và có tác dụng phòng ngừa bệnh loãng xương. Phytosterol trong hạt bí giúp giảm nồng độ cholesterol có hại trong cơ thể.

Hạn chế: Ăn nhiều hạt bí có thể dẫn đến chứng tăng cân (hạt bí cung cấp lượng calo rất cao), khó tiêu, đầy hơi và tiêu chảy do chúng có nhiều chất xơ.

Hạt bí ngô có thể kích thích thực quản khi nuốt, gây ra nhiều cảm giác khó chịu. Nếu bị trào ngược a-xít, ăn hạt bí ngô có thể gây ra chứng ợ nóng. Chất chống oxy hóa trong hạt dưa giúp giảm huyết áp nhưng chính vì vậy mà chúng không an toàn cho người huyết áp thấp.

Hạt dẻ

Cách ăn các loại hạt khô tốt nhất cho sức khỏe trong ngày Tết - Ảnh 4

Nếu không muốn bị tăng cân quá nhanh trong dịp Tết, bạn đừng nên ăn nhiều hạt dẻ.

Công dụng: Hạt dẻ chứa hàm lượng chất xơ lớn nên tốt cho tiêu hóa. Hạt dẻ có thể giúp phòng chống các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, nó còn giúp bạn giảm stress nhờ đặc tính rất giàu magiê (80mg/10g). Không những thế, theo Đông y, hạt dẻ có vị ngọt tính ấm; vào 3 kinh tỳ, vị và thận. Nó có tác dụng bổ thận ích tinh, mạnh gân cốt, tăng cường chức năng tiêu hóa, nuôi dưỡng dạ dày, cầm máu, chữa trị tiêu chảy do tỳ vị hư hàn, lưng gối mềm yếu do thận hư… Ngoài tác dụng bổ dưỡng, cải thiện chức năng sinh dục ở nam giới, hạt dẻ là thức ăn có lợi cho bệnh nhân tim mạch, tiểu đường.

Hạn chế: Hạt dẻ nếu chế biến chưa chín kĩ, khi ăn sẽ khiến người yếu bụng bị đi ngoài, đau bụng. Vì hạt dẻ có hàm lượng bột đường cao nên những người bị tiểu đường nên tránh.

Phụ nữ sau khi sinh và trẻ nhỏ cũng không nên ăn nhiều để tránh đầy bụng.

Hạt điều

Cách ăn các loại hạt khô tốt nhất cho sức khỏe trong ngày Tết - Ảnh 5

Hạt điều rất tốt cho da và tóc.

Công dụng: Hạt điều không chỉ tượng trưng cho may mắn mà còn rất tốt cho sức khỏe của bạn. Hạt điều dồi dào vitamin B1, B2, B3, canxi, protein, photpho, không có cholesterol, giúp răng chắc khỏe, giàu năng lượng. Chất béo trong hạt điều tốt cho tim mạch. Các chất chống oxy hóa của hạt điều có thể trợ giúp phòng một số bệnh ung thư. Magiê và canxi trong hạt điều có tác dụng hỗ trợ cơ bắp khỏe mạnh và xương trong cơ thể. Nó cũng giúp cho những phụ nữ đã mãn kinh có được giấc ngủ ngon. Hạt điều giàu chất xơ, tốt cho giảm cân. Giúp các mạch máu, xương, khớp linh hoạt hơn và đặc biệt là giúp sản xuất sắc tố melanin tốt cho da và tóc.

Hạn chế: Thực phẩm giàu kali như hạt điều sẽ tăng gánh nặng cho thận, chính vì thế người bị suy thận không nên ăn hạt điều. Người bị khàn tiếng không nên ăn hạt điều do chất béo trong hạt sẽ kích thích niêm mạc họng làm cho triệu chứng nặng hơn.

Hạt điều thường được tẩm muối khi chế biến. Ăn nhiều hạt điều tẩm muối sẽ khiến bạn bị thừa natri, không tốt cho huyết áp và tim mạch.

Hạt đậu phộng (lạc)

Cách ăn các loại hạt khô tốt nhất cho sức khỏe trong ngày Tết - Ảnh 6

Lạc rang húng lìu được rất nhiều ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên Đán.

Công dụng: Nhân lạc có các chất protein, chất dầu béo, amino acid: lecithin, purin, alkaloid, calcium, phosphore, sắt, vitamin E. Chất lysin trong hạt lạc có tác dụng phòng ngừa lão suy sớm và giúp phát triển trí tuệ của trẻ em. Axit glutamic và aspartic thúc đẩy sự phát triển tế bào não và tăng cường trí nhớ, ngoài ra chất catechin trong lạc cũng có tác dụng chống lão suy.

Chất dầu trong nhân lạc giúp làm giảm cholesterol trong máu, phòng ngừa bệnh xơ cứng động mạch và bệnh ở mạch vành tim, thúc đẩy tế bào não phát triển; ngăn ngừa sự lão hóa của da, làm đẹp và khỏe da.

Hạn chế: Nhưng chính vì lạc chứa nhiều protein, chất dầu nên nếu ăn lạc sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, hoặc khiến bệnh nặng hơn cho những người bị bệnh gút, tiểu đường, cao huyết áp, người bị nóng trong, người bị thừa cân, phù thũng.

Phụ nữ có thai cũng không nên ăn lạc vì sẽ khiến con sinh ra có nguy cơ bị dị ứng cao.

Nho khô

Cách ăn các loại hạt khô tốt nhất cho sức khỏe trong ngày Tết - Ảnh 7

Bạn nên hạn chế trẻ em ăn quá nhiều nho khô trong ngày Tết đề phòng sâu răng.

Công dụng: Nho khô được phơi nắng hoặc sấy khô từ những trái nho tươi mọng chín. Giá trị dinh dưỡng của nho khô ở chỗ hỗ trợ tiêu hóa, giảm táo bón, tốt với chứng thiếu máu, yếu xương, tốt cho mắt, axit Oleanolic trong nho khô còn giúp bảo vệ men răng. Nho khô kích thích ham muốn trong chuyện phòng the bởi axit amin được Arginine, giúp điều trị các vấn đề trong cương dương.

Hạn chế: Tác dụng của nho khô là hiển nhiên nhưng bạn đừng nên quên lượng đường khá lớn có trong nho sấy khô (khoảng 8 muỗng cà phê đường/gói nhỏ). Ngoài ra, ăn nho khô có nguy cơ cao gây hại răng vì có độ dính cao, dễ mắc kẹt trong các kẽ răng, sẽ khiến nảy sinh vi khuẩn sống lâu nhờ lượng đường này, từ đó gây sâu răng trong khoảng thời gian dài hơn. Vì vậy chỉ nên dùng nho khô như một món tráng miệng (sau khi ăn cần nhớ làm sạch răng cẩn thận) chứ không nên dùng để ăn vặt cả ngày.

Ô mai

Cách ăn các loại hạt khô tốt nhất cho sức khỏe trong ngày Tết - Ảnh 8

Ô mai không chỉ là một quà vặt mà nó còn là một loại thuốc trong Đông y.

Công dụng: Ô mai chữa ho, trừ đờm, hen suyễn, khó thở, phù thũng, hư nhiệt, phiền khát, tiêu chảy lâu ngày, lỵ ra máu, chân tay lạnh do giun gây nên. Còn dùng chữa giun (phối hợp với các vị thuốc khác), đặc biệt trong trường hợp giun chui ống mật. Ô mai chứa axit làm cho giun chui khỏi ống mật trở về ruột và bị tống ra. Ô mai còn dùng chữa tiểu ra máu, băng huyết, bụng đau do giun, nôn mửa, giun móc, da viêm, miệng khô.

Hạn chế: Hiện nay toàn bộ quy trình sản xuất ô mai, từ nguyên liệu đến cách chế biến đều khó đảm bảo chất lượng. Ô mai bẩn có chứa rất nhiều hóa chất phụ gia độc hại, đường hóa học, phẩm màu… là nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan nội tạng. Nếu bạn không thể đảm bảo số ô mai mà mình mua có thể hoàn tin tưởng được thì đừng hoặc hạn chế dùng.

Theo nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ