Các vết nứt không ảnh hưởng đến kết cấu, độ an toàn của hầm Hải Vân

GD&TĐ - Liên quan đến thông tin báo chí phản ánh xuất hiện 8 vết nứt kéo dài tại hầm đường bộ Hải Vân khiến tài xế đi qua khu vực hầm bất an, Tổng cục Đường bộ vừa yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra kỹ lưỡng vụ việc. 

Các vết nứt không ảnh hưởng đến kết cấu, độ an toàn của hầm Hải Vân
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cũng đã nhận định không ảnh hưởng đến kết cấu, độ an toàn của hầm.

Theo phản ánh thời gian gần đây tại hầm đường bộ Hải Vân xuất hiện các vết nứt kéo dài thành vệt khoảng 2km, rất rõ trên bề mặt hầm đang được Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả thi công mở rộng hầm Hải Vân 2.

Ngày 24/10, Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục đường bộ Việt Nam) có công văn đề nghị Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả kiểm tra các vết nứt trong hầm đường bộ Hải Vân, đoạn đầu hầm phía nam (nối Đà Nẵng - Thừa Thiên - Huế).

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ khẳng định, ngày 26/10, lãnh đạo Tổng cục sẽ trực tiếp vào hầm Hải Vân để kiểm tra và xem xét, đánh giá các vết nứt tại hiện trường.

Cũng trong ngày 24/10, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, các vết nứt này xuất hiện đã lâu, được đơn vị kiểm tra và chuyên gia đánh giá là không ảnh hưởng đến kết cấu, độ an toàn của hầm Hải Vân.

Ông Đỗ Văn Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả nhận định, việc quan trắc vết nứt này trong quá trình nổ mìn được diễn ra hàng ngày và liên tục trong quá trình nổ mìn đối với hầm Hải Vân 1. Các sóng xung kích truyền sang không ảnh hưởng đến kết cấu vỏ hầm. Xin khẳng định lại đấy là hiện tượng bong sơn Epoxy. Các vết nứt trên đang được kiểm soát và theo dõi một cách chặt chẽ bởi các chuyên gia hàng đầu và bà con yên tâm cho công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Theo ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả cho biết tháng 1/2016 công ty Đèo Cả nhận bàn giao hầm Hải Vân 1 từ Bộ GTVT.

Đến tháng 5/2016, công ty thực hiện khảo sát toàn bộ các vết nứt trong hầm (do Tư vấn Nippon Koei của Nhật Bản và Tư vấn Alpin Technik của Đức thực hiện bằng thiết bị quét tự động toàn bộ hầm) cho thấy trong hầm có một số vết nứt ở trạng thái bất lợi, cần sửa chữa để tránh rủi ro về an toàn kết cấu; trong đó, số lượng vết nứt nguy hiểm chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Các vết nứt đa số ở trạng thái chưa gây nguy hiểm trực tiếp cho kết cấu và người tham gia giao thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).