Các trường đặc thù: Loay hoay tìm giải pháp tự chủ

GD&TĐ - Thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 16), nhiều cơ sở giáo dục ĐH đã sắp xếp bộ máy, hoạt động theo mô hình tự chủ và bước đầu thành công, khởi sắc. Tuy nhiên với các trường đặc thù như văn hóa nghệ thuật (VHNT), tự chủ là một vấn đề nan giải.

Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội - nơi đã tự chủ 30%. Trong ảnh - SV Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội trong một chương trình nghệ thuật. Ảnh IT
Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội - nơi đã tự chủ 30%. Trong ảnh - SV Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội trong một chương trình nghệ thuật. Ảnh IT

Chưa có lộ trình nhưng đã bị cắt kinh phí

Theo Nghị định 16, quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, đến năm 2018 phải tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Thông tin từ bà Dương Minh Ánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội, dù chưa có cơ chế tự chủ đối với các cơ sở GDNN, nhưng một số địa phương đã yêu cầu trường tự chủ, dù chưa biết tự chủ như thế nào; đồng thời một số trường VHNT đã bị địa phương cắt kinh phí.

 Tuy tự chủ là vấn đề tất yếu nhưng các trường VHNT cần có lộ trình dài, cần nghiên cứu một cách khoa học làm sao để các trường tự chủ mà không gặp vướng mắc, và các trường tiếp tục được duy trì và phát triển.  
Hiệu trưởng Vũ Thị Tuyết Lan

Liên quan vấn đề này, bà Vũ Thị Tuyết Lan - Hiệu trưởng Trường CĐ VHNT Đà Nẵng, cho rằng, tự chủ là vấn đề nóng, cần được tính toán một cách khoa học. 

Theo bà Vũ Thị Tuyết Lan, vì là loại hình đào tạo đặc thù nên hiện các trường CĐ, TC VHNT gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Do đó, các trường VHNT cần có thời gian chuẩn bị, dần dần làm quen với việc tiến tới xã hội hóa...

Ở góc độ cơ quan quản lý VHNT, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông cho rằng, hiện một trường đào tạo năng khiếu, nghệ thuật có tới 3 Bộ quản lý (Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ VH-TT&DL). Vì thế, nếu không có cơ chế đặc thù đối với đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật sẽ không vực dậy được lĩnh vực này. Kéo theo đó là nguy cơ mất nguồn nhân lực và không bảo tồn được nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông phát biểu tại tọa đàm khối các trường VHNT do Trường CĐ VHNT TPHCM tổ chức. Ảnh: C.Chương
 Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông phát biểu tại tọa đàm khối các trường VHNT do Trường CĐ VHNT TPHCM tổ chức. Ảnh: C.Chương

Việc có nhiều cơ quan quản lý dễ dẫn đến chồng chéo về thực hiện chính sách và các quy định về quy trình, chương trình, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, đội ngũ giảng viên, giáo viên và chế độ làm việc, chế độ chính sách ưu đãi đối với giảng viên, học sinh, sinh viên; việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, vấn đề đăng ký hoạt động GDNN...

Mới đây tại một tọa đàm khối các trường VHNT do Trường CĐ VHNT TPHCM tổ chức, TS Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: “Việc sắp xếp, sáp nhập, tự chủ các trường VHNT, Nghị quyết ghi rất rõ, nhưng một số tỉnh chỉ nhắm đến năm 2020 giảm còn 1 trường công lập phục vụ mục đích chính trị cho địa phương.

Thế nhưng không hiểu mục tiêu là đến năm 2020 chúng ta giảm 10% các trường GDNN công lập, 10% chuyển sang tự chủ. Đồng thời đến năm 2025 tiếp tục giảm 10% và chuyển tiếp 20% các trường chuyển sang tự chủ. Hơn nữa, Nghị quyết cũng nêu nội dung tập trung đầu tư cho các trường chất lượng cao thì nhiều tỉnh không đọc hoặc không quan tâm đến nội dung này”.

Cần có định mức cho khối ngành VHNT?

Một số ý kiến cho rằng, để các trường VHNT tồn tại được cần có cơ chế đào tạo theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Tuy nhiên, việc đào tạo thông qua đặt hàng cũng chưa thực hiện được vì chưa có định mức cụ thể cho từng ngành. Việc xây dựng định mức cho khối ngành VHNT cũng rất khó.

Theo bà Dương Minh Ánh, hiện mỗi trường tùy tình hình địa phương xây dựng cơ chế định mức khác nhau, do đó làm sao tham mưu cho Chính phủ thống nhất đưa ra giải pháp cơ chế định mức chung cho toàn ngành, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu.

“Tổng cục GDNN đang xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho từng ngành, sau đó tính đến vấn đề đầu tư như thế nào, về trang thiết bị cơ sở vật chất cho các trường ra sao. Từ đó mới tính ra mức chi phí cho mỗi ngành nghề, HSSV đóng bao nhiêu và Nhà nước đặt hàng là bao? Nhưng, hiện có những địa phương dù chưa biết tính như thế nào nhưng cắt tiền các trường trước mà chưa cần hướng dẫn gì cả” - bà Dương Minh Ánh chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông, việc xây dựng định mức cho khối ngành VHNT là rất khó. Ví dụ đơn cử, hiện ngành âm nhạc có tới 60 chuyên ngành với 3 trình độ khác nhau thì phải làm 180 định mức về đào tạo khác nhau. Thế nhưng, từ trước tới nay chưa có một thông tư, chỉ thị nào của Bộ Tài chính quy định về xây dựng định mức này cả.

Bộ VH-TT&DL đã đưa việc xây dựng định mức đào tạo các ngành VHNT vào kế hoạch làm việc năm 2020. Việc này cần có một đề án lớn mới giải quyết được. Sau khi có định mức mới xây dựng kế hoạch đào tạo cho các trường, cho các chuyên ngành thì mới chuyển theo cơ chế đào tạo đặt hàng, từ đó đảm bảo kinh phí để các trường sống được.
                                                              Thứ trưởng Tạ Quang Đông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.