Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng để xây dựng được chất lượng đào tạo tốt, tiến dần đến việc xây dựng một trường đại học tốt, đạt chuẩn quốc tế, các trường đại học cần phải biết phát huy thế mạnh đào tạo, chuẩn hóa các ngành nghề có tính cạnh tranh cao trong tương lai mà mình đang có.
Theo Bộ trưởng, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các trường như hiện nay, đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường lao động, tránh bị bão hòa nguồn nhân lực, tránh sự thụt lùi… các trường đại học buộc phải nhanh chóng sàng lọc, lựa chọn lại các ngành nghề mà mình đang đào tạo.
Muốn phát triển, không cách nào khác các trường cần phải định hướng và xây dựng hướng đi riêng cho mình qua việc rà soát lại toàn bộ chương trình đào tạo, các ngành nghề đang đào tạo, làm sao để các chương trình đào tạo thuộc thế mạnh của mình sẽ không thể lẫn với trường khác. Trong đó đẩy mạnh việc đào tạo theo hướng gắn kết với các trường đại học danh tiếng trên thế giới là điều kiện tiên quyết nếu muốn hội nhập.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Để bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tôi nghĩ ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đẩy mạnh việc sàng lọc ngành nghề đào tạo, các trường nên đầu tư theo hướng chuyển giao công nghệ đào tạo toàn bộ, từ chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, phòng thí nghiệm... với các trường danh tiếng, có chất lượng đào tạo tốt trên bình diện quốc tế. Cứ như thế, từng chương trình một, chúng ta từ từ tiến đến việc đạt chuẩn và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đẩy mạnh đổi mới quản trị, việc đầu tư, nâng cao trình độ giảng viên cần phải được làm song hành. Đội ngũ giảng viên chính là chìa khóa cho sự thành công và đổi mới. Chúng ta có thể có một cơ sở vật chất tốt, có phương thức quản trị tốt nhưng đội ngũ giảng viên yếu, không đạt chuẩn thì cũng khó để đổi mới, nâng chất đào tạo, hướng đến hội nhập.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại lễ khởi công xây dựng cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phân tích: Đội ngũ chính là “điểm trũng” của giáo dục đại học trong việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo khi hiện nay đội ngũ giảng viên có trình độ Tiến sĩ trên cả nước mới chỉ đạt 19%. Chính vì thế, từng trường cần phải nhanh chóng nâng cao chất lượng đội ngũ. Thứ nhất, để phục vụ cho chính sự phát triển của mình. Thứ hai, giúp hệ thống giáo dục đại học sớm tiệm cận với sự phát triển của thế giới.
Giáo dục đào tạo nước ta nói chung, giáo dục đại học nói riêng nhiều năm qua đã có sự chuyển biến rất lớn. Tuy nhiên, so với nhu cầu và yêu cầu của thực tiễn thì còn phải cố gắng nữa. Đặc biệt là giáo dục đại học. Số lượng trường đại học, học viện của chúng ta hiện nay chưa phải là nhiều so với bình quân các nước trong khu vực. Chúng ta hiện có khoảng 271 trường đại học,học viện (60 trường ngoài công lập), bình quân sinh viên cũng chỉ ở mức 260 so với con số hơn 480.
Số trường đại học, học viện và số sinh viên bình quân trên tổng dân số nước ta là không cao. Nhưng có một thực tế phải thừa nhận chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn. Để giải quyết sự bất cập và nghịch lý này, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện rất nhiều giải pháp quyết liệt. Từ việc cho các trường đầy mạnh tự chủ từ đó kéo theo thay đổi về quản trị đại học.
Nhìn vào hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập nhiều năm qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá rất cao sự phát triển của Trường Đại học Văn Lang trong suốt chặng đường đã đi. Ấn tượng theo Bộ trưởng đến từ sự kiên định mục tiêu chất lượng, quy mô đào tạo không “phình” ra quá nhanh (chạy theo số lượng) ở các bậc học (từ TC, CĐ đến ĐH) mà HĐQT, Ban Giám hiệu nhà trường quyết liệt theo đuổi ngay từ khi thành lập trường.
Bộ trưởng cho rằng Trường Đại học Văn Lang (1 trong 3 trường tư thục đầu tiên trên cả nước) thật sự là một “điểm sáng” của mô hình đại học ngoài công lập khi trường không chỉ vượt qua được những thách thức, khó khăn để đi đến được sự ổn định, phát triển vượt bậc như ngày hôm nay, mà những điều nhà trường thể hiện đã mang lại sự tin tưởng cho phụ huynh, học sinh và xã hội.
Bộ trưởng tin tưởng với hướng đi chắc chắn, định hướng đúng đắn, cùng sự khởi đầu mới cho một giai đoạn mới (khởi công xây dựng cơ sở 3, theo mô hình đại học xuất sắc) Trường Đại học Văn Lang sẽ phát triển vững chắc, bắt nhịp đà phát triển của thế giới, xây dựng và đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, được thị trường lao động đón nhận.