Các tổ chức không định giá sách giáo khoa cao hơn mức giá Bộ GD&ĐT quy định

GD&TĐ - Theo Luật Giá, Bộ GD&ĐT quy định giá tối đa sách giáo khoa. Các tổ chức kinh doanh không định giá cao hơn mức giá do Bộ GD&ĐT quy định.

Học sinh tại Hà Nội tới tham quan triển lãm sách giáo khoa.
Học sinh tại Hà Nội tới tham quan triển lãm sách giáo khoa.

Bộ GD&ĐT hướng dẫn phương pháp định giá sách giáo khoa

Ngày 20/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP (Nghị quyết 32) về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết 686).

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất bản, phát hành để giảm giá sách giáo khoa. Khi kết thúc năm học 2024 – 2025, tiến hành tổng kết đánh giá việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ông Trần Thanh Đạm - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 686, Bộ đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, cụ thể hóa các quy định trong Nghị quyết này để xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 32.

Nghị quyết số 32 thể hiện đầy đủ, toàn diện các nghĩa vụ mà Nghị quyết 686 đề ra; trong đó cụ thể hóa trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Với quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 686.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32 là một trong những nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 686.

Nghị quyết 686 được xây dựng trên kết quả giám sát về quá trình triển khai, kết quả thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong đó, có nhiều vấn đề đặt ra như: nhiệm vụ giải pháp liên quan đến vấn đề thể chế, chính sách, công tác quản lý, điều kiện bảo đảm và cũng liên quan tới nhiều bộ ngành, cơ quan trung ương, địa phương. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, phù hợp với những vấn đề mà Nghị quyết 686 đặt ra, chắc chắn quy trình xây dựng kế hoạch mất khá nhiều thời gian.

Gia SGK..... (2).jpg
Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Luật Giá năm 2023 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024. Theo luật này, sách giáo khoa các cấp thuộc loại hàng hóa do Nhà nước định giá. Thẩm quyền định giá sách giáo khoa thuộc Bộ GD&ĐT với hình thức định giá là định giá tối đa. Theo đó, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán sách giáo khoa các cấp cao hơn mức giá do Bộ GD&ĐT quy định.

3 nhóm nhiệm vụ chính

Đánh giá cao việc triển khai Nghị quyết 686, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, nội dung, kế hoạch tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính:

Thứ nhất, là hoàn thiện thể chế chính sách;

Thứ hai, là nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước;

Thứ ba, là tăng cường các điều kiện bảo đảm.

3 nhóm nhiệm vụ này được Chính phủ xác định rõ nội dung hoạt động. Nhiệm vụ của các bộ ngành liên quan cũng được phân công phân công rõ ràng. Với kế hoạch đầy đủ, cụ thể, bám sát chức năng nhiệm vụ, sẽ là yếu tố quan trọng để các cơ quan liên quan, các bộ ngành trung ương, địa phương có thể triển khai.

Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng của quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

giasachgiaokhoa.jpg
Thẩm quyền định giá sách giáo khoa thuộc Bộ GD&ĐT với hình thức định giá là định giá tối đa.

Đồng tình với phân tích của bà Nguyễn Thị Mai Hoa, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT đứng ra biên soạn một bộ sách bằng ngân sách, sau đó miễn tiền bản quyền và toàn bộ chi phí (từ xây dựng cho đến thử nghiệm, thẩm định), chỉ in sách rồi bán.

Như vậy, toàn bộ quá trình sản xuất ban đầu không mất tiền, nên giá sách sẽ giảm. Bởi 5 đầu mục cấu thành giá sách giáo khoa, bây giờ bỏ hẳn một đầu mục, giá sách chắc chắn phải giảm giá sách.

Bên cạnh đó, thị phần của bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT biên soạn sẽ lớn. GS.TS Hoàng Văn Cường phân tích, dù chúng ta không áp đặt việc chọn sách giáo khoa nhưng trong tâm lý của đa số phụ huynh, học sinh, sách của Nhà nước sẽ có độ tin cậy cao hơn.

Vì thế, thị phần của bộ sách này sẽ cao; chi phí in ấn, phát hành càng thấp. Hai yếu tố này khiến giá thành sách càng giảm. Do đó, bộ sách này sẽ có mức giá rất thấp.

Dù đạt được mục tiêu là có được bộ sách giá thấp để cung cấp đến cho người học nhưng sẽ có sự cạnh tranh. “Cùng nội dung, in ấn như nhau, một bên bán 20.000 đồng, một bên bán 10.000 đồng thì đương nhiên người dân sẽ chọn quyển 10.000 đồng” - GS.TS Hoàng Văn Cường dẫn giải và nhận định, chưa biết sách của đơn vị tư nhân xuất bản có tốt hơn của Nhà nước hay không, nhưng thấy bộ sách của Nhà nước giá thấp hơn, chắc chắn mọi người sẽ lựa chọn bộ sách đó.

Với xu hướng như vậy, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách e ngại, liệu một thời gian nữa, những bộ sách xã hội hóa có cạnh tranh nổi hay không? Danh tiếng, thương hiệu không bằng, giá lại cao hơn, vậy cạnh tranh làm sao nổi?

Các ý kiến được biên tập, lược trích tại Tọa đàm “Định giá để kiểm soát giá sách giáo khoa như thế nào?” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ