Những mùa xuân xa nhà
Nhà báo Nguyễn Thế Lượng kể: Từ đỉnh Sài Khao, Pha Đén, Hua Pù, Con Dao, Suối Tút, Pù Đứa, Pù Quăn hay Tà Kóm của huyện biên giới Mường Lát... Rồi những bản người Mông xa xôi, hẻo lánh, như: Mùa Xuân, Xía Nọi, Ché Lầu ở huyện vùng biên Quan Sơn (Thanh Hóa), ở đâu tôi cũng bắt gặp những thầy, cô giáo cắm bản.
Có những thầy, cô giáo rời bỏ gia đình, rời bỏ cuộc sống nơi đô thị để tình nguyện đến với các em nhỏ ở vùng xa xôi, hẻo lánh. Cũng không ít thầy, cô giáo là người vùng biển đã tình nguyện lên vùng biên giới Việt - Lào để “gieo chữ” trên đại ngàn cho hàng vạn trẻ thơ từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, giờ đây vẫn chưa thể “hồi hương”.
Thầy Hoàng Sỹ Xuân, ở xã Quảng Tâm, huyện Quảng Xương, (nay là TP Thanh Hóa), lên Mường Lát nhận công tác từ năm 1997. Giờ đây, thầy đang công tác tại Trường PTDT bán trú – THCS Mường Lý (cách nhà 230 km).
Nghe thầy Xuân kể chuyện, ngày lên Mường Lát nhận công tác, thầy không nghĩ mình có thể ở trên vùng khó khăn này lâu như vậy. Bởi lẽ, ngày ấy người ta bảo, mỗi giáo viên nam lên vùng khó khăn, xa xôi nhất của tỉnh cũng chỉ dăm năm thôi, còn giáo viên nữ chỉ đi “nghĩa vụ” vài ba năm rồi trở về. Thế nhưng, qua 24 năm, thầy Xuân vẫn chưa thể chuyển về xuôi.
“Nhiều lúc muốn xin về xuôi để được gần vợ con, có điều kiện chăm sóc mẹ già, nhưng không thể. Bây giờ, ý định xin chuyển về xuôi cũng không còn đau đáu như trước nữa. Bởi lẽ, kể cả về xuôi được cũng chẳng biết sẽ làm gì, ở đơn vị nào, vì cơ hội đến với mỗi người không được như mong muốn.
Mỗi khi nghĩ đến vấn đề này, những người công tác lâu năm như chúng tôi lại xác định bao nhiêu năm qua khó khăn, vất vả như vậy mình còn vượt qua. Đến bây giờ, cũng chỉ còn vài năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu, nên tự động viên mình hãy cố gắng mà thôi” - thầy Xuân kể.
Còn thầy Nguyễn Văn Giang, quê ở tận vùng ven biên Nga Sơn, lên nhận công tác ở Mường Lát từ năm 1990. Hơn 30 năm công tác ở vùng khó, giờ đây thầy đã coi Mường Lát là quê hương thứ 2 của mình.
Thầy Giang bảo rằng: “Ngày chúng tôi lên đường nhận công tác, ai cũng tự hứa sẽ cố gắng hết mình để đem cái chữ cho lũ trẻ. Ai cũng hy vọng, sau khi hết thời gian “nghĩa vụ” được về vùng thuận lợi công tác. Thế nhưng, thực tế không như vậy. Sau nhiều lần viết đơn xin về xuôi, nhưng không nhận được hồi âm từ phía cơ quan chức năng, nên đã từ bỏ ý định”.
Quê thầy Giang ở huyện ven biển Nga Sơn, cách trung tâm Mường Lát hơn 300 km. “Ngày ấy, chúng tôi lên đây khổ sở và vất vả lắm. Có những chuyến về thăm gia đình, phải mất 2 ngày mới tới nhà. Đến lúc trở lại trường, có lần phải đi bộ cả ngày đường, vì xe khách không thể chạy được do mưa lũ. Không có sóng điện thoại, không liên lạc được với gia đình, nên mỗi khi về thăm nhà, bố mẹ, người thân lại khóc sướt mướt vì thương nhớ”, thầy Giang kể.
Còn cô Mai Thị Lâm, ở xã Nga Thạch, huyện ven biển Nga Sơn đã có thời gian công tác tại vùng biên giới Mường Lát gần 20 năm. Cô Lâm đã gửi trọn tuổi thanh xuân của mình cho núi rừng, để dìu dắt bao thế hệ học trò nơi đây. Nhiều lúc quá khó khăn, cô Lâm cũng đã có ý định buông bỏ.
Nhưng rồi, chứng kiến cảnh con em đồng bào ở đây có nhiều trẻ thất học, lòng yêu nghề của cô giáo Lâm đã thắng tất cả những nỗi tủi hờn, khó khăn, vất vả, gian truân... Trải qua bao năm, những giọt nước mắt của cô Lâm cứ thế thấm vào... đá núi. “Tôi chỉ mong người thân trong gia đình luôn mạnh khỏe và thông cảm để mình an tâm công tác. Những vất vả về tinh thần, vật chất mình quen rồi, gắn bó được ở đây vì yêu nghề thôi”, cô Lâm chia sẻ.
Khi được gặp những thầy, cô giáo đã không quản ngại khó khăn, gian truân, vất vả để đem trí thức đến cho các thế hệ học trò ở vùng xa xôi, hẻo lánh, để rồi gửi lại tuổi thanh xuân của mình với núi rừng ấy, nhà báo Nguyễn Thế Lượng đã thực sự xúc động.
Mà không chỉ xúc động, anh cũng còn khâm phục họ bởi, đức tính hy sinh cao cả, lòng tình thương đối với trẻ em vùng khó khăn và lòng yêu nghề. Nhiều người đã dành trọn cuộc đời của mình để cống hiến cho sự nghiệp Giáo dục vùng cao, xa xôi, khó khăn và hẻo lánh...
Và có lẽ, lý do trên và nhiều lý do khác nữa, nhóm tác giả đã quyết định chọn đề tài “Luân chuyển giáo viên: Đằng đẵng đợi ngày về”, để tham dự cuộc thi “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2021.
“Sân chơi” để nhà báo gửi gắm thực tế, nỗi niềm nhà giáo
Nhà báo Nguyễn Thế Lượng chia sẻ: Khi loạt bài Luân chuyển giáo viên của chúng tôi được lọt vào vòng chung khảo của cuộc thi, đã được Ban giám khảo đánh giá là đề tài có chất lượng. Có thể nói, cuộc thi “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” là “sân chơi” dành cho các phóng viên cả nước, đặc biệt là những phóng viên phụ trách mảng Giáo dục.
Được tham gia cuộc thi này, cũng là cơ hội để các những người làm báo như chúng tôi thể hiện tình yêu báo chí, có trách nhiệm với ngành Giáo dục nước nhà.
Điều vui đáng trân quý nhất là giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” đã quy tụ được nhiều tác giả, các tác phẩm xuất sắc về lĩnh vực giáo dục. Các tác phẩm tham gia cuộc thi này đã truyền tải được những thông điệp vô cùng ý nghĩa trong lĩnh vực Giáo dục nước nhà. Qua đó vinh danh những cá nhân, tấm gương điển hình tiên tiến, tâm huyết đang tiếp tục cống hiến cho ngành Giáo dục Việt Nam.
Từ thực tế trong lĩnh vực Giáo dục hiện nay, chúng tôi mong muốn Nhà nước cần có giải pháp, chính sách ưu việt hơn dành cho giáo viên và ngành Giáo dục. Trong đó, cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của những giáo viên vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo.
Từ thực tế được chứng kiến, ghi nhận, nhà báo Nguyễn Thế Lượng trăn trở: Tôi thấy, ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay, nhiều địa phương như: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân... những huyện miền núi đang còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cuộc sống của giáo viên ở những vùng khó khăn ấy vẫn chưa thực sự được quan tâm về chế độ ưu đãi phụ cấp.
Hàng vạn giáo viên ở huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh... bị ảnh hưởng do sự điều chỉnh chế độ phụ cấp bởi Quyết định 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021, khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn; hoặc, quy định về việc thăng hạng viên chức đối với giáo viên, đã ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống của những người đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của nước nhà.
Có thể nói, loạt bài “Luân chuyển giáo viên” của nhóm tác giả đã mang lại nhiều thông tin, thực tế đáng chú ý để những Bộ, ban ngành, địa phương… hiểu thêm thực tế và có những quyết sách phù hợp cho đội ngũ giáo viên tại Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.