Hội thảo do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán chủ trì, có sự tham gia của các nhà quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu, các học giả nổi tiếng trong và ngoài nước đến từ 18 quốc gia trên thế giới, cùng các nhà quản lý và giáo viên khắp 63 tỉnh, thành.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội thảo. Chúng ta đang chứng kiến những đột phá đáng kinh ngạc của AI trong thời gian gần đây. Là những người làm giáo dục, chúng ta đều thấy cần phải nghĩ, phải hiểu và phải làm những việc cần thiết khi AI đang lan toả rất nhanh vào giáo dục.
Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 theo Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thực hiện các nhiệm vụ về Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo. |
Thứ trưởng cho rằng, AI trong giáo dục lúc này phải được đẩy lên nhanh hơn và mạnh hơn khi từ hơn một năm qua AI tạo sinh (generative AI) đã phát triển được những sản phẩm gây chấn động, có khả năng tạo ra những nội dung mới dưới dạng văn bản, hình ảnh, âm thanh … do học từ dữ liệu. AI đang dần len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, và giáo dục cũng không ngoại lệ.
AI mang đến cho chúng ta những cơ hội to lớn để đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo và tạo ra môi trường học tập hiệu quả hơn cho tất cả mọi người. Ví dụ như đó là cá nhân hóa việc học tập, như AI có thể điều chỉnh chương trình học và bài tập theo nhu cầu và khả năng của từng người học, từ đó phát huy tốt nhất năng lực của từng người học.
Đó là việc hỗ trợ giáo viên, như AI có thể giúp giáo viên chuẩn bị bài giảng và đánh giá học sinh. Đó là việc mở rộng quyền truy cập vào giáo dục, như AI có thể giúp mọi người ở mọi nơi truy cập vào giáo dục chất lượng cao. Đó là việc phát triển năng lực con người, như AI giúp học sinh phát triển tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và tính sáng tạo…
Các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự Hội thảo. |
Các nhà quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu, các học giả trong và ngoài nước đến từ 18 quốc gia trên thế giới, cùng các nhà quản lý và giáo viên khắp 63 tỉnh, thành của cả nước cùng thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đến tương lai của giáo dục. Đồng thời, đưa ra những giải pháp thiết yếu nhằm phát huy tính hiệu quả và giảm thiểu những tác động tiêu cực của trí tuệ nhân tạo đối với giáo dục.
Những phiên thảo luận cũng chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục tại Việt Nam và các nước: Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Philippines, Latvia, Azerbaijan, Bulgaria, Bangladesh… Cụ thể là ứng dụng nền tảng Khan Academy vào giảng dạy và học tập tại Việt Nam và các nước, từ đó đúc rút bài học kinh nghiệm then chốt với mục tiêu nâng cao chất lượng chuyển đổi số trong giáo dục tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đơn vị tổ chức cũng đưa ra tầm nhìn chiến lược và những hoạt động thiết yếu để đồng hành, hỗ trợ nhà trường, giáo viên khắp 63 tỉnh, thành trong việc ứng dụng nền tảng học tập trực tuyến Khan Academy vào trong hoạt động giáo dục một cách hiệu quả, thiết thực.