Các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới khảo sát cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng

GD&TĐ - Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho hay, các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới đã đến khảo sát cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng.

“Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” với mục tiêu quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
“Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” với mục tiêu quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Ngày 30/8, TP Đà Nẵng tổ chức sự kiện Ngày "Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024".

Sự kiện được tổ chức với mục tiêu quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư, tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Sự kiện bao gồm 2 phiên chính: Hội nghị Xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn Đà Nẵng và Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng.

Phát biểu tại chương trình, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp quan trọng có giá trị cao và đóng vai trò trung tâm trong cuộc cách mạng công nghệ hiện đại. Trong 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã có những bước phát triển vượt bậc, dự báo mang lại doanh thu 620 tỷ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam trong bối cảnh tái định vị chuỗi giá trị ngành bán dẫn sau đại dịch Covid-19 đã và đang có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị tỷ đô này.

8ac8ca08ee72492c1063.jpg

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng nằm ở vị trí trung tâm của cả nước và khu vực, có quan hệ ngoại giao và kinh tế với hầu hết các quốc gia là cường quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn, nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản cùng với sự ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và giao thông thuận lợi, đặc biệt là được sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ và sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong tạo lập hành lang pháp lý và cơ chế ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc thù phát triển ngành vi mạch bán dẫn.

Những lợi thế này đã tạo thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước với trọng tâm là vi mạch bán dẫn, như mục tiêu đề ra.

Từ cuối năm 2023 đến nay, Đà Nẵng đã nhanh chóng đón bắt thời cơ để tiếp cận nhà đầu tư, quảng bá môi trường và cơ hội đầu tư cũng như triển khai đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán, bước đầu đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng vi mạch bán dẫn trong nước và thế giới.

Các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell đã có mặt tại Đà Nẵng. Nvidia, Qualcom, Intel... đã đến khảo sát cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng và đang có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố.

Tập đoàn Foxlink - một trong các doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã đầu tư vào thành phố 135 triệu USD và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới.

88e2ae8389f92ea777e8.jpg
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) thông tin về ngành đào tạo vi mạch bán dẫn.

Ông Lê Trung Chinh cũng thông tin, trong bối cảnh chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn thế giới đã được định hình, việc tham gia vào chuỗi giá trị này sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng cũng tràn đầy cơ hội.

"Đặt mục tiêu “đi đầu, đi nhanh” trong phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam để đón sóng đầu tư, Đà Nẵng rất mong chờ những đóng góp quý báu của nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước trong công tác quy hoạch và định hướng phát triển ngành vi mạch bán dẫn, từ đó thiết lập môi trường đầu tư thông thoáng với cơ chế hỗ trợ và chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp, tạo cơ hội đầu tư nhanh và hiệu quả cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này", ông Chinh khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ