Các anh về, trời vẫn nặng mưa, lời hứa còn dang dở

GD&TĐ - Bốn liệt sĩ trong đoàn công tác là người con của Nghệ An hi sinh ở Rào Trăng 3, cuối cùng các anh cũng được đưa về đến quê nhà. Trời mưa tầm tã. Gương mặt người thân nhòa nước mắt, dáng liêu xiêu...

Người thân cạn nước mắt tiếc thương.
Người thân cạn nước mắt tiếc thương.

Các anh về, linh cữu lặng im phủ cờ Tổ quốc. Lời hứa với gia đình mãi mãi không thành. Nhiệm vụ còn dang dở, đành để lại cho đồng đội thay các anh thực hiện. 

Lời hứa với gia đình mãi không thành

Tại nghĩa trang TP Vinh (Nghệ An), Lễ an táng liệt sĩ người Nghệ An hi sinh ở Rào Trăng 3 được tổ chức chung cho 3 liệt sĩ: Đại tá Lê Tất Thắng, Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường, Đại úy Đinh Văn Trung. Khi gia đình lên thắp nén hương lần cuối trước khi di quan, chị Lê Thị Anh (vợ liệt sĩ Đinh Văn Trung) trao con gái mới 11 tháng tuổi cho người nhà, liêu xiêu bước lên làm lễ. Con gái thấy mẹ đi mất, khóc váng. Tiếng khóc tìm mẹ của đứa trẻ khiến mọi người xung quanh thắt lòng, đau nhói.

“Trung lấy vợ muộn, con trai đầu mới 4 tuổi, còn bé sau chưa đầy 1 tuổi. Anh ấy sống tình cảm lắm, mỗi lần về nhà đều bế con đi chơi khắp xóm. Mới hôm trước, Trung còn tập xe đạp cho con trai đi ngang qua nhà tôi. Thằng bé đi chưa vững, anh nói để hôm nào bố đi công tác về sẽ tập tiếp, vậy mà giờ người đã không còn nữa...”, hàng xóm liệt sĩ Trung không cầm được nước mắt nói.

Trong lễ tang, cháu bé 4 tuổi ngoan ngoãn ngồi yên với chiếc kẹo mút và gói bim bim trong tay. Đồng đội rước di ảnh và hài cốt liệt sĩ Trung đi qua, người bác vội bế cháu đứng dậy, chỉ cho cháu nhìn bố lần cuối. Nhưng cháu bé vẫn không hiểu gì, ngơ ngác ngoảnh mặt đi nơi khác.

Gia đình liệt sĩ - Đại úy Đinh Văn Trung (Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4) ở phường Bến Thủy, TP Vinh. Không may mất mẹ khi còn nhỏ, nhưng bù lại, người mẹ kế thương yêu, chăm sóc anh hết mực. Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh không ra ở riêng mà cùng chung sống để phụng dưỡng bố mẹ. Kể từ khi có thêm 2 con nhỏ, ngôi nhà 3 thế hệ tràn ngập hạnh phúc giản dị. Nhưng trận lũ, sạt lở đất ở trạm 67 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) không chỉ làm 13 cán bộ, chiến sĩ hi sinh, mà còn lấy đi chỗ dựa của bao người vợ, cha mẹ già và những đứa trẻ còn chưa kịp hiểu hết nỗi tang thương.

Đứa trẻ mong bóng cha về.
Đứa trẻ mong bóng cha về.

Ông Đinh Văn Đống - bố của Thượng úy Đinh Văn Trung bị bệnh tim, sức khỏe yếu, trước cú sốc mất con trai đã không chịu đựng nổi. Mọi người phải túc trực bên cạnh, đề phòng chuyện bất trắc xảy ra. Ông xót xa nói: “Hôm đầu tiên vào Huế nó còn gọi Zalo về nói chuyện với cả nhà. Rồi dặn đợi nó về sẽ tổ chức sinh nhật cho bé Linh...”. Sinh nhật đầu tiên của con gái, anh đã không kịp về, lời hứa mãi mãi không thành hiện thực.

Liệt sĩ - Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường (trú tại xã Nghi Liên, TP Vinh) hi sinh khi mới 30 tuổi. Anh mới cưới vợ cách đây 10 tháng, vẫn chưa kịp có con. Sau mấy ngày chờ tin, rồi theo vào Huế đưa chồng về đến nhà, người vợ trẻ kiệt sức, không còn đứng vững. Chị thẫn thờ, rồi thảng thốt nhìn đồng đội đưa chồng đi trong lễ an táng. Người chồng thương yêu vợ, tưởng chừng là chỗ dựa vững chắc suốt đời của chị, nay chỉ còn là di ảnh.

Ông Nguyễn Kim Anh (bố liệt sĩ Cường) đừng lặng trước linh cữu con trai phủ cờ Tổ quốc. Đầu bạc tiễn tóc xanh, ông không còn khóc được nữa. Những ngày qua, ông đã phải cố gắng gượng, vững vàng làm chỗ dựa cho cả gia đình, quán xuyến, lo liệu việc nhà. Gương mặt người cha già thêm nếp nhăn in hằn, đôi mắt trũng sâu, tay run run thắp cho con trai út nén hương... Đến hôm nay, ông mới được gặp con, đón con trở về.

“Trước khi đi vào Huế làm nhiệm vụ cứu nạn, nó không kịp gặp vợ vì vợ đi học ngoài Hà Nội. Vợ chồng lấy nhau mãi chưa có con, đợt vừa rồi đi khám, lấy về 4 – 5 triệu tiền thuốc, vẫn chưa kịp uống thang nào”, bố liệt sĩ Nguyễn Cảnh Cường xót xa.

Chuyến công tác cuối cùng, nhiệm vụ còn dang dở

Đồng đội tiễn các anh trong mưa bão miền Trung.
Đồng đội tiễn các anh trong mưa bão miền Trung.

Ông Lê Văn Thanh (68 tuổi) bố liệt sĩ, Đại tá Lê Tất Thắng – từng là một người lính trở về từ chiến trường miền Nam. Ông đã đi qua chiến tranh và trở về. Nhưng con trai ông, người nối nghiệp bố và bác, trong cuộc chiến chống thiên tai, bão lụt đã vĩnh viễn ra đi giữa rừng Trường Sơn. Người cha ấy ngồi như hóa đá, kể về chuyến công tác đột xuất của con trai: “Cuối tuần trước, Thắng được nghỉ phép về thăm nhà. Hôm Chủ nhật (ngày 11/10), khi cả gia đình chuẩn bị cơm trưa, thì có người ở đơn vị Thắng đến, báo có việc gấp. Vậy là nó không kịp ăn, vội thay quân phục rồi đi. Khi ấy, tôiđang dở việc sau vườn, hai đứa cháu Lê Quyết Tiến (lớp 10) và Lê Minh Hằng (lớp 2) cũng không kịp chào bố”.

Chiều hôm ấy, khi đã vào đền Huế, anh Thắng mới gọi về thông báo cho gia đình đang theo đoàn công tác làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn đồng bào lũ lụt. Khi nào hoàn thành nhiệm vụ sẽ trở về. Nhưng tin tức 13 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn ở gần thủy điện Rào Trăng 3, khiến mọi người bàng hoàng. Cố hi vọng vào một phép màu, rằng anh và các đồng đội chỉ bị mất liên lạc, đã tìm được nơi nào đó tránh trú. Nhưng khi từng thi thể lần lượt được tìm thấy dưới hàng nghìn khối đất đá sạt lở, thì hi vọng vụt tắt. Chuyến công tác gấp rút giữa trưa ngày cuối tuần trở thành nhiệm vụ cuối cùng và mãi không hoàn thành của người sĩ quan quân đội.

Trong đó 4 sĩ quan người Nghệ An, Trung tá Nguyễn Tiến Dũng được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Nghi Lộc. Vợ của anh là chị Lê Thị Bích Hằng - GV Trường THCS Thịnh Trường (huyện Nghi Lộc). Là vợ lính thời bình, nhưng chị không có thời gian gần chồng, vì anh đi công tác, học tập liên tục. Ở nhà, chị cố gắng hoàn thành nhiệm vụ ở trường, chăm sóc con gái, lo toan việc nhà để anh yên tâm làm nhiệm vụ. Trước ngày đi công tác, anh bàn với vợ, cuối năm sẽ sửa lại căn nhà cấp 4 vì xây lâu ngày, trần nhà đã bị thấm, ẩm ướt. Anh cũng hứa với con gái nếu học giỏi, kết quả tốt thì cuối năm bố sẽ thưởng. Nhưng tất cả lời hứa ấy giờ chỉ còn là nỗi đau day dứt.

Ngày nhận tin dữ, hai mẹ con chị Hằng vào Huế nhìn mặt anh lần cuối. Anh hi sinh khi vào vùng lũ làm nhiệm vụ. Giờ đây, vợ con lại vượt lũ, đưa anh trở về quê nhà. Khi nhìn thấy họ hàng, người thân, đồng đội của chồng, mọi sức lực gắng gượng của người vợ cũng cạn kiệt. Chị ngã quỵ trước ngôi nhà cấp 4 của mình, nơi đáng ra đón đợi anh về trong niềm vui đoàn tụ, thì thay vào đó lại là lễ tang.

Những ngày qua, Trung tướng Võ Văn Việt - nguyên Chính ủy Quân khu 4 cũng liên tục có mặt tại nhà Trung tá Dũng, hỗ trợ gia đình, Lữ đoàn Thông tin 80 chuẩn bị đại sự cuối cùng cho cán bộ cấp dưới.

Vị tướng về hưu cho biết: “Dũng là một sĩ quan được đào tạo rất cơ bản, phát triển từ cán bộ trung đội, cán bộ đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn... Liên tục 10 năm liền đồng chí được công nhận là chiến sĩ thi đua từ cấp cơ sở đến toàn quân. Là sĩ quan có năng lực giỏi, Dũng được cấp trên cử đi đào tạo tại Cộng hòa Liên bang Nga 2 năm. Hoàn thành chương trình học với tấm bằng xuất sắc, Dũng về nước được bổ nhiệm Phó Trưởng phòng tác chiến Quân khu 4 tháng trước. Sự hi sinh của đồng chí không chỉ là nỗi đau của gia đình, mà còn là mất mát, tổn thất lớn đối với Quân khu IV”.

Dù trời mưa không ngớt, bà con, người dân vẫn đến đứng kín hai bên đường để tiễn đưa liệt sĩ, Trung tá Nguyễn Tiến Dũng về với đất mẹ. “Anh ấy đi học ở Nga 2 năm, gia đình mới đoàn tụ được thời gian ngắn thì giờ âm dương cách biệt. Hôm trước cô Hằng còn tâm sự đợt này anh về, sẽ đi khám để có cháu thứ 2...”, người hàng xóm ngậm ngùi xót thương.

Các anh đã về với đất mẹ, lời hứa trở về với gia đình, đã mãi mãi nằm lại nơi Rào Trăng 3. Miền Trung vẫn chìm trong lũ, chuyến công tác cuối cùng dang dở, đồng đội sẽ thay các anh, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ với nhân dân, đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.