Indonesia hôm qua ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất với 20.574 ca mới, đưa tổng số ca mắc lên 2.053.995 ca. Tổng số ca tử vong đã lên tới 55.949 ca, gồm 355 ca mới – theo số liệu từ Bộ Y tế nước này.
Là nơi có số ca mắc và tử vong cao nhất châu Á, Indonesia hiện đang trải qua làn sóng lây nhiễm sau kỳ lễ Idul Fitri do mọi người trở về quê và đến các điểm du lịch.
Indonesia hôm qua báo cáo 9.201 ca hồi phục, đưa tổng số người khỏi bệnh lên 1.826.504 ca. Tổng thống Joko Widodo đã nhắm mục tiêu 7,5 triệu trong số 10,5 triệu người ở thủ đô Jakarta được tiêm vắc xin vào cuối tháng 8.
Thái Lan báo cáo 4.108 ca mới – cao nhất trong tháng này và thêm 31 ca tử vong mới. Hiện tổng số ca mắc Covid-19 ở Thái Lan lên tới 232.647 ca, trong đó hơn 85% số ca mắc xảy ra trong đợt bùng phát thứ 3 kể từ đầu tháng 4.
Tại Nepal, các lớp học trực tuyến do dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã khiến nhu cầu nhập khẩu điện thoại di động tăng vọt – theo dữ liệu từ Bộ Hải quan nước này.
Trong khi đó Bộ Y tế Lào đã lên kế hoạch tiêm chủng cho 80% dân số thủ đô Vientiane vào cuối năm nay để tạo miễn dịch cộng đồng và phá vỡ chuỗi lây nhiễm Covid-19. Trên toàn quốc, các nhà chức trách đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho 50% dân số trong cùng thời kỳ.
Campuchia hôm qua có thêm 655 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc lên 45.366 ca – Bộ Y tế cho biết. Các ca mắc mới bao gồm 538 ca trong nước và 72 ca từ nước ngoài về.
Philippines báo cáo 6.043 ca mắc Covid-19 mới hôm qua, nâng tổng số ca mắc lên 1.378.260 ca. Số ca tử vong do đại dịch ở Philippines là 24.036 ca, gồm 108 ca mới. Trung Quốc đã chuyển giao thêm một số lô vắc xin Sinovac CoronaVac cho Philippines.
Theo hãng tin Washington Post, một số quốc gia dựa vào vắc xin Trung Quốc đang chứng kiến đợt bùng phát dịch trở lại.
Quốc đảo Seychelles ở Đông Phi dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng, 73% dân số ở đây được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Sinopharm và 69% được tiêm đầy đủ 2 liều – theo thống kê của hãng tin Bloomberg. Tuy nhiên, số ca mắc mới trên đảo quốc này tăng gấp 2 lần trong nửa đầu tháng 5 với hơn 4.000 ca mới trong tuần thứ 2 của tháng 5.
Tại Bahrain, hơn 70% dân số được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, và 61% dân số đã được tiêm đầy đủ. Số liều vắc xin Sinopharm chiếm hơn 60% số vắc xin được tiêm ở đây. Bahrain đang đối mặt với đợt bùng phát dịch vào tháng trước với khoảng 3.300 ca mắc vào ngày 29/5.
Tại Mông Cổ, 57% người dân nhận được ít nhất 1 liều vắc xin và 50% dân đã được tiêm đầy đủ. Vắc xin chủ yếu được sử dụng ở đây là Sinopharm của Trung Quốc. Trong 2 tuần qua, số ca mắc mới đã tăng lên tới 95%.
Theo WHO, vắc xin Sinova có hiệu quả 51%, vắc xin Sinopharm có hiệu quả cao hơn với tỷ lệ 78%. Trong khi đó vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna hiệu quả lần lượt là 95% và 94,1% - Washington Post cho hay.