Lâu dần, sự im lặng chế ngự trong căn nhà bạn. Bố mẹ mải trôi theo news feed trên điện thoại, con mải gào ầm lên với lũ bạn khi đang chơi game, trong phòng riêng của nó.
Đến giờ ăn cơm, thậm chí mỗi người một máy giải quyết nốt vấn đề mình đang theo đuổi. Và rồi một ngày bạn nhận ra, con mình cô đơn, trầm cảm dù hằng ngày vẫn sống cạnh mình!
Mới đây, ca sĩ Tóc Tiên đã dành hơn một giờ đồng hồ chia sẻ về quãng đời 6 năm ở Mỹ, mà theo cách nói của nữ ca sĩ này, đó là quãng đời dậy thì thực sự.
Nhắc đến nữ ca sĩ Tóc Tiên, người ta nhắc tới một nữ ca sĩ sexy, nóng bỏng, tràn đầy năng lượng với những bài hát và điệu nhảy bốc lửa.
"Dưới 25 tuổi, bạn không thể nào trưởng thành và chín chắn hoàn toàn, bạn có rất nhiều sự cứng đầu, bướng bỉnh. Có lúc tôi nghĩ hay mình chiều ý mẹ, nghe theo ý mẹ. Nhưng mình chiều 1 lần sẽ có lần 2. Lúc đó còn khắt khe, ngột ngạt hơn nữa.
Không phải đơn giản là học y khoa nữa, mà nhiều vấn đề trong đó. Có thể nguyên nhân dẫn tới trầm cảm của Tiên khi đó là quá ngột ngạt, không biết mình là ai, muốn gì. Hát để làm gì? Có thời điểm Tiên đi hát như cái máy, hát để kiếm tiền chứ không còn đam mê" - Ca sĩ Tóc Tiên.
Tóc Tiên đã có sự thay đổi đột ngột khi đang từ một ca sĩ thành công bên Mỹ, cô đã chọn cách về Việt Nam để cống hiến. Một sự thay đổi ai nhìn vào cũng thấy đầy sự liều lĩnh.
Tóc Tiên chia sẻ: “Khi tuyên bố về Việt Nam với nhóm bạn là lúc Tiên có sự nghiệp ổn định bên Mỹ, đang hot ở bên đó, cát-xê ổn định, show nào cũng có mặt. Còn khi nhận lời về Việt Nam, Tiên không có gì: Không có e-kip, truyền thông, họ hàng, chỉ vài nghìn USD trong túi.
Tiên xây dựng sự nghiệp ở Việt Nam có thể nói là từ bàn tay trắng và không ai tin. Nhưng Tiên vẫn thử và thành công. Lúc đó Tiên rất liều vì mọi người đều cản, nhưng mình phải quyết định.
Không thể bay qua bay lại giữa Việt Nam và Mỹ, khán giả họ sẽ không quen sự có mặt của mình. Bầu show cũng không biết mình ở đâu để gọi. Liều lắm, nhưng đó là may mắn và nghề đã chọn mình. Liều lĩnh có tính toán, dám làm, dám sống”.
Với người ngoài, đó là sự liều lĩnh có phần may mắn. Nhưng đối với Tóc Tiên, đó mới thực sự là con người thật của nữ ca sĩ, là quyết định dễ hiểu sau một quãng thời gian tạm gọi là chịu nhiều tổn thương, thậm chí là trầm cảm, để vươn lên.
6 năm ở Mỹ: Dậy thì đau đớn nhưng thành công
Tóc Tiên kể, cuộc đời 30 năm của mình chia làm 3 giai đoạn: Trước khi đi Mỹ - Bình yên; 6 năm đi Mỹ - Rất nhiều biến cố; Và quay lại Việt Nam - Trưởng thành thực sự.
Bình yên của 23 năm tại Việt Nam, Tiên sống như những gì mẹ nhào nặn.
“Một cuộc sống mà mẹ dạy Tiên chính chuyên đúng nghĩa. Và 23 năm đó là hoàn toàn không buông tí nào, do sự dạy dỗ cực đoan, chính chuyên của mẹ, giúp Tiên có nhân cách vững, không bị xô ngã bởi những cám dỗ trong nghề.
Có lẽ bạn không biết về cái tên của Tiên: Nguyễn Khoa Tóc Tiên - Tên gọi này có được là do mẹ rất thích người Huế, thích dòng họ Nguyễn Khoa, thích sự dịu dàng của con gái Huế, tóc dài… Nhưng mẹ đẻ ra tôi - Cô nàng có sóng ngầm trong người” – Tiên kể lại.
Nhưng khi sang Mỹ, cô bị sốc văn hóa bởi khác biệt quá lớn giữa giáo dục Việt Nam và Mỹ khiến bản thân bị chệch đi, dẫn đến xung đột gia đình, đặc biệt là mâu thuẫn với mẹ.
6 năm ở Mỹ là quãng thời gian cực kỳ nhiều biến cố, Tiên cảm nhận cuộc sống không là màu hồng như mình tưởng tượng trước đó.
“Tôi chưa chuẩn bị về tâm lý. Tiếng Anh cũng chưa tốt, qua đó 6 tháng đầu nghe không hiểu gì. Sự khác biệt quá lớn trong tư tưởng giáo dục, khiến tôi như một bánh răng không khớp nữa, dẫn tới xung đột trong gia đình”, Tóc Tiên kể.
Nữ ca sĩ xác định, lúc sang Mỹ sẽ bỏ nghề hát. Mẹ luôn muốn Tiên học làm bác sĩ bởi quan niệm “Bác sĩ thì gọi là bác này bác kia còn ca sĩ thì người ta gọi là con, là thằng. Rồi làm ca sĩ là xướng ca vô loài”.
Bởi vậy, Tiên đã theo học nghề bác sĩ như nguyện vọng của mẹ. Nhưng càng học càng chán, tiếng Anh giao tiếp còn chưa thạo, học tiếng Anh chuyên môn lại càng khó hơn nên cô không thấy vui khi đi học. Tiên quyết định chuyển sang học truyền thông.
Hai tháng sau khi sang Mỹ, Tiên nhận được lời mời nhận ca hát tại trung tâm ca nhạc. Ngay từ buổi đầu tiên, cô đã may mắn nhận được sự yêu mến của khán giả, bầu sô lại gọi tới tấp. Đó là lý do dù muốn bỏ nghề hát nhưng cuối cùng, Tiên vẫn bị “nghề chọn người”.
Tiên theo đuổi nó, một phần vì duyên, một phần giúp đỡ tài chính rất nhiều cho gia đình.
“Mẹ không cấm Tiên theo nghề, mẹ chính là người dẫn dắt Tiên vào showbiz từ nhỏ, hướng dẫn Tiên diễn xuất ra sao, ăn mặc như thế nào để nổi bật. Chỉ là mẹ muốn bảo vệ con, nhận ra môi trường này nhiều cạm bẫy nên muốn con gái theo nghề bác sĩ vì đó là nghề được người đời trọng vọng.
Sau này, nếu là Tiên, chắc Tiên cũng sẽ uất ức như mẹ đã từng. Bởi Tiên thay đổi quá nhanh và mạnh. Tiên không đi theo con đường mẹ vạch ra như ngày xưa” - ca sĩ Tóc Tiên chia sẻ.
Mâu thuẫn giữa mẹ và Tiên ngày càng lớn dần khi Tiên bắt đầu bứt phá, muốn làm theo ý mình, tìm lại con người của mình.
“Dù tính tôi hay quên, nhưng có những lúc tôi phải chui vào tủ quần áo khóc vì không chịu được lời nói của mẹ. Có lẽ tôi bị trầm cảm. Tôi không thể tập trung được việc gì như lái xe hay đi học.
Tôi nhớ có lần đang lái xe rồi trời mưa, tôi đã dừng bên lề đường để khóc. Tôi khóc vì bế tắc, giống như mình đang ở đường cùng, không biết làm sao để giải quyết mâu thuẫn gia đình, làm sao để phá vỡ sự im lặng”.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi mẹ nữ ca sĩ bảo vệ con tới mức muốn kiểm soát cả người con gái sẽ yêu, hẹn hò. Kiểu như con gái phải yêu người tốt, có nền tảng, ổn định.
Nhưng với độ tuổi 20 như Tiên lúc đó, tình yêu là tất cả: “Tôi yêu một người, nhưng mẹ tôi lại cứ bắt tôi phải yêu một người khác có gia đình, kinh tế, công việc tốt hơn. Điều này rất khó với tôi. Đó là người tôi yêu 5 năm liền, không thể bỏ. Tôi không thể theo ý mẹ và để mẹ kiểm soát mình được. Đó là mâu thuẫn lớn nhất và sâu sắc nhất của tôi với mẹ...
Nhiều mâu thuẫn dồn lại, cộng thêm tính bướng bỉnh và suy nghĩ muốn được tự do thời mới lớn của tôi khiến hai mẹ con không tìm được tiếng nói chung và hệ quả là tôi quyết đi khỏi nhà” - nữ ca sĩ vừa khóc vừa kể lại.
Trưởng thành nhờ 23 năm dạy dỗ khắc nghiệt của mẹ
Tóc Tiên đã có những chuỗi ngày dài sống trong cô đơn. |
Tóc Tiên ra đi với một quyết tâm thay đổi chính mình, sau 3 năm sang Mỹ. Bỏ nhà đi khi USB chưa biết sử dụng, tiền không biết xài nốt vì tất cả tiền kiếm được là để cho gia đình, để mẹ chi tiêu.
Cô gái 23 tuổi không biết thuê nhà ra sao, ăn gì, tiền đâu để ăn… Rất may có một người anh, người Tóc Tiên phải mang ơn suốt đời, đã giang tay, cứu giúp.
Sau khi tự do, Tóc Tiên quay ngoắt 180 độ với hình ảnh mẹ tạo dựng: Từ cô gái tóc dài, dịu dàng, Tóc Tiên ý thức được lợi thế của thân hình và nhan sắc, cô cắt tóc ngắn, lựa chọn cách ăn mặc nóng bỏng, biết yêu bản thân mình hơn.
Sự thay đổi này không phải là chống đối, mà thực sự là đi tìm lại con người của chính Tiên. 4 năm đó có thể Tiên tìm hơi gấp, nhiệt tình, nhưng lại hết sức tự nhiên chứ không phải khiên cưỡng, cố tình làm.
Nhưng đó cũng là chuỗi ngày dậy thì trong cô đơn. “Riết rồi tôi thành quen, không có ai đón đưa ở sân bay. Ai đó bảo ra đón ở sân bay thì không cần, không dám làm phiền ai. Mọi người bảo tôi mạnh mẽ, nhưng đó là cả một quá trình.
Tôi cảm ơn những lúc một thân một mình đi diễn ở Mỹ: 5 ngày 5 thành phố, đi liên tục, cực khổ. Tôi cảm ơn những lúc khóc một mình trong tủ quần áo, khóc trong xe… Cảm ơn những lúc đó, mới có mình đủ chín chắn, vị tha, bao dung cho những tổn thương trong quá khứ.
Tôi không hối hận vì đã bỏ nhà đi vì nếu lúc ấy không ra khỏi nhà thì có lẽ cuộc sống của tôi sẽ còn kinh khủng hơn bây giờ rất nhiều. Sẽ hối tiếc rất rất nhiều.
Nhưng tôi muốn nếu lúc đó hai mẹ con chịu khó lắng nghe nhau hơn, bình tĩnh hơn, thì mối quan hệ sẽ không như bây giờ, sẽ đẹp hơn. Qua nhiều người, tôi biết mẹ hiện giờ vẫn yêu thương tôi. Nhưng cách yêu thương của mẹ tôi vẫn rất ngược đời” - Tóc Tiên chia sẻ.
Cái ngược đời mà Tóc Tiên nhắc đến chính là mẹ vẫn không công nhận sự thành công của Tiên - sự thành công ngoài con đường mẹ đã định.
Mẹ chưa chấp nhận được việc con gái mình trở thành người nào đó của xã hội mà không đi theo đường hướng của mẹ, chưa ghi nhận nỗ lực của con trong nghề.
“Đôi khi tôi cũng buồn, vì các anh chị khác, đi đâu cũng có mẹ có ba đi cùng, ba mẹ ngồi dưới theo dõi. Hoặc khi họ đạt giải thưởng thì gọi điện về cho mẹ. Nhưng mâu thuẫn của mẹ và tôi lớn quá, khi mình được giải thưởng thì mình không thể chia sẻ, không gọi điện được cho ai.
Mâu thuẫn với mẹ quá lâu và không được giải quyết khiến tôi với các thành viên khác trong gia đình cũng có khoảng cách. Lâu dần tôi có cảm giác như mình không có gia đình” - Tiên tâm sự.
Giờ đây, khi đã đi qua chặng đường trưởng thành trong cô đơn, Tóc Tiên nhận được nhiều inbox của các bạn trẻ hỏi rằng, ba mẹ em cấm cái này, ba mẹ em muốn em theo nghề này… em phải làm sao?
“Thực sự Tiên không khuyên được ai, vì lúc đó mình ở thế phải ra khỏi nhà. Giờ chả nhẽ khuyên các em bỏ nhà ra đi? Nhưng Tiên mong các bạn dấn thân một lần xem sao. Thất bại hay thành công thì phải thử đã. Có những thứ chướng ngại ngoài gia đình mới thực sự dạy cho mình” - Nữ ca sĩ chia sẻ.
Trẻ đến khám bệnh trầm cảm thường thiếu tình thương của cha mẹ. Những trẻ bị trầm cảm nặng thường muốn tự tử vì các em cảm thấy sống không có ý nghĩa.
Ngoài ra, trẻ dễ bị trầm cảm nếu chậm phát triển, thiếu kỹ năng xã hội, dẫn tới hay bị bạn bắt nạt. Trong khi đó, thầy cô không hiểu cho học trò dẫn tới trẻ gặp khó khăn trong học tập, thiếu tập trung, bị thầy cô trách mắng. Kết quả học tập không cao lại bị bố mẹ đánh đập.
Như vậy, trẻ thường bị cả bạo lực gia đình lẫn bạo lực học đường. Khi trẻ không thể giao tiếp với cha mẹ, bạn bè, thầy cô, trẻ càng dễ nghiện game, lại càng thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội. Lâu dần trẻ bị trầm cảm.
Hoặc có những đứa trẻ bị làm dụng tình dục từ người trong gia đình nhưng không thể thổ lộ cùng ai; trẻ phát hiện ra mình ở giới tính thứ 3… dẫn tới thấy cuộc đời mờ mịt, tự trẻ cô lập chính mình, thấy sống không có ý nghĩa gì, dễ rơi vào trạng thái tự hành hạ mình như cắt tay, cắt chân, tự tử.
Bố mẹ chỉ phát hiện con bị trầm cảm khi con thương tật đầy mình, sẹo khắp người và đến bác sĩ thì đã trầm cảm nặng. Nếu con bạn có các triệu chứng như bỏ ăn, chán ăn, không ngủ được, thức khuya, sút cân, tự cô lập, không muốn tiếp xúc với ai hết, thì hãy nghĩ tới trầm cảm.
Cha mẹ hãy dành thời gian nói chuyện với con, nhất là con ở tuổi vị thành niên. Phải đóng vai trò như người bạn chứ không thể hét hò, đánh đập hay áp đặt.
Cha mẹ nuôi dạy con mục tiêu phải là con hạnh phúc. Chứ không phải kiếm tiền nhiều, giàu có, có địa vị trong xã hội là con sẽ hạnh phúc. Cha mẹ cần hiểu sự phát triển tâm lý theo lứa tuổi, phải giúp con có kỹ năng sống, phải có lý tưởng, mục tiêu sống. Đừng bắt con đi học đủ thứ trường chuyên lớp chọn theo sở thích của bố mẹ, mà hãy giúp con phát triển theo năng khiếu.
Bác sĩ tâm lý Phạm Ngọc Thanh – Cố vấn Tâm lý tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford TP.HCM.