Ca sĩ Hàn Quốc bán cà phê, quần áo mưu sinh

Nhiều thần tượng Hàn Quốc không được trả lương và phải bán cà phê, quần áo để kiếm sống sau khi giải nghệ.

Để trở thành một thần tượng Kpop và thành công trên toàn cầu, các chàng trai, cô gái cần có sự gan dạ, đam mê và cả yếu tố may mắn. Không thể thiếu nền tảng kinh tế ổn định bởi nhiều người trong số họ hoạt động vài năm vẫn không có lương, thậm chí gánh trên vai khoản nợ lớn.

Chi phí đầu tư khủng

Herald Corp trích chia sẻ của một nguồn tin trong lĩnh vực giải trí, chi phí sản xuất nhóm nhạc thần tượng (bao gồm việc thực hiện album) khoảng 2 tỷ won. Cả khi cố gắng cắt giảm chi phí, công ty giải trí cũng cần bỏ ra khoản đầu tư ít nhất là 1,5 tỷ won. Con số này bao gồm chi phí đào tạo nghệ sĩ từ khi họ là thực tập sinh.

Vì chi phí đào tạo đắt đỏ nên số lượng thực tập sinh phụ thuộc vào quy mô của công ty. “Ông lớn” như SM Entertainment thường có 20 đến 30 thực tập sinh, trong khi các công ty nhỏ hơn chỉ khoảng 5 người.

“Mỗi thực tập sinh tiêu tốn của chúng tôi ít nhất 30 triệu won mỗi tháng”, nguồn tin tiết lộ với Herald Corp.

Ngay cả việc tham gia các chương trình âm nhạc hàng tuần cũng tiêu tốn của công ty giải trí khoản tiền không nhỏ. Công ty phải dành ra khoảng 100 triệu won mỗi tháng để nghệ sĩ được xuất hiện trên Music Bank.

Người này cho biết thêm: “Một công ty nhỏ thường không có khả năng chi trả chi phí đào tạo tốn kém trong thời gian dài. Họ chỉ có thể duy trì việc này trong khoảng hai năm, do đó thường ra mắt nhóm nhạc sớm hơn công ty lớn để nhanh chóng thu hồi vốn. Tuy nhiên, không phải nhóm nhạc nào cũng tồn tại được trong thời điểm cạnh tranh như hiện tại”.

“Không phải thần tượng nào cũng được biểu diễn trong các chương trình âm nhạc. Đội ngũ nhân viên của chương trình sẽ quyết định ai diễn, ai không. Thường thì chúng tôi chỉ đồng ý cho những nhóm đã được công chúng biết tới biểu diễn”, một nhân viên truyền hình nói với tờ Herald Corp.

Theo người này, có hai cách để đảm bảo thành công cho một nhóm nhạc mới ra mắt. Một là đến từ những công ty lớn như SM, YG, JYP Entertainment... Cách còn lại là tham gia chương trình sống còn như Produce 101. Không có những điều kiện trên, nhiều nhóm nhạc sớm biến mất khỏi thị trường.

Thần tượng là những con nợ

Để đổi lấy những năm tháng đào tạo và cơ hội được ra mắt, sau đó quảng bá trên sóng truyền hình, giới thần tượng phải ký hợp đồng kéo dài trung bình 5-7 năm. Hầu hết thần tượng dành 2/3 thời gian hoạt động để trả nợ. Thậm chí, những nhóm nổi tiếng như Momoland, 2AM, AOA cũng không ngoại lệ.

Tháng 8, ngoài tố Jimin bắt nạt, Mina còn cho biết cô phải gánh khoản nợ 3 tỷ won dù đã rời nhóm AOA. Nữ ca sĩ viết: “Các người chỉ biết đến tiền bạc. Hợp đồng của tôi thậm chí không được giải quyết ổn thỏa. Tôi phải ký hợp đồng dài 8 năm và gánh khoản nợ thực tập sinh 3 tỷ won. Các người đã không trả lời cho đến khi tôi liên lạc. Toàn là những người vô trách nhiệm. Các người thậm chí không biết tôi đã bị đối xử như thế nào trong 11 năm”.

goc khuat o Kpop anh 2
Thành viên Momoland chưa được trả lương sau nhiều năm ra mắt. Ảnh: Fansite.

Trong cuộc phỏng vấn với No Cut hồi tháng 9/2019, Hyemi cho biết cô chưa từng nhận lương trong nhiều năm hoạt động cùng Fiestar. Nữ ca sĩ nói: “Thu nhập của tôi bằng 0. Công ty cung cấp cho các thành viên trang phục và đạo cụ sân khấu chất lượng, nhưng doanh thu chúng tôi mang lại không đủ để thu hồi vốn”.

“Tôi không nhận được bất kỳ khoản thu nhập nào, nhưng làm việc với Fiestar là trải nghiệm quý giá. Chúng tôi không quá nổi tiếng nhưng vẫn có nhiều người nhớ đến nhóm”, cô tâm sự thêm.

Momoland nổi tiếng từ khi ra mắt nhờ ca khúc Bboom Bboom. Tuy nhiên, thu nhập từ lịch trình làm việc bận rộn chưa đủ để họ bù đắp khoản chi phí đầu tư quá cao. Xuất hiện trong chương trình Village Survival, The Eight 2 của đài SBS vào đầu năm 2019, Yeonwoo cho biết cô chưa trả hết nợ cho công ty.

“Tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản thu nhập nào kể từ khi ra mắt. Mỗi ngày tôi đều sống cùng đống nợ. Chúng tôi không dám tiêu xài hoang phí, kể cả với thức ăn. Nhóm từng được 7.000 won cho một bữa ăn nhưng hiện tại tăng lên 10.000 won. Sáu tháng rồi tôi không ăn thịt bò”, nữ ca sĩ tâm sự.

Từ bỏ ước mơ để trở về với thực tế

Trên Newsen, cựu thành viên nhóm TINT - Choi Yun Jin - miêu tả việc bán cà phê để kiếm sống là “theo đuổi thực tế”. "Những người khác đang theo đuổi giấc mơ của họ. Tôi cũng từng như thế và bây giờ tôi theo đuổi thực tế", cô chia sẻ.

Choi Yun Jin từng ra mắt với nhóm nhạc TINT, tuy nhiên họ không được công chúng biết tới. Cuối cùng TINT phải đầu hàng thị trường giải trí khắc nghiệt, đầy cạnh tranh, cám dỗ.

Sau khi chia tay giấc mơ nổi tiếng, Choi Yun Jin cùng bạn thân mở quán cà phê. Cô tâm sự phải dậy sớm trước 7h sáng để chuẩn bị đồ uống cho khách hàng. Sau đó, cô mang trái cây từ kho ra cửa hàng để làm đồ uống. Hai năm qua, cô sống bằng nguồn thu từ quán cà phê.

goc khuat o Kpop anh 3
Choi Yun Jin từ bỏ nghệ thuật, bán cà phê kiếm sống.

Baby J (Jooyeon) xuất thân từ nhóm nhạc Jewelry. Nhóm nhạc của cô khá nổi tiếng khi mới ra mắt. Tuy nhiên, họ dần giảm danh tiếng sau khi Seo In Young và Park Jung Ah rời đi.

Trong chương trình Show Me the Money 5, cựu thần tượng bật khóc khi tâm sự về cuộc sống khó khăn. "Tôi không kiếm được tiền, vì vậy phải làm công việc bán thời gian. Tôi thậm chí làm việc tại cửa hàng pizza và bán quần áo. Tôi đã khóc rất nhiều và đang dần trở nên tự ti hơn", cô xúc động nói.

“Tôi không có công ty quản lý và ngay cả khi tôi đích thân liên hệ, họ cũng từ chối giúp đỡ tôi với lý do đó không phải việc của họ. Tôi chỉ có thể tự mình làm mọi việc", cô tâm sự thêm.

Thị trường Kpop không hào nhoáng như khán giả thấy. Thậm chí, để tồn tại, mỗi thần tượng đều phải chiến đấu hết sức mình.

Một nguồn tin tiết lộ với tờ Herald Corp: “Các thần tượng không chỉ cạnh tranh từ khi ra mắt mà ngay cả khi là thực tập sinh, họ cũng phải đối mặt với cuộc sống nghiệt ngã. Khi bước vào công ty giải trí, cuộc sống của họ sẽ trở thành một trận chiến về tiền bạc ”.

Theo Zingnews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ