Cà Mau: Giảm tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia

Cà Mau: Giảm tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia

Giảm 9% ca TNGT trong 2 tuần

Theo đó, từ ngày 1 - 14/1/2020 số bệnh nhân điều trị ngoại trú do tai nạn giao thông (TNGT) ở tỉnh Cà Mau giảm 9%, giảm áp lực cho các bệnh viện ở những tháng cao điểm.

Theo ông Trần Thanh Sang - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết: Nghị định 100 ra đời có tác động lớn đến việc sử dụng bia rượu của người dân. Thay đổi ý thức của người tham gia giao thông. 

Ông Sang dẫn chứng: “Từ khi có Nghị định này, có những đám tiệc của nhân viên trong bệnh viện chưa sử dụng hết 2 két bia. Trong khi, hồi xưa 1 đám ít nhất phải hơn 20 két bia (1 bàn ít nhất phải 1 két bia)”.

Cũng theo ông Sang, ở những tháng cuối năm, thông thường số người nhập viên liên quan đến rượu bia là rất lớn. Ngoài tai nạn giao thông thì còn có những trường hợp ngộ độc do rượu bia. Ở những tháng cao điểm, Nghị định 100 ra đời đã góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện.

Khu vực điều trị bệnh nhân tai nạn giao thông khá vắng.
 Khu vực điều trị bệnh nhân tai nạn giao thông khá vắng.

“Những năm trước, ở những tháng cuối năm, tỷ lệ nhập viện luôn tăng, trong đó tỷ lệ nhập viện do rượu bia còn tăng mạnh hơn. Bình thường, bệnh viện điều trị cấp cứu dao động khoảng 110 - 140 trường hợp/ngày. Đặc biệt, dịp Tết có thể tăng lên 180 - 200 bệnh nhân. Đa phần số lượng nhập viện tăng có liên quan đến rượu bia”, ông Sang thông tin thêm.

Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, trong năm 2019 có đến 686 trường hợp (đường bộ 682 ca và đường thủy 4 ca) nhập viện do tại nạn giao thông. Trong đó có 140 ca chấn thương sọ não và 13 người chết.

Trong khi đó, thống kê 2 tuần (từ ngày 18 - 31/12/2019) trước khi Nghị định 100 được triển khai, số bệnh nhân điều trị ngoại trú do tai nạn giao thông là 177 người. Chỉ 2 tuần sau khi Nghị định 100 triển khai (từ ngày 1 - 14/1/2020) là 161 bệnh nhân (giảm 9%). Tổng số bệnh nhân phải xét nghiệm nồng độ cồn trong máu do tai nạn giao thông từ 18 bệnh nhân giảm xuống còn 11 (giảm 39%).

269 trường hợp vi phạm trong 15 ngày

Tại Cà Mau, hiện rất thịnh hành dịch vụ đưa đón khách hàng tại các quán nhậu.
Tại Cà Mau, hiện rất thịnh hành dịch vụ đưa đón khách hàng tại các quán nhậu.

Theo thống kê từ Công an tỉnh Cà Mau, từ ngày 1 - 15/1/2020, đơn vị đã tổ chức tuần tra, kiểm soát và lập biên bản hơn 2.300 trường hợp vi phạm; phạt hành chính số tiền 1,85 tỉ đồng; tạm giữ 667 xe (26 ô tô), tước 179 giấy phép lái xe (26 ô tô). Trong đó có 269 trường hợp (có 8 ô tô) vi phạm nồng độ cồn; phạt hành chính số tiền gàn 468 triệu đồng, tước 60 giấy phép lái xe.

Đặc biệt, đã quyết định xử phạt đối với tài xế T.H.H. (40 tuổi, ngụ Quận Cái Răng, TP Cần Thơ) 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng vì vi phạm điều khiển xe ô tô mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/lít khí thở.

Trước đó, vào đêm 5/1, ông T.M.T. (45 tuổi, ngụ khóm 6, phường Tân Thành, TP Cà Mau) điều khiển xe va chạm vào một xe máy khác. Nhưng khi lực lượng CSGT đề nghị đo nồng độ cồn, thì ông phản ứng không chịu. Đến khi đo được thì độ cồn ở mức 0,765mg/l.

Còn trong buổi tối 6/1, tại tuyến đường Trần Hưng Đạo (phường 5) nối dài Quản lộ Phụng Hiệp (phường Tân Thành), lực lượng làm nhiệm phát hiện 5 trường hợp người điều khiển xe mô tô có nồng độ cồn.

Ngoài ra, có một trường hợp độ xe chạy với tốc độ cao, nhưng khi gặp CSGT thì tăng tốc bỏ chạy cũng bị lực lượng làm nhiệm vụ tạm giữ xe.

Theo thống kê của lực lượng CSGT, Công an tỉnh Cà Mau, trong quá trình kiểm soát, xử lý vi phạm thì có 17 trường hợp điều khiển phương tiện không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện của CSGT, không ký nhận biên bản vi phạm hành chính. Hiện, lực lượng thực thi công vụ đã củng cố hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ